Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Hai, 11/11/2024

Đăng ký nhận tin

Chuyển đổi số: Sự lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam

13/04/2024 12:50 CH
Để chuyển đổi số thì tư duy của người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng, cũng như số hóa doanh nghiệp cần những giải pháp mang tính đồng bộ và toàn diện chuỗi cung ứng. Đối với ngành dệt may, chuyển đổi số là “chìa khóa” không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng quy mô, mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Đây là thông tin được chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo Chuyển đổi số: Sự lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp dệt may Việt phát triển bền vững, do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp với một số đơn vị tổ chức ở TP Hồ Chí Minh ngày 12/4 trong khuôn khổ sự kiện Triển lãm SaigonTex & SaigonFabric 2024.


Bà Nguyễn Thị Tuyết mai - Phó Tổng Thư ký VITAS cho rằng việc đưa công nghệ số vào áp dụng trong ngành dệt may vẫn còn khiêm tốn, do đó kết nối những nhà cung cấp có thế mạnh phát triển công nghệ, chuyên cung ứng giải pháp phần mềm đặc thù riêng cho ngành dệt may là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam.  

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký VITAS, ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành góp phần đặc biệt quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam. Mới đây, Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, với những mục tiêu như đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may và da giày hàng đầu thế giới...

Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa những mục tiêu này cần nhiều giải pháp và VITAS nhận thấy, một trong những giải pháp mang tính quyết định là chuyển đổi số toàn ngành nói chung và trong doanh nghiệp nói riêng. Sự chuyển đổi công nghệ số và sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành, cũng đòi hỏi doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chuyển hướng chiến lược kinh doanh và đổi mới công nghệ nếu muốn đảm bảo lợi thế cạnh tranh, cũng như sự phát triển bền vững.

Tính đến nay, việc đưa công nghệ số vào áp dụng trong ngành dệt may vẫn còn khiêm tốn, do đó kết nối những nhà cung cấp có thế mạnh phát triển công nghệ, chuyên cung ứng giải pháp phần mềm đặc thù riêng cho ngành dệt may là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bởi nhiều nhà cung cấp này không ngừng nghiên cứu và đưa những ứng dụng công nghệ mới ra thị trường như công nghệ tự động hóa, chuyển đổi số… vào chuỗi cung ứng ngành dệt may như thiết kế, sản xuất… nhằm nâng cao hàng lượng giá trị gia tăng cho thành phẩm ra thị trường.


 Ông Jatin Paul, Giám đốc điều hành Công ty WFX chia sẻ điểm nổi bật của giải pháp chuyển đổi số của WFX là ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ dữ liệu trên điện toán đám mây và đảm bảo hoạt động 24/7.

Ở góc độ nhà cung cấp ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số ngành dệt may, ông Jatin Paul, Giám đốc điều hành Công ty WFX chia sẻ, WFX là công ty toàn cầu, hoạt động hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tích hợp toàn diện cho ngành dệt may. Trong doanh nghiệp dệt may phổ biến đang sử dụng nhiều phần mềm riêng lẻ, nhưng giải pháp của WFX lại tích hợp toàn diện và có thể tích hợp với những phần mềm sẵn có tại doanh nghiệp dệt may.

Điểm nổi bật của giải pháp chuyển đổi số của WFX là ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ dữ liệu trên điện toán đám mây và đảm bảo hoạt động 24/7. Chuyển đổi số hóa toàn diện trong chuỗi cung ứng từ đầu vào đến đầu ra, gồm: hoạt động sản xuất từ sợi đến may mặc thành phẩm; từ phát triển sản phẩm, quản lý chuyền may, chất lượng, bán hàng, xuất nhập khẩu, tồn kho…

Hơn thế nữa, giải pháp chuyển đổi số của WFX giúp doanh nghiệp quản lý tài nguyên trong ngành, số liệu khảo sát thị trường, phòng trưng bày ảo… tạo điều kiện cho khách hàng truy cập thông tin. Ngược lại, giải pháp này hỗ trợ phân tích số liệu của cả chuỗi giá trị, thông tin khách hàng, xu hướng người mua… để doanh nghiệp có cơ sở dữ liệu hoạch định và điều chỉnh chiến lược phù hợp thị hiếu tiêu dùng.

Liên quan đến sản xuất bền vững, WFX mang lại 3 lợi ích như tăng trưởng, lợi nhuận và tính bền vững, bởi quy trình hoạt động được số hóa không sử dụng nhiều nguyên vật liệu, đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa thông tin toàn bộ quy trình sản xuất; quản lý được chứng chỉ, hồ sơ… của doanh nghiệp. Đồng thời, giải pháp chuyển đổi số của WFX có tính năng tự động hóa giúp doanh nghiệp quản lý được công ty mà không cần mất nhiều thời gian thu thập và xử lý dữ liệu thô theo phương thức truyền thống.


Bà Phạm Ngọc Thi Thi, đại diện đến từ CLO Virtual Fashion nêu bật những ưu điểm rút ngắn thời gian khi ứng dụng công nghệ của CLO trong thiết kế và sản xuất

Bà Phạm Ngọc Thi Thi, đại diện đến từ CLO Virtual Fashion cho biết việc ứng dụng công nghệ 3D vào hoạt động thiết kế, tạo mẫu trong ngành dệt may không mới, tuy nhiên, công nghệ 3D đã giúp các nhà thiết kế rút ngắn thời gian trong việc lên bảng vẽ mẫu, thay vì mất 2 - 3 tuần, giờ đây chỉ cần vài giờ, đáp ứng yêu cầu của xu hướng thời trang nhanh hiện nay.

Theo quy trình truyền thống, tính từ lúc vẽ phác thảo đến khi khách hàng duyệt chốt mẫu phải cần đến 30 - 50 tuần, nếu ứng dụng công nghệ 3D thì chỉ cần 5 - 9 tuần, nhờ các thao tác chỉnh sửa có thể làm ngay nên không tốn nhiều thời gian. 
Trong bối cảnh, vòng đời xu hướng thời trang không còn theo mùa thay vào đó chỉ tồn tại từ 4-5 tuần thì việc rút ngắn thời gian tạo ra sản phẩm và phân phối ra thị trường là rất quan trọng.



Doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số
.


Còn về phía doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bà Trần Thị Hà, Tổng giám đốc Khối Thương mại Công ty Pro-sports chỉ ra rằng, trước đây công ty có sử dụng nhiều phần mềm và giải pháp chuyển đổi số nhưng không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, nhất là thông tin minh bạch và kết nối được hệ thống phần mềm của khách hàng. Bên cạnh đó, trong quản trị công ty thì những quyết định chiến lược cần một nguồn dữ liệu đồng bộ, chứ không phải chờ tổng hợp từ nhiều nguồn.

Trước thực trạng này, công ty đã phải tìm đến nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số chuyên ngành và đảm bảo giải quyết những vấn đề quản trị nội bộ lẫn đối ngoại; trong đó ưu tiên ứng dụng số hóa mang tính toàn diện và đồng bộ chuỗi cung ứng. Tuy vậy, công ty cũng vướng phải nhiều thách thức khi ứng dụng số hóa toàn diện, nhất là truyền thông nội bộ và chia sẻ lý do phải chuyển đổi số trong vận hành sản xuất, kinh doanh.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú cho hay, khi công ty tăng trưởng quy mô và hướng đến phát triển bền vững thì cần chuẩn hóa quản trị và vận hành sản xuất trên cơ sở dữ liệu đồng bộ. Đặc biệt, khi triển khai giải pháp chuyển đổi số thì công ty dễ dàng quản lý sự lưu chuyển hàng hóa từ khi nhập khẩu nguyên phụ liệu cho đến khi bán thành phẩm hay xuất khẩu sản phẩm.

Cũng giống doanh nghiệp hoạt động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, trong công ty dệt may cũng yêu cầu phải ra được báo cáo tài chính, hệ thống kế toán kiểm toán… nên đòi hỏi giải pháp chuyển đổi số toàn diện chuỗi cung ứng với cơ sở dữ liệu minh bạch. Sau khi chuyển đổi số hóa lĩnh vực may mặc đã thành công thì dự kiến trong năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai ở một số lĩnh vực như sợi, nhuộm, vải… Nếu doanh nghiệp trong ngành dệt may có nhu cầu tìm hiểu chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Phong Phú sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng phát triển bền vững, cũng như tạo nên hành trình chuyển đổi số hiệu quả cho ngành dệt may Việt Nam.


Hội thảo thu hút được sự chú ý của nhiều đại diện doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số.

Ghi nhận ý kiến một số chuyên gia cũng đánh giá, ưu điểm của những nhà cung cấp chuyên cung ứng giải pháp chuyển đổi số là có bề dày kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn về ngành, ứng dụng thành công tại nhiều nhà máy sản xuất và nhãn hàng thời trang trên toàn cầu. Ngoài ra, với lợi thế ứng dụng chuyên ngành nên nắm rõ quy trình sản xuất và công đoạn chi tiết nhất trong doanh nghiệp hoạt động trong ngành, nên đưa ra được nhiều giải pháp gia tăng hiệu quả như cải thiện chất lượng, giảm chi phí, thâm nhập thị trường nhanh chóng nhờ tìm kiếm thông tin…


















Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.386.512
Khách
: 2.141
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0