Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Xanh hóa ngành dệt may – yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay

28/11/2021 08:39 SA
Đó là nhận định của các chuyên gia, diễn giả tại hội thảo trực tuyến “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam – 3 năm nhìn lại và định hướng phát triển” do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) phối hợp tổ chức vào ngày 25/11/2021.
Hội thảo được tiến hành nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động của chương trình đã triển khai đến doanh nghiệp, những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm có được trong thời gian qua, đồng thời xác định các giải pháp để tiếp tục chương trình xanh hóa ngành dệt may trong thời gian tới.

 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc

Khái quát tình hình ngành dệt may, Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, qua 10 tháng 2021, xuất khẩu dệt may của VN đạt 32 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó một số sản phẩm chủ lực như: may mặc đạt 23,8 tỷ USD, vải đạt 2 tỷ USD, sợi các loại đạt 4,5 tỷ USD, vải không dệt đạt 636 tr. USD và phụ liệu may đạt 1,428 tỷ USD. Trong điều kiện dịch bệnh mà ngành vẫn đạt được kết quả khả quan như vậy là nhờ liên kết chuỗi, các DN đã hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt các DN phía Bắc hỗ trợ DN phía Nam; năm nay ngành dệt may có những cơ hội về giá, đơn hàng dồi dào, nhiều hơn so với năm 2020. Dự kiến xuất khẩu dệt may năm 2021 đạt 38 – 38,5 tỷ USD. Năm 2022, ngành dệt may kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu đạt 43 – 43,5 tỷ USD. Việc đặt ra chỉ tiêu ngày hoàn toàn có cơ sở, bởi vì: Chính phủ đã ban hành NQ 128 thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh COVID-19, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Điều này đã tạo niềm tin cho khách hàng, nhãn hàng cũng như các DN. Mặt khác, nhiều hiệp định FTA mà VN tham gia có hiệu lực đang tạo tạo thị trường tương đối rộng, toàn diện, tạo lực hút cho nguồn cung thiếu hụt, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào cho SX dệt may.          

Đánh giá về chương trình xanh hóa ngành dệt may, Ông Giang cho biết, chương trình này nhằm mục tiêu là chuyển đổi ngành dệt may tại Việt Nam thông qua các chính sách và những giải pháp quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích cho từng DN, cho ngành dệt may VN. Theo Ông Giang, việc xanh hóa ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình xanh hóa ngành dệt may được xây dựng trên nền tảng của các DN dệt may, trong đó VITAS và WWF có vai trò to lớn. Các nhãn hàng đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của DN về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu khi sản phẩm của DN được đưa ra tiêu thụ trên thị trường thế giới cũng như trong nước. Nhận thức của cộng đồng DN nhất là người đứng đầu, nhà quản trị có ý nghĩa quyết định đối với chương trình này, DN cần tiếp tục đầu tư các công nghệ, thiết bị, giải pháp để phát triển bền vững. Ông Giang mong muốn WWF tiếp tục đồng hành cùng VITAS để triển khai có hiệu quả chương trình này trong thời gian tới.

 

Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch/ Chủ nhiệm UB PTBV VITAS báo cáo kết quả 3 năm triển khai chương trình Xanh hóa ngành Dệt May VN

Tại hội thảo, đại biểu đã được nghe: Ông Trần Như Tùng – Phó CT VITAS/ Chủ nhiệm UB PTBV của VITAS – Chủ tịch Công ty CP Dệt May ĐT TM Thành Công báo cáo Tổng kết quá trình 3 năm thực hiện chương trình “Xanh hóa ngành Dệt May VN”; Ông James Phillips – TGĐ Công ty TNHH May mặc TAL VN, là thành viên sáng lập, đồng thời là Chủ nhiệm UB PTBV của VITAS trong 2 năm 2018-2020 chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của UB PTBV; Bà Hoàng Thanh Nga – Quản lý Chương trình Dệt May – Tổ chức WWF trình bày về các phương thức WWF hỗ trợ ngành Dệt May, mục tiêu và các giải pháp xanh hoá ngành DM VN; Bà Tiên Lê - Đại diện nhãn hàng VF trình bày về chủ đề: Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, giải pháp để kích hoạt mục đích của DN và khuyến khích hành động của nhà cung cấp; Bà Nguyễn Thị Liên – Phó TGĐ Công ty CP Quốc tế Phong Phú (PPJ) chia sẻ về thực tiễn phát triển bền vững tại DN, những hoạt động đã giúp PPJ xây dựng và tham gia chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu, hướng đến con người, môi trường & kinh tế

 

Ông James Phillips – TGĐ Công ty TNHH May mặc TAL VN

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Xanh hóa ngành Dệt May” triển khai 3 năm qua, các diễn giả đều cho rằng, Chương trình đã góp phần tích cực cải cách ngành Dệt May Việt Nam và tác động vào hoạt động quản trị ngành và môi trường, mang lại nhiều lợi ích về xã hội, kinh tế cho đất nước. Sự chuyển đổi xanh hóa ngành Dệt May đang giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như uy tín, thương hiệu của DN.

 

Bà Hoàng Thanh Nga – Quản lý Chương trình Dệt May Tổ chức WWF

Các chuyên gia đều khẳng định rằng, từ những bài học có được trong 3 năm qua, việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình xanh hóa nhanh dệt may là một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn tiếp theo. Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết. Trong các FTA này đều có  cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, để DN hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín và thương hiệu của DN, của ngành dệt may đối với người tiêu dùng.

 

Bà Nguyễn thị Liên – Phó TGĐ Công ty CP Quốc tế Phong Phú (PPJ)

Hiện nay, đa số DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đều phải tuân thủ những yêu cầu liên quan đến xanh hóa trong sản xuất như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Nếu DN không có những giải pháp thay đổi trong SXKD theo hướng bền vững và sạch hơn, tiết kiệm nước và các nguồn tài nguyên, sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường, thì bản thân doanh nghiệp sẽ mất lợi thế cạnh tranh, và đứng trước nguy cơ bị mất đơn hàng.

 

Các diễn giả trao đổi và giải đáp những câu hỏi trong phiên tọa đàm

Theo các diễn giả, việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững cũng là thách thức với các DN quy mô nhỏ và vừa vì nguồn tài chính còn hạn chế, thiếu đội ngũ nhân sự triển khai. Mỗi DN cần phải chủ động, đề ra những bước đi phù hợp với điều kiện của đơn vị. Ngành dệt may cần có chiến lược để tự chủ hơn trong nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt là phát triển sản xuất vải trong nước. Đồng thời cần xây dựng nguồn nhân lực với tư duy phát triển bền vững. Đây là một trong những yếu tố mang tính chất quyết định cho sự thành công của Chương trình.

Khi mỗi doanh nghiệp được đánh giá là phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị, thương hiệu cho cả ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may, của VITAS, thì rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế và nhãn hàng để chương trình xanh hóa ngành dệt may triển khai có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Bài: Nguyễn Bình

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.768
Khách
: 1.095
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0