Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Hai, 11/11/2024

Đăng ký nhận tin

Hội thảo sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên nước trong ngành dệt nhuộm tại TP. HCM

19/07/2019 10:51 SA

Ngày 18/07/2019, tại TP. HCM, Hội thảo sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên nước trong ngành dệt nhuộm do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Trung tâm thông tin Môi trường Bộ TNMT phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Sáng kiến vươn tới đỉnh cao (Race to the Top) đã thành công tốt đẹp.

 

Toàn cảnh hội thảo

Mục đích của hội thảo là bổ sung và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về việc thực hiện dự án tối ưu hóa năng lượng và nước, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, điện, nước, các giải pháp quản lý hóa chất và chất thải trong ngành dệt may nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đáp ứng các yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do. Tại sự kiện, các chuyên gia đã giới thiệu những nội dung: sử dụng hiệu quả năng lượng và nước trong quá trình thực hiện dự án tối ưu hóa các nhà máy dệt nhuộm và giặt nhuộm; Giới thiệu và cập nhật về Higg index FEM 3.0; Giới thiệu về tài liệu hướng dẫn không thải hóa chất độc hại ra môi trường ZDHC tại VN; Cơ hội và chính sách tiết kiệm năng lượng.     

 

Ông Sibbe Krol, đại diện Tổ chức IDH phát biểu

Ông Sibbe Krol, đại diện Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH - Hà Lan cho biết, các quốc gia trên thế giới đang thực hiện tăng trưởng xanh toàn cầu, hướng đến mục tiêu thúc đẩy sản xuất bền vững thông qua việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước, giảm phát thải, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Để thực hiện mục tiêu này, doanh nghiệp ngành dệt may cần chú trọng đến việc sử dụng hóa chất trong khâu dệt nhuộm, hướng đến những loại hóa chất an toàn, thuân thủ nghiêm các quy định về sử dụng hóa chất, thuốc nhuộm.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó TTK VITAS phát biểu 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó TTK VITAS đã có bài thuyết trình về cơ hội, thách thức và giải pháp của ngành dệt may VN. Bà Mai cho biết, trong điều kiện Việt Nam tham gia nhiều các FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, có nhiều cơ hội cho ngành dệt may VN. Đó là: hàng dệt may VN xuất vào các nước tham gia hiệp định sẽ được giảm thuế; DN tăng thị phần tại các thị trường xuất khẩu; DN có điều kiện tiếp cận vốn, công nghệ, lao động có kỹ năng cao; Bản thân DN sẽ phải thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy; Thúc đẩy cải cách, sửa đổi  pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, cắt giảm thủ tục hành chính… Tuy nhiên ngành dệt may cũng phải đối mặt với những thách thức lớn. Đó là thiếu nguồn nguyên phụ liệu, thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu nguồn nhân lực. Về giải pháp chung cho DN dệt may, Bà Mai cho rằng cần phải tăng cường đầu tư vào khâu sản xuất vải, đào tạo đội ngũ các nhà thiết kế, nâng cấp hệ thống cảng biển, logistic và áp dụng Higg index trong các DN nhằm triển khai chiến lược xanh hóa và phát triển bền vững ngành dệt may VN.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bộ TN&MT phát biểu

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bộ TN&MT chia sẻ, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới, đòi hỏi các DN đầu tư cho sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, DN cần tiếp cận các giải pháp, công nghệ theo hướng nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường và an toàn với người sử dụng.

 

Tại sự kiện, các đại biểu và chuyên gia đã cùng nhau trao đổi sâu hơn về thực trạng, những khó khăn, thách thức của các DN, các cơ hội tiết kiệm tài chính và môi trường, thông qua tiết kiệm năng lượng và nước trong các nhà máy dệt nhuộm và giặt nhuộm. Các chuyên gia cho rằng, để được hưởng lợi từ các FTA mang lại, DN phải đáp ứng  được những yêu cầu chặt chẽ về quy tắc xuất xứ sản phẩm. Đặc biệt, DN dệt may cần chú trọng thực hiện những giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển các sản phẩm an toàn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, áp dụng các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Chính phủ cần có những chính sách quy định rõ ràng, minh bạch về tiêu chí công nghệ đầu tư đối với ngành dệt may, có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp cách xác định hóa chất nguy hiểm và đánh giá đúng mức độ độc hại, nguy hiểm của hóa chất; kiểm soát chặt chẽ việc thống kê, các quá trình vận chuyển, cất giữ hóa chất. 

 

Trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến vươn tới đỉnh cao, Tổng cục Môi trường xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật Quản lý hóa chất hướng tới giảm giảm phát thải hóa chất độc hại trong doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam. Hướng dẫn kỹ thuật này đưa ra các biện pháp quản lý an toàn hóa chất và kiểm soát ô nhiễm nhằm hạn chế phát thải hóa chất độc hại vào môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Việt Nam và một số chính sách của quốc tế. 

Bài và ảnh : Nguyễn Bình

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.386.513
Khách
: 2.142
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0