Hơn 70 học viên từ các doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam đã tham gia lớp tập huấn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc lớp học, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS cho biết, Liên minh châu Âu (EU) hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD. Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - EU trong thập kỷ tới cũng như mở ra cánh cửa cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Toàn cảnh lớp học
Ngay khi Hiệp định này có hiệu lực, khoảng 90% số dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0% cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, đây là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như Dệt May, Da giày, Nông thủy sản… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng, giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục XNK trình bày bày giảng
Tại lớp học này, các chuyên gia Cục XNK Bộ Công thương đã giới thiệu về Thông tư 11/2020/TT-BCT của Bộ Công thương “Quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu”, so sánh các điểm khác và điểm mới về quy tắc xuất xứ, hướng dẫn thực hành khai báo C/O, áp dụng các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ EVFTA, các phát sinh thực tế cũng như một số vấn đề cần lưu ý khi thực thi quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu đi châu Âu...
Ông Vũ Hùng Thịnh – Phó phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục XNK trao đổi với học viên
Lớp tập huấn là một cơ hội giúp cho các học viên vừa nắm bắt thông tin, vừa trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của đơn vị trong quá trình chuẩn bị để đáp ứng những quy định về xuất xứ của Hiệp định EVFTA. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, tạo điều kiện giúp hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam xâm nhập hiệu quả hơn vào thị trường EU, góp phần làm cho mỗi doanh nghiệp cũng như ngành dệt may phát triển một cách bền vững.
Bài & ảnh: Nguyễn Bình