Đây là một trong những triển lãm quốc tế lớn nhất chuyên về máy móc, thiết bị dệt may, nguyên phụ liệu, hóa chất, thuốc nhuộm và các dịch vụ liên quan … và sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp đang tìm nguồn cung cấp, nhà nhập khẩu, đối tác, đầu tư, phát triển thị trường mới, đại lý, nhà phân phối.
Bà Seema Srivastava – GĐĐH Hiệp hội Thiết bị dệt may Ấn Độ phát biểu
Tại buổi họp báo, Bà Seema Srivastava - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thiết bị dệt may Ấn Độ cho rằng, ngành dệt may Ấn Độ có ưu thế cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Ấn Độ đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và đang nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nguyên liệu cũng như thiết bị, công nghệ. Đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh về các lĩnh vực này.
Ông Sanjiv Lathia – Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị Dệt may Ấn Độ phát biểu
Theo Ông Sanjiv Lathia – Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị Dệt may Ấn Độ, ngành dệt may ở Ấn Độ có sự đa dạng từ sợi, dệt, nhuộm và may. Hiện tại các nhà sản xuất dệt lớn trên thế giới như Pháp, Đức, Ý đã đặt cơ sở tại Ấn Độ. Đặc biệt tại Triển lãm INDIA ITME 2016 sẽ giới thiệu 25 sản phẩm mới mà khách tham quan được tiếp cận lần đầu tiên. Với sự tham dự của 77 Hiệp hội công nghiệp quốc tế, Triển lãm này rất phù hợp với nhu cầu giao thương, mở rông thị trường của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn cung ứng nguyên vật liệu, công nghệ xanh, sản phẩm mới ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Ấn Độ là bạn hàng quan trọng của Việt Nam trong ngành dệt may. Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng mà nhiều nhà sản xuất thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may Ấn Độ đang nhắm tới. Trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn và dooanh nghiệp lớn Ấn Độ đã sang Việt Nam khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Nếu TPP và các FTA thế hệ mới được phê chuẩn, ngành dệt may Việt Nam sẽ có những triển vọng lớn. Dự kiến đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ đạt từ 50 đến 55 tỷ USD, gấp đôi so với hiện nay. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam đang phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị. Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang có nhu cầu cấp thiết để cải thiện và phát triển bền vững hơn, vì vậy doanh nghiệp dệt may Ấn Độ có thể tận dụng cơ hội này tham gia nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.
Ông Sanjiv Lathia - Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị Dệt may Ấn Độ tặng hoa bà Ng. Thị Tuyết Mai - Phó TTK Hiệp hội Dệt May VN
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nhận xét rằng bên cạnh việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, hiện nay, Việt Nam cũng đang thiếu các nhà thiết kế được đào tạo bài bản, đặc biệt là thiết kế vải. Sắp tới, Vitas và Hiệp hội Thiết bị Dệt may Ấn Độ sẽ có những chương trình hợp tác để đưa ngành thiết kế vải/thời trang, phụ liệu của Ấn Độ vào Việt Nam. Việc hợp tác giữa ngành dệt may 2 nước sẽ cũng mở ra cơ hội giúp ngành thiết kế Việt Nam có những bước phát triển mới, tạo ra những sản phẩm may mặc phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, từng bước khẳng định thương hiệu đối với thị trường trong và ngoài nước.
Toàn cảnh hội thảo
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Bài và ảnh: Nguyễn Bình - Vitas