Đoàn doanh nghiệp dệt may Việt Nam tại TITAS
TITAS 2017 do TTF tổ chức là Triển lãm lần thứ 21, có 789 gian hàng của gần 400 công ty dệt may và dịch vụ từ 11 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, gồm: Trung Quốc, CH Séc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ và Đài Loan. Đây là triển lãm dệt may chuyên nghiệp duy nhất ở Đài Loan và nằm trong top quan trọng nhất ở Châu Á.
Toàn cảnh Lễ khai mạc Triển lãm
Tại đây có khoảng 1000 cuộc gặp mặt B2B của hơn 100 nhãn hàng/nhà bán lẻ và các đơn vị trưng bày sản phẩm có nhiều tiềm năng hợp tác trong tương lai. Trong khuôn khổ Triển lãm, có các cuộc hội thảo/tọa đàm với các chủ đề như: Xu hướng sản phẩm dệt Đài loan, Các giải pháp kiểm soát sợi công nghệ cao; Công nghệ hoàn tất vải dệt công nghệ cao; Xơ len Merino chức năng và những sản phẩm mới nhất; Phương thức chuỗi cung ứng may nâng cao tính cạnh tranh bằng giá cả, thời gian giao hàng và năng suất, Áp dụng cơ sở dữ liệu trong ngành dệt; những xu hướng của sản phẩm dệt thông minh…
Tại Triển lãm, Đoàn đã gặp mặt với Chủ tịch TTF, tham dự lễ khai mạc Triển lãm, tham quan các gian hàng trưng bày nguyên phụ liệu, sản phẩm dệt may, thời trang; gặp gỡ làm việc với nhiều khách hàng Đài Loan và quốc tế tham dự Triển lãm.
Gặp mặt giữa Đoàn VITAS và TTF
Tại buổi gặp mặt với TTF, đại diện 2 Hiệp hội đã trao đổi về tình hình ngành dệt may của Việt Nam và Đài Loan và bàn các biện pháp thúc đẩy, phát triển hơn nữa các quan hệ đầu tư, thương mại 2 bên.
Ông Justin Huang – Chủ tịch TTF cho biết, TITAS năm nay tập trung vào các chủ đề Công nghệ cao và đổi mới sản phẩm dệt thông minh, bền vững và các ứng dụng chức năng. Triển lãm nhằm mục đích: quảng bá sản phẩm dệt may tái chế bền vững có gốc carbon, dịch vụ chức năng cho ngành may mặc, bao bì, các ứng dụng công nghiệp và dự báo xu hướng dệt, may, thời trang cho mùa Thu - đông 2018. Ông Huang cho rằng, VN và Đài Loan có nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác. Tuy nhiên kim ngạch hiện tại vẫn chưa tương xứng. Ông Huang mong muốn 2 Hiệp hội sẽ có nhiều nỗ lực hơn nữa để tăng cường các mối quan hệ đầu tư và thương mại.
Sau khi giới thiệu tóm tắt về tình hình dệt may Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS cho biết, khâu sản xuất vải đang là điểm yếu – nút thắt cổ chai tại Việt Nam thì đây lại là điểm mạnh của các DN dệt Dài Loan. DN Việt nam mạnh về may, có thể nhập vải từ Đài Loan về may và xuất lại sang Đài Loan. Cần tăng cường hợp tác để tận dụng các điểm mạnh của 2 bên. Bà Mai mong muốn phía TTF có những chương trình hỗ trợ, đào tạo cho các DN Việt Nam. Vấn đề tăng cường hợp tác trong ngành dệt may được hai bên thống nhất đưa thành một nội dung thảo luận tại Hội nghị hợp tác công nghiệp Việt Nam - Đài Loan mà được tổ chức vào ngày 06/12/2017 tại TP HCM.
Đại diện TTF hướng dẫn Đoàn thăm một số gian hàng Triển lãm
Bài và ảnh: Nguyễn Bình