Các xe container chở hàng nông sản tại bãi xe ở cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục để xuất khẩu qua biên giới
Đại diện Công ty TRA-SAS, một doanh nghiệp đại chúng có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ hậu cần và kinh doanh thương mại nhận xét, những chuyển biến trong công tác kiểm tra chuyên ngành là quá nhỏ và khiêm tốn so với các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực này.
"Câu trả lời thường nghe nhất từ cơ quan quản lý về một vấn đề cụ thể, vướng mắc của doanh nghiệp là “chúng tôi làm đúng theo quy định”. Điều này cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất trì trệ, thụ động, ít quan tâm đến khó khăn của doanh nghiệp"
- TS. Nguyễn Đình Cung
Theo đó, các bất cập đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến kiểm tra chuyên ngành bao gồm: chưa xem xét tách kiểm tra, quản lý chuyên ngành ra khỏi khâu thông quan, trừ khi đó là sản phẩm gây dịch bệnh; chưa có cơ chế miễn kiểm tra chuyên ngành cho hàng mẫu; vẫn còn hiện trạng một mặt hàng bị trên một cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra; chưa có cơ chế chấp thuận thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín toàn cầu, hàng hóa của các nhà sản xuất có tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng cao (HACCP-ISO) để miễn giảm kiểm tra chuyên ngành; chưa cho phép nhà nhập khẩu sử dụng kết quả hợp chuẩn/hợp quy của sản phẩm giống hệt đã được nhà nhập khẩu khác hợp chuẩn…
Bên cạnh đó, thời gian để thực hiện thủ tục hợp chuẩn/hợp quy còn quá dài, chẳng hạn mất 15 - 90 ngày đối với hàng thực phẩm; nhiều quy định chưa rõ ràng và tiềm ẩn nhiều chi phí không chính thức…
“Thực tế, một vài thủ tục đã có cải thiện trong năm qua, song vẫn còn ít ỏi so với quá nhiều bất cập của quy định quản lý chuyên ngành, do đó, cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn nữa”, đại diện TRA-SAS bày tỏ.
Trong lĩnh vực dệt may, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, các thủ tục hành chính, thông quan và kiểm tra chuyên ngành rườm rà, phức tạp đang gây ra nhiều khó khăn, tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã nhiều lần gửi báo cáo phản ánh về quy định thủ tục hải quan của Thông tư 38/2015/TT-BTC. Trong đó, quy định báo cáo và các biểu mẫu báo cáo xuất nhập khẩu còn quá phức tạp, nếu mã hàng nhiều màu, nhiều kích cỡ thì số lượng biểu mẫu có thể lên đến 500 loại.
Thậm chí, theo ông Trường, một số quy định được sửa đổi “tụt lùi” so với quy định cũ, như doanh nghiệp phải chứng minh có nhà xưởng, máy móc mới được chấp thuận nhập khẩu hàng không thu thuế, trong khi trước đây chỉ cần chứng minh đã thuê đơn vị khác sản xuất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viên Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành là một trong những lĩnh vực có số lượng nhiều nhất văn bản bị chỉ đích danh cần phải sửa đổi bổ sung tại các Nghị quyết 19 của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, song nhìn chung, vẫn còn không ít văn bản của các bộ ngành chưa thực hiện yêu cầu này.
Theo đó, cho đến nay, các bộ ngành vẫn chưa thực hiện được việc giảm số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu từ khoảng 30 - 35% xuống còn 15% như yêu cầu đặt ra. Cụ thể, một số văn bản có mặt trong Nghị quyết 19 vẫn “chây ỳ” chưa chịu sửa đổi bổ sung được CIEM nêu rõ tên như Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; Thông tư 19/2012/TT-BYT về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, hay Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…
“Câu trả lời thường nghe nhất từ cơ quan quản lý về một vấn đề cụ thể, vướng mắc của doanh nghiệp là “chúng tôi làm đúng theo quy định”. Điều này cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất trì trệ, thụ động, ít quan tâm đến khó khăn của doanh nghiệp do các quy định, văn bản cụ thể tạo ra. Họ luôn cho rằng, phần đúng thuộc về cơ quan nhà nước, do vậy cũng ít khi chủ động đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Cung nhận xét.
Theo ông Cung, việc bãi bỏ một số thông tư về kiểm tra hàm lượng Formaldehyte trên sản phẩm dệt may đã giúp doanh nghiệp dệt may tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng vạn ngày công. Việc bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất giúp tiết kiệm 55.000 tờ khai/năm với hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp. Vậy nếu thực hiện giảm tải thủ tục, tháo gỡ vướng mắc ở hàng loạt các văn bản thì sẽ tiết kiệm được con số vô cùng lớn. Các cơ quan quản lý phải nhận thức được rằng, chỉ cần một thay đổi rất nhỏ cũng có thể đem lại hiệu quả to lớn cho xã hội.
Nguồn: Hiếu Minh/ ĐTCK