Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Đại hội đồng cổ đông Vinatex năm 2017: Giữ vững vị trí cánh chim đầu đàn của DMVN

30/06/2017 10:02 SA

Ngày 29/6/2017, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Sự kiện đem đến cái nhìn chung về tình hình phát triển của Vinatex và toàn Ngành DMVN năm qua, cũng như vai trò của Tập đoàn trong giai đoạn mới.

 

Sức khỏe DMVN 2016 chưa được tốt

Ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, năm qua, Tập đoàn DMVN trải qua một năm đặc biệt, hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, có sự tham gia của cổ đông và nhà đầu tư với nhiều áp lực mới. Vinatex buộc phải hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên HĐQT chưa hài lòng với kết quả SXKD năm 2016, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như thị trường suy giảm toàn cầu, khả năng khơi thông các nguồn lực tài chính, nhân lực đều giảm. Bên cạnh đó sự cạnh tranh quyết liệt của các quốc gia dệt may khác với sự hỗ trợ của chính sách giảm thuế và tỷ giá cũng là những thách thức không nhỏ cho Vinatex, khiến cho sức khỏe của các doanh nghiệp DMVN nói chung chưa được tốt.

 

Với trách nhiệm là đơn vị định hướng, dẫn dắt toàn Ngành DMVN, Vinatex đã cố gắng vượt bậc để giữ vững vị trí cánh chim đầu đàn. Dù với những thách thức từ thị trường thế giới và khó khăn trong nước, năm 2016, Vinatex vẫn đạt doanh thu (hợp cộng) 41.146 tỷ đồng; KNXK đạt 2.497 triệu USD; Lợi nhuận trước thuế đạt: 1.424 tỷ đồng; Chia cổ tức 5%.

Vinatex cũng đã đầu tư 57 dự án, (trong đó công ty mẹ đầu tư trực tiếp 8 dự án, tạo ra tổng số gần 3000 việc làm.) đáp ứng nhu cầu tăng trưởng SXKD và an sinh xã hội. “Việc đầu tư dự án mới tại các vùng sâu, vùng xa để phục vụ yêu cầu của Chính phủ về trách nhiệm thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương và an sinh xã hội là vô cùng khó khăn. Thậm chí nhà đầu tư không chỉ phải bù lỗ tiền tỉ những năm đầu, mà phải chịu đựng cả những áp lực tinh thần kinh khủng nếu để thất bại.” – Ông Phạm Phú Cường – Phó TGĐ Vinatex, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty Dệt May Miền Nam chia sẻ.

Hướng tới một tập đoàn quy mô khu vực và quốc tế

Trong năm 2017, Vinatex cần tích cực cải tổ, thay đổi phương thức kinh doanh, tiếp tục lộ trình thoái vốn nhà nước, tăng tốc phát triển. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn những thách thức mới, như sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ trả đũa thương mại nhưng có khả năng kinh tế toàn cầu sẽ dần hồi phục trong năm 2017. Nền KTTG có thể đạt mức tăng trưởng từ 2-3%, nhu cầu DMTG phục hồi nhẹ, khoảng 0,5%. Bên cạnh đó, Mỹ có thể sẽ điều chỉnh tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng từ Trung Quốc, bao gồm cả hàng dệt may sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực đối với XK DMVN như tăng thị phần tại Mỹ, dịch chuyển SX từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Cùng lúc đó, DMVN càng phải cạnh tranh đơn hàng gay gắt hơn do các DN VN chưa có khả năng cung cấp các giải pháp trọn gói và gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện giao hàng của các nhà nhập khẩu; các quốc gia cạnh tranh XK dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá, trong khi các trợ lực được kỳ vọng hỗ trợ cho XK như các Hiệp định EVFTA, TPP đều chưa có hiệu lực năm 2017. Chi phí đầu vào cũng tăng cao (đặc biệt là chi phí tiền lương, bảo hiểm, vận chuyển và giá điện), giá bán đầu ra liên tục bị khách hàng yêu cầu giảm giá. Ngành DMVN vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, vận hành được máy móc thiết bị hiện đại, đặc biệt là ở khâu Dệt - Nhuộm.

 

Tổng Giám đốc Vinatex – ông Lê Tiến Trường khẳng định: Con đường duy nhất của Vinatex nói riêng và DMVN nói chung là phải tăng được thị phần, lấy được khách hàng của các quốc gia dệt may khác. Muốn được như vậy, thì Vinatex buộc mình đứng trước áp lực đổi mới công nghệ. Phải đổi mới công nghệ càng sớm càng tốt, dù phải thắt lưng buộc bụng. Và giai đoạn 2017-2020 là giai đoạn phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư mạnh vào công nghệ.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cần quyết liệt nâng cao năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới một tập đoàn quy mô khu vực và quốc tế; Đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường mới tại các nước Đông Âu, tận dụng ưu thế từ các FTAs đã có hiệu lực; Đầu tư hiệu quả, tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao năng lực hiện có của chuỗi cung ứng hoàn tất Sợi-Dệt-Nhuộm-May; Quản lý và đầu tư tài chính thông minh, xem xét thoái vốn tại những đơn vị yếu kém, sử dụng vốn chưa hiệu quả; Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCNV Tập đoàn, đáp ứng điều kiện mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Cũng tại Đại hội các đại biểu đã được nghe và thông qua những báo cáo quan trọng như: Báo cáo kết quả SXKD năm 2016; Phương hướng, giải pháp năm 2017; Báo cáo quyết toán tài chính năm 2016 đã được kiểm toán; Tờ trình về phương án phân chia lợi nhuận và trích các quỹ, tỷ lệ chia cổ tức năm 2016; Báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2016, phương hướng hoạt động năm 2017; Tờ trình về mức chi thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2016 và 2017…

Nguồn: Vinatex
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.810
Khách
: 1.137
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0