Họp bàn tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 được dự báo sẽ gay cấn không kém những năm trước. Ảnh TL.
Xem lại khái niệm lương tối thiểu
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, hiện nay việc tăng lương tối thiểu thường xuyên đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản. Chỉ tính từ giai đoạn 2008-2016 mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI đã tăng 18,1%/năm. Trong khi, chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng bình quân 10,7%, năng suất lao động tăng 3,9%.
Luật Lao động quy định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt May Việt Nam, nhu cầu của con người luôn biến động, khó có thể xác định được bao giờ lương mới đuổi theo được nhu cầu của con người. Cùng với đó, lương còn phải phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng CPI và năng suất lao động.
Theo ông Cẩm thì: Hệ thống tiền lương không chỉ để trả thù lao cho người lao động mà còn là sự khuyến khích người lao động. Như chúng tôi nắm được, hiện khu vực làm công ăn lương thu nhập khoảng 4,7 triệu đồng/tháng, gần ngang với mức lương tối thiểu. Như vậy không còn sự khuyến khích lao động làm việc nữa.
Nhận định về quy định này, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Công ty May Hưng Yên cho rằng, cần phải làm rõ một số định nghĩa thế nào là mức lương tối thiểu? Thế nào là mức sống tối thiểu? Tại sao lương tối thiểu vùng lại đwocj xác định trên cơ sở nuôi thêm một con người?
“Như vậy là chưa hợp lý bởi thời gian nuôi người con từ lúc mới sinh tới khi trưởng thành trung bình 18 năm hoặc cùng lắm là 23 năm sau khi người con tốt nghiệp đại học. Lúc đó, người lao động cũng chỉ hơn 40 tuổi. Vậy sao lại áp dụng công thức tính lương tối thiểu vùng cho người lao động suốt cả đời làm việc, tức là tới 55-60 tuổi?”, ông Dương ý kiến.
Xét trên nhiều yếu tố
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, theo Bộ Luật lao động năm 2012, lương tối thiểu vùng được xác định bởi 3 yếu tố: nhu cầu, điều kiện kinh tế xã hội và tiền công trên thị trường. Tuy nhiên, thời gian qua Hội đồng tiền lương Quốc gia có phần chú trọng hơn đến nhu cầu, vì vậy nhìn lại mức độ tăng lương trong thời gian vừa qua hơi lớn.
“Bởi vậy chuẩn bị cho thương lượng mùa tăng lương 2017, chúng ta sẽ phải tính toán đến hết tất cả các yếu tố, phải xem xét cả các mối tương quan với khu vực để giữ được sức cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp”, ông Huân cho biết.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, hiện Hội đồng tiền lương quốc gia đang chỉ đạo kĩ thuật tổ chức các cuộc nghiên cứu khảo sát, tiếp cận dưới góc độ khoa học để xem mức sống tối thiểu để xác định làm căn cứ tăng lương. Đặc biệt, lần thương thảo tăng lương này, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ cập nhật tình hình tiền lương tối thiểu ở các nước trong khu vực để cân nhắc.
“Hiện nay chúng tôi đang đề nghị các bên chuẩn bị đưa ra phương án để việc thương lượng diễn ra trong tháng 7 đạt được kết quả sớm nhất. Bản thân tôi mong muốn các bên đối thoại cùng chia sẻ với nhau. Nhưng theo kinh nghiệm của các nước cho thấy khi mức lương đã dâng tới giới hạn nào đó thì sức chịu đựng của doanh nghiệp sẽ là một vấn đề cần cân nhắc. Tôi nghĩ một mặt doanh nghiệp phải nâng cao mức sống cho người lao động nhưng mặt khác cũng phải cạnh tranh. Bởi vậy tôi nghĩ mùa tăng lương năm 2017 sẽ là cuộc tranh luận gay gắt mới có thể đi đến sự đồng thuận”, ông Huân nhận định.
Hiện Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang lấy ý kiến các doanh nghiệp để đánh giá tác động của chính sách lương, chính sách bảo hiểm với doanh nghiệp. Đồng thời cân nhắc các yếu tố để lựa chọn các phương án khi đưa ra tranh luận. Đặc biệt, năm nay bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải chuẩn bị nhiều phương án và quan trọng nhất là phân tích cơ sở các phương án đưa ra.
Nguồn: Báo Hải Quan