Dệt may là ngành có đông lao động nữ
Dệt may là ngành có đông lao động nữ nhưng thu nhập và nhận thức của các chị em về công tác bình đẳng giới vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, tính chất công việc vất vả, thường xuyên phải làm theo ca kíp, nên áp lực vừa phải hoàn thành công việc lẫn quán xuyến gia đình luôn đặt lên vai các chị. Ở mỗi vị trí, công việc và hoàn cảnh khác nhau, nữ công nhân lao động (CNLĐ) ngành dệt may đều luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình.
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng, các cấp Công đoàn Dệt may Việt Nam (CĐDMVN) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm động viên, hỗ trợ CNLĐ trong xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Nhiều chương trình được thực hiện như: Tuyên truyền nâng cao kiến thức về Luật Bình đẳng giới; chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ; vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển, mỗi gia đình chỉ sinh đủ 2 con, không lựa chọn giới tính khi sinh, phấn đấu giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên; biểu dương và tôn vinh gia đình CNVCLĐ nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6...
Tại cấp ngành, năm 2018, đã tổ chức diễn đàn “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Từ năm 2019, công tác biểu dương “Gia đình dệt may tiêu biểu” được xác định là một trong những hoạt động trọng tâm và duy trì thường niên; tiêu chí xét chọn ưu tiên gia đình có cả vợ và chồng cùng công tác trong ngành, CNLĐ sản xuất trực tiếp... Đến nay, đã có 56 gia đình CNVCLĐ dệt may được tôn vinh khen thưởng, trong đó cóm 38 gia đình vợ chồng cùng ngành. Cùng đó, xét chọn và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh 1 gia đình CNLĐ tại hội nghị biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020.
Ngoài ra, CĐDMVN còn hỗ trợ kinh phí xây mới và sửa chữa 10 căn nhà “Mái ấm Công đoàn”, trích gần 5,5 tỷ đồng trợ cấp cho trên 9.000 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, giảm thu nhập vì dịch Covid-19... giúp gia đình CNLĐ dệt may khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Tại cấp cơ sở, công tác bình đẳng giới trong gia đình cũng được các đơn vị chú trọng. Trong 2 năm gần đây, đã có trên 32.300 lượt CNLĐ nữ được tuyên truyền nâng cao kiến thức Luật Bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản; xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình...
Ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch CĐDMVN - cho biết: Thời gian tới, bình đẳng giới tiếp tục là vấn đề được các cấp công đoàn ngành dệt may quan tâm và chia sẻ cùng CNLĐ. Nhằm thực hiện công tác này tốt hơn nữa, cần có sự phối hợp vào cuộc của các cấp, đặc biệt là cấp UBND địa phương - nơi ngành có nhà máy trú đóng. “Để người phụ nữ có cơ hội phát triển, thực hiện tốt các quyền của mình, không chỉ tại môi trường gia đình, địa phương cũng cần tích cực đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, khắc phục được điểm nghẽn văn hóa, tránh dồn gánh nặng lên vai doanh nghiệp” - ông Lê Nho Thướng nhấn mạnh.
Thúc đẩy công tác bình đẳng giới, một số đơn vị ngành dệt may đã xây dựng bộ tiêu chí riêng xét chọn gia đình dệt may tiêu biểu tại cơ sở như: Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Tổng công ty Việt Thắng - CTCP, Tổng công ty May 10 - CTCP, Tổng công ty May Nhà Bè - CTCP... |
Theo: Hoàng Lan, Báo Công thương