Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 44,4 tỷ USD. Trong quý I/2023, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may đạt hơn 5,8 tỷ USD. Giảm gần 19% so với cùng kỳ. Mục tiêu năm 2023 của ngành dệt may đặt ra là 47 tỷ USD. Hiện tại, ngành dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là tổng cầu giảm trên toàn thế giới do lạm phát, vấn đề xung đột địa - chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.... Bên cạnh đó, hàng tồn kho của các nhãn hàng trên toàn cầu hiện vẫn tương đối lớn.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc
Trong những nhóm giải pháp đặt ra cho ngành dệt may, theo ông Giang, các doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hoá mặt hàng, khách hàng và thị trường. Cần phải đa dạng hóa công nghệ, phát triển xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm các nguồn lực, bắt kịp xu thế đòi hỏi của các nước nhập khẩu và nhãn hàng. Giải pháp về tài chính, đảm bảo an toàn dòng tiền đang là nhu cầu cấp bách với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may khi tiếp cận thị trường mới. Thông qua các định chế tài chính quốc tế, VITAS đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đánh giá mức độ tin cậy của những giao dịch quốc tế, đồng thời có giải pháp thu hồi tiền khi xuất hàng sang các thị trường mới. Doanh nghiệp cần phải tham gia, liên kết chặt chẽ trong các chuỗi cung ứng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS đã giới thiệu về các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam tham gia ký kết, trong đó có những yêu cầu cao về lao động và môi trường; về tình hình đầu tư vào ngành dệt may của các nhà đầu tư nước ngoài; các xu hướng chuyển đổi số và phát triển bền vững trong ngành dệt may. Về định hướng phát triển bền vững, bà Mai nêu rõ những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ VN cũng như yêu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo 3 yếu tố gồm 3 chữ P: People (con người) – Planet (hành tinh) – Profit (lợi nhuận), giống như kiềng 3 chân. Một trong những yếu tố đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả là giải pháp tài chính bền vững. Công ty Olea Global là đơn vị có thể cung cấp những giải pháp về tài chính ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ các Doanh nghiệp dệt may.
Bà Letitia Chau - Phó TGĐ Olea
Giới thiệu về Olea Global Pte. Ltd, bà Letitia Chau - Phó TGĐ cho biết, Olea gia nhập thị trường Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển thông qua dịch vụ tài trợ thương mại xuyên biên giới. Mục tiêu của Olea là cung cấp cho các nhà xuất khẩu Việt Nam các giải pháp tài trợ thương mại mà họ cần để thành công trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay và Olea mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để giúp họ đạt được mục tiêu của mình.
Bà Le Bui – Giám đốc thương mại Olea
Bà Le Bui – Giám đốc thương mại của Olea đã trao đổi về giải pháp tài chính của Olea Global Pte. Ltd. - kết nối các thành phần trong chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu. Theo bà Le Bui, các dịch vụ của Olea tại Việt Nam sẽ cung cấp các giải pháp tài chính xuyên biên giới sáng tạo được thiết kế để giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính, tăng tính minh bạch trong các quy trình và nâng cao hiệu quả thông qua nền tảng công nghệ tiên tiến của Olea. Các giải pháp tài chính công nghệ cao có thể hỗ trợ các Nhà xuất khẩu giảm thiếu hụt vốn lưu động bằng cách cung cấp một cách nhanh chóng, đáng tin cậy và không rắc rối để đạt được nguồn tài chính. Các giải pháp này sẽ cho phép các nhà xuất khẩu nhận tiền ngay lập tức từ các khoản phải thu mà không cần tài sản thế chấp và giải phóng hạn mức tín dụng khỏi các nguồn tài chính ngân hàng truyền thống. Nhà xuất khẩu có thể nhận được tiền thanh toán ngay cho hàng hóa xuất khẩu, thay vì chờ đợi các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng.
Các diễn giả trả lời câu hỏi của đại biểu
Được biết, Olea là một nền tảng chuỗi cung ứng kỹ thuật số kết hợp sức mạnh của cả Standard Chartered và Linklogis. Là một liên doanh giữa một ngân hàng thương mại toàn cầu hàng đầu và một nhà cung cấp công nghệ chuỗi cung ứng hàng đầu, Olea kết hợp các năng lực hiệp đồng – chuyên môn thương mại quốc tế của Standard Chartered, quản lý rủi ro và quản trị hiệu quả cũng như chuyên môn công nghệ của Linklogis với tư cách là công ty SaaS chuỗi cung ứng đầu tiên của Trung Quốc được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Tầm nhìn của Olea là trao quyền cho thương mại bền vững. Olea có niềm tin mạnh mẽ vào vai trò của thương mại trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững giữa các quốc gia, đặc biệt là các thị trường mới nổi ở Châu Á, Trung Đông và Châu Phi, nơi có nhiều nhà cung cấp nhỏ hơn. Olea hỗ trợ các nhà cung cấp và người mua tại hơn 20 quốc gia.
Toàn cảnh hội thảo
Ảnh và bài: Nguyễn Bình