Trong khuôn khổ của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 20 (MRT 20), đã được tổ chức tại thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc, từ ngày 17 đến ngày 18 tháng 5 năm 2014, nhằm đánh giá tiến độ triển khai các nội dung ưu tiên của APEC năm 2014 và chuẩn bị dần các nội dung cho Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 (HNCC 22), sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 11 năm 2014. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Với chủ đề của APEC là: “Định hình tương lai, thông qua đối tác Châu Á - Thái Bình Dương”, năm 2014, chủ nhà Trung Quốc xác định 3 ưu tiên lớn, xuyên suốt hợp tác APEC trong năm 2014 là: (i) Đẩy mạnh Hội nhập Kinh tế Khu vực (REI); (ii) Thúc đẩy phát triển sáng tạo, tăng trưởng và cải tổ kinh tế; và (iii) Tăng cường tính kết nối một cách toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng.
Họp báo kết thúc Hội nghị
Nhìn chung, ba ưu tiên nói trên chủ yếu tập trung vào nội dung hợp tác kinh tế, thương mại và đã đảm bảo được tính kế thừa của hợp tác APEC trong những năm qua tái tập trung vào hợp tác kinh tế và đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực. Theo đó, Hội nghị MRT 20 đã tập trung thảo luận những nội dung chính như sau:
(i) Ủng hộ Hệ thống thương mại đa biên và chống chủ nghĩa bảo hộ: sau thành công của Hội nghị MC-9, tại Bali, In-đô-nê-xi-a, cuối năm 2013,các thành viên WTO đã có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục triển khai đàm phán, đặc biệt là đối với các nội dung quan trọng như:(i) Thực thi Hiệp định về Thuận lợi hoá Thương mại; (ii) Tăng cường đàm phán nông nghiệp; (iii) Ủng hộ đàm phán hiệp định nhiều bên như Hiệp định về Công nghệ Thông tin (ITA); và (iv) Đề xuất triển khai đàm phán đối với nội dung về hàng hoá môi trường, trên cơ sở danh mục đã được thông qua của APEC, năm 2012, v.v...
MRT 20 quyết định thông qua và ra Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng thương mại APEC, nhằm tiếp tục ủng hộ về mặt chính trị cho WTO. Nội dung của Tuyên bố tập trung vào những nội dung nói trên. Ngoài ra, tuyên bố cũng nhấn mạnh APEC tiếp tục gia hạn cam kết không áp dụng các biện pháp bảo hộ thêm 2 năm (thời hạn mới là năm 2018, thay vì 2016 như trước đây).
(ii) Đẩy mạnh Hội nhập Kinh tế Khu vực (REI): MRT 20 nhất trí việc APEC tiếp tục tăng cường đẩy mạnh REI trong thời gian tới. Các nước cũng thống nhất việc xây dựng một “Lộ trình tiến tới hiện thực hoá Khu vực Mậu dịch Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)” trong tương lai, sau khi APEC hoàn thành mục tiêu Bô-go và đề xuất về “Cơ chế chia sẻ thông tin về RTA/FTA”. Đây cũng là một trong những kết quả quan trọng của hội nghị, được nhiều thành viên quan tâm. Ngoài ra, MRT 20 cũng thông qua một số sáng kiến như: Kế hoạch chi tiết về tính kết nối của APEC; Kế hoạch chiến lược về xây dựng năng lực thúc đẩy thương mại và đầu tư, v.v...
(iii) Thúc đẩy phát triển sáng tạo, tăng trưởng và cải tổ kinh tế:Các Bộ trưởng nhấn mạnh hợp tác của APEC về: tăng trưởng sáng tạo; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn tín dụng v.v...
(iv) Tăng cường tính kết nối một cách toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng: MRT đã thảo luận về việc tăng cường kết nối toàn diện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xây dựng Kế hoạch chiến lược về Kết nối; mở rộng đầu tư và các kênh tài chính về kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng và thành lập Quan hệ đối tác Phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á - Thái Bình Dương.
Tại MRT 20, đoàn Việt Nam đã phát biểu khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, ủng hộ quá trình đàm phán thương mại trong WTO, đặc biệt là triển khai các kết quả hậu Ba-li của MC9,sự cần thiết đạt được mục tiêu Bô-go đúng thời hạn thông qua các sáng kiến hợp tác cụ thể, thiết thực, cũng như giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư. Đoàn ViệtNamcũng nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam đối với các nội dung hợp tác APEC về: kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ, cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng năng lực v.v...
Tại MRT 20, đoàn Việt Nam cũng đề xuấtvà được thông qua một số sáng kiến như: (i) “Đối thoại Công - Tư của APEC nhằm xác định và giải quyết các rào cản nhằm tăng cường đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng”; và (ii) Khoá Đào tạo của APEC về hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, trong thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ. Đây là nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư trong khu vực, đồng thời giúp khai thác chương trình hỗ trợ năng lực cho các thành viên APEC đang phát triển trong quá trình tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Bên lề MRT 20, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với chủ nhà APEC 2014 Trung Quốc và các thành viên APEC khác như: Hoa Kỳ; Hàn Quốc; In-đô-nê-xi-a; Liên bang Nga v.v. nhằm thảo luận những nội dung nổi bật về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và công nghiệp trong các diễn đàn đa phương cũng như trong khuôn khổ song phương đồng thời thảo luận, thống nhất một số lộ trình và giải pháp để thúc đẩy đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà các Bên cùng quan tâm./.
Nguồn: Bộ Công thương