Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Hai, 11/11/2024

Đăng ký nhận tin

Lãnh đạo TCM: Dịch Covid-19 như cơn bão, cây có bộ rễ sâu và chắc chắn mới có thể tồn tại

05/01/2021 11:19 SA
Cơn bão Covid-19 càn quét suốt năm 2020 đã đặt dệt may Việt Nam trước những thử thách lớn. Ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện...đã gặp khó ở cả 2 phía cung - cầu. Trong bối cảnh đó, Công ty Cp Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) là một trong điểm sáng khi giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận. Người Đồng Hành có cuộc trao đổi với ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT TCM về quá trình "vượt bão" năm qua cũng như những điều chỉnh của doanh nghiệp để thích nghi với bối cảnh "bình thường mới".

- TCM cũng như các doanh nghiệp cùng ngành dệt may khác hẳn đã trải qua một năm nhiều biến động với “cơn bão” Covid-19?

- Khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, tình hình trở nên căng thẳng, lo lắng của ban lãnh đạo là an toàn cho người lao động. Khoảng thời gian đó, chúng tôi vô cùng stress bởi công ty có mấy nghìn lao động, giả như có một công nhân vô ý tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì cả công ty bị đóng cửa. Như vậy, hệ lụy rất lớn, hàng không xuất được, ảnh hưởng dòng tiền… Do vậy, TCM nhanh chóng áp dụng mọi biện pháp được khuyến nghị như khai báo y tế, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay kháng khuẩn, làm các vách ngăn ở phòng ăn, triển khai luân phiên làm việc tại nhà… Chúng tôi cũng hạn chế tiếp xúc khách bên ngoài, làm việc qua điện thoại, email...

Về kinh doanh thì ngay khi có thông tin về dịch bệnh, ban lãnh đạo xác định chắc chắn một điều là đơn hàng sẽ sụt giảm và đã quán triệt các phòng ban, bộ phận kinh doanh là phải làm hết sức để có doanh thu, làm bất cứ mặt hàng gì trong khả năng của TCM. May mắn là đến nay mọi việc cũng qua, TCM không phải cho một công nhân nào nghỉ việc vì Covid-19, không cắt giảm lương, đảm bảo các phúc lợi của người lao động. Đây là cái được mà tôi cảm thấy vui mừng hơn rất nhiều so với lợi nhuận đạt được.

Chúng tôi có lợi thế là sở hữu chuỗi sản xuất khép kín từ sợi - đan/dệt - nhuộm - may nên chủ động được nguồn nguyên liệu để sản xuất để vượt qua giai đoạn dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu chung giảm cũng khiến doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng truyền thống. Bù lại, từ tháng 5 trở đi, khách hàng chuyển qua đặt hàng đồ bảo hộ y tế như khẩu trang vải kháng khuẩn, đồ bảo hộ cho bác sĩ… Sự chuyển hướng này giúp TCM vượt qua khó khăn.

- Quyết định chuyển hướng này đã được ban lãnh đạo TCM đưa ra như thế nào, thưa ông?

- Lúc đầu chúng tôi chưa nghĩ đến việc làm khẩu trang vải kháng khuẩn bởi nhu cầu chỉ tăng cao với khẩu trang y tế. TCM không thể sản xuất mặt hàng này do máy móc thiết bị hoàn toàn khác. Sau đó, khẩu trang y tế khan hiếm, Bộ Y tế khuyến nghị khẩu trang y tế dùng cho bệnh viện, người bình thường dùng khẩu trang vải kháng khuẩn. Lúc này, người mua hàng gõ cửa doanh nghiệp dệt may để đặt hàng. TCM có lợi thế hơn doanh nghiệp khác ở chỗ chủ động được vải nên đã nhanh chóng sản xuất vải kháng khuẩn để tiếp nhận và may các đơn hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế đồng thời bán vải kháng khuẩn cho các doanh nghiệp bên ngoài.

Song có một vấn đề phát sinh là nhà mua hàng bên Mỹ yêu cầu hóa chất kháng khuẩn trong đồ bảo hộ y tế phải do doanh nghiệp Mỹ sản xuất và không chấp nhận mua hóa chất từ châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc, mặc dù các nước này cũng có trình độ khoa học kỹ thuật tương đương. Nhưng may mắn TCM là đơn vị sản xuất dệt may có uy tín trên thị trường và được khách hàng hỗ trợ nên cũng đã giải quyết được hóa chất đầu vào để sản xuất, đáp ứng được thời gian giao hàng trong thời gian ngắn. 
TCM nhận nhiều đơn hàng đồ bảo hộ y tế trong đợt dịch bùng phát mạnh tháng 5, 6 và 7, rồi tháng 10. Tuy nhiên tháng 11 và 12 thì không còn. Thời điểm đơn hàng khẩu trang đến nhiều và khách hàng yêu cầu giao hàng trong thời gian ngắn, TCM đã vừa sản xuất vừa đưa gia công bên ngoài.

- Làm khẩu trang và đồ bảo hộ y tế như vậy có “lãi nhiều” không?

- Biên lợi nhuận của đơn hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế tốt hơn so với các mặt hàng truyền thống vì vải sử dụng là loại đơn giản. Khẩu trang TCM sản xuất cho phép giặt được 20 lần nên giá chi phí nguyên liệu không cao. Thứ hai là việc may khẩu trang đơn giản nên người lao động thao tác rất nhanh. Chuyển từ may quần áo sang may khẩu trang ban đầu tưởng khó nhưng trong vòng một tuần, nhân viên đã có thể may thành thạo nên năng suất cao.

Những hợp đồng đầu tiên, chúng tôi định giá tương đối cao do chưa biết rõ có khó khăn gì chờ đợi phía trước không, vì thế lợi nhuận ổn. Những đơn hàng tiếp theo là khẩu trang cho trẻ em, TCM thấy biên lợi nhuận tốt và mặt hàng cũng mang tính chất nhân đạo nên đã chủ động giảm giá cho khách hàng.

Các đơn hàng bảo hộ y tế cũng vậy, thường đến bất ngờ và triển khai nhanh trong vòng 10-14 ngày là giao hàng. TCM may xong thành phẩm, đóng gói thì chuyển ra sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó Mỹ đưa chuyên cơ đến chở đi. Có thời điểm chúng tôi phải thuê hàng trăm chiếc xe tải nhỏ dưới 1 tấn để chuyển hàng vì chuyên cơ đến ban ngày - lúc xe tải cấm chạy vào nội thành. Nếu khách hàng có nhu cầu, TCM có thể đáp ứng kịp thời nhưng thật lòng tôi không mong đợi có nhiều đơn hàng khẩu trang mới, vì điều đó đồng nghĩa với dịch Covid vẫn còn.
Ngược lại, TCM quan tâm nhiều hơn tới sản phẩm mới. Chúng tôi có một trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm được thành lập vào năm 2015 như một chuỗi các nhà máy thu nhỏ, giả lập tất cả các khâu từ sợi cho đến may để nghiên cứu sản phẩm mới. Doanh nghiệp đã và đang tập trung vào các dòng sản phẩm thời trang thân thiện môi trường, sản phẩm theo mùa và tiện lợi cho cuộc sống có tính năng vượt trội bắt kịp xu hướng thời trang thế giới. Đến nay, TCM đã có thể sản xuất được vải làm từ vật liệu của vỏ trái dừa, trái bắp, mía… Những sản phẩm đó khi thải ra môi trường sẽ tự phân hủy trong thời gian ngắn. Chúng tôi cũng dự định cho ra những dòng sản phẩm từ vật liệu tái chế như vỏ chai nhựa, quần áo cũ; nghiên cứu vải để may sản phẩm đặc thù như đồ tập yoga, trang phục chống cháy, quần áo hút ẩm… Những sản phẩm này thì chi phí cao và nhu cầu chưa nhiều nhưng tôi tin rằng đến một lúc nào đó sẽ có phân khúc khách hàng riêng, công nghệ cũng phát triển hơn để cắt giảm chi phí.

Ngoài sản phẩm thì Covid-19 còn tác động gì đến định hướng kinh doanh của TCM không, thưa ông?

- Phải thừa nhận dịch Covid-19 khiến chúng tôi nghĩ nhiều đến bán hàng online hơn. Tất cả các doanh nghiệp bán lẻ dù không có dịch bệnh đều phải nghĩ đến điều này. TCM cũng nhìn thấy điều này từ lâu nhưng phải đến khi dịch Covid-19 ập đến mới triển khai mạnh, tiếp cận khách hàng theo hướng online.

Chúng tôi xây dựng một sàn thương mại điện tử, dự kiến ra mắt vào đầu năm 2021 nhưng không đi theo con đường mà các sàn thương mại như Tiki, Lazada, Shopee đang làm. Chiến lược của TCM là xây dựng một sàn thương mại điện tử dành riêng cho các mặt hàng thời trang. Doanh nghiệp mời các thương hiệu thời trang bán hàng trên đó không thu phí, đây coi như là một kênh khác để họ bán hàng, mọi vấn đề về vận chuyển người bán tự lo. Bản thân TCM dự kiến bán các mặt hàng quần áo thể thao trên nền tảng này. Cùng với đó, chúng tôi cũng làm việc với các đơn vị truyền thông để xây dựng thương hiệu, quảng bá phần mềm để người dùng tải về và trải nghiệm.

Ngoài ra, trước giờ TCM chưa bán hàng trên Amazon nhưng dịch bệnh khiến ban lãnh đạo suy nghĩ và bắt đầu làm việc với Amazon từ giữa năm 2020. Hiện tại, mọi thủ tục đã xong, những đơn hàng đầu tiên của TCM với thương hiệu ONLEE cũng đã xuất đi Mỹ vào cuối tháng 11 và tôi kỳ vọng sản phẩm sẽ được bán trên Amazon vào dịp năm mới 2021.

Về thị trường nội địa, TCM sẽ phát triển ở 2 khía cạnh. Thứ nhất là đẩy mạnh bán sợi và vải cho các doanh nghiệp dệt may trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Thứ hai, về mặt hàng thời trang, chúng tôi phát triển theo hướng online chứ không mở chuỗi bán lẻ.

Thế giới đang nói nhiều đến năng lượng tái tạo. TCM cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái ở nhà máy Vĩnh Long, cuối tháng 12 đi vào vận hành. Điều này không chỉ giúp công ty tiết kiệm được chi phí mà còn là điểm cộng đối với khách hàng, họ vẫn thích đặt hàng cho nhà cung cấp nào làm công tác môi trường tốt, đặc biệt là đối tác Mỹ và châu Âu.

Tình hình đơn hàng của công ty hiện như thế nào?

- Đến nay TCM đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý I/2021 và bắt đầu nhận đơn cho quý II/2021. Thị trường phục hồi mạnh nhất là Mỹ trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đi ngang.
Tôi cho rằng tình hình đơn hàng với riêng công ty là phục hồi nhưng chung cả ngành thì chưa chắc vì diễn biến dịch bệnh thực tế ở Mỹ vẫn còn căng thẳng. Đây có thể là sự dịch chuyển đơn hàng giữa các nhà cung cấp. Qua trao đổi, một vài khách hàng cho biết trước kia ngoài TCM là nhà cung cấp chính thì họ còn có các nhà cung cấp phụ quy mô nhỏ hơn nhưng vì dịch bệnh Covid-19, họ giảm các nhà cung cấp nhỏ kia và dồn đơn hàng về cho TCM.

Điều này theo tôi nghĩ cũng hợp lý vì nguyên tắc không bao giờ bỏ trứng vào cùng một giỏ, khách hàng thường không đặt đơn hàng cho một nhà cung cấp mà sẽ phải chia ra vài nhà cung cấp để tránh rủi ro. Nhưng khi khó khăn, đơn hàng giảm thì họ sẽ lựa chọn doanh nghiệp lớn để đặt hàng và giảm hoặc bỏ các đơn vị nhỏ đi.
Do vậy, đối với ngành dệt may, dịch bệnh không hẳn là khó cho tất cả. Các doanh nghiệp lớn vẫn có thể tồn tại và phát triển. Covid-19 giống như một cơn bão, cây nào có bộ rễ tốt, chắc chắn, lâu đời thì trụ qua, còn cây nào yếu, không có bộ rễ tốt thì rất dễ bị tổn thương và gục ngã.

Việt Nam gần đây ký nhiều hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA rồi RCEP… TCM nhìn nhận cơ hội và thách thức từ những FTA này như thế nào?

- Chúng tôi có 3 mảng may, vải và sợi. Trong đó may đóng góp cơ cấu doanh thu nhiều nhất khoảng 70%, vải và sợi ngang nhau tầm 12-15%.

Hiệp định EVFTA yêu cầu nguồn gốc xuất xứ từ vải trở đi, nghĩa là khi xuất sang châu Âu yêu cầu vải có xuất xứ từ Việt Nam mới được hưởng lợi thuế. Do vậy, tôi cho rằng nhu cầu vải trong năm tới sẽ tăng lên và thực tế được phản ánh trong năm nay. EVFTA có hiệu lực từ tháng 8, các doanh nghiệp đã nhận thức được nếu mua vải từ Trung Quốc như trước giờ sẽ không được hưởng lợi và họ cân nhắc quay sang mua vải trong nước.

Doanh nghiệp đã nhận được nhiều yêu cầu từ khách hàng trong nước với các loại vải cạnh tranh hơn, còn các loại vải không cạnh tranh được với Trung Quốc thì họ vẫn mua của Trung Quốc. Nhìn chung, các doanh nghiệp trong nước cân nhắc giữa giá đầu vào thấp và giá hưởng lợi thuế khi xuất vào châu Âu để hành động.

Tôi kỳ vọng năm 2021, doanh thu mặt hàng vải và giá trị xuất khẩu may mặc vào thị trường châu Âu của TCM sẽ tăng trưởng 2 con số so với năm 2020. Thị trường này hiện chiếm khoảng 5% tổng doanh thu của TCM.

Tuy nhiên, xét về con số tuyệt đối thì mảng may vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hơn nữa, chúng tôi ưu tiên lượng sợi và vải sản xuất ra để phục vụ mảng may bởi ở đó biên lợi nhuận tốt nhất, không sử dụng hết mới bán ra ngoài.

Việt Nam đang bị thiếu nguồn nguyên liệu vải so với các thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Theo tôi đánh giá thì mảng may của Việt Nam không thua họ nhưng mảng vải thì thua bởi doanh nghiệp ngại đầu tư do yếu tố về môi trường. Do vậy, thời gian tới TCM sẽ tập trung đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vải với lợi thế từ chuỗi sản xuất khép kín.

Với thị trường CPTPP thì TCM đã xuất khẩu hàng qua Úc. Úc là thị trường mà TCM trước giờ chưa khai thác, doanh nghiệp Việt Nam nói chung thì hiếm đơn vị xuất khẩu sang thị trường này. Tiếp theo là Canada. Vào cuối năm trước, TCM đã bắt đầu có đơn hàng. Tuy nhiên, 2 thị trường này chiếm tỷ trọng còn rất khiêm tốn so với các nơi truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hiệp định RCEP, đối với ngành dệt may Việt Nam sẽ chia làm 2 khía cạnh. Với doanh nghiệp thuần túy may thì có lợi do Việt Nam chủ yếu mua vải từ Trung Quốc, giảm thuế thì chi phí càng giảm. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất sợi, vải gặp khó khăn do bình thường giá vải Trung Quốc đã thấp mà nay còn thấp hơn nữa, sợi và vải Việt càng khó cạnh tranh.

- Ông nhận định thế nào về ngành dệt may Việt Nam nói chung trong năm 2021?

- Dù ở thềm năm mới nhưng vẫn còn quá sớm để nói tình hình của năm nay. Tôi cho rằng ngành dệt may vẫn chưa hồi phục lại bình thường do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang phức tạp nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn 2020. Việc các nước đẩy mạnh nghiên cứu vaccine là tín hiệu tốt, đà hồi phục sẽ diễn ra từ từ và theo từng phân khúc.

Ví dụ, dịch bệnh khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và tập trung cho mặt hàng hỗ trợ phục vụ cho sức khỏe nhiều hơn. Nhu cầu về quần áo công sở như quần âu, áo vest giảm nghiêm trọng và phục hồi chậm hơn so với quần áo thun, thể thao.

Theo Báo Người đồng hành

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.386.517
Khách
: 2.146
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0