Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 20/04/2024

Đăng ký nhận tin

Vốn đầu tư APEC chảy mạnh vào Việt Nam

10/11/2014 09:00 SA

Tuần Hội nghị cấp cao APEC, diễn ra từ 5-11/11/2014 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) là cơ hội để 21 thành viên APEC tăng cường kết nối thương mại và đầu tư.

Thông tin từ TTXVN cho biết, Hội nghị Các quan chức cấp cao (SOM) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 5/11, mở màn cho chuỗi sự kiện trong Tuần hội nghị cấp cao APEC, kéo dài tới ngày 11/11. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tới Trung Quốc vào ngày 9/11 để tham dự Hội nghị Cấp cao APEC.

Với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương: sáng tạo, kết nối, hội nhập, phồn vinh”, tại Hội nghị, 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề bao gồm kết nối nội khối, hình thành Khu thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và các nội dung hợp tác kinh tế - thương mại mới. Đồng thời  nhìn lại những thành tựu đạt được sau 25 năm hợp tác và định hướng APEC trong thời gian tới.

Theo dự kiến, trong Tuần hội nghị cấp cao APEC, ngoài các nguyên thủ và quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên, còn có hơn 1.500 doanh nhân đến từ 500 doanh nghiệp thuộc 20 nền kinh tế thành viên, 16 quốc gia và khu vực khác, cùng 500 doanh nghiệp Trung Quốc. Trong đó, có sự góp mặt của 130 doanh nghiệp thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Phần lớn các doanh nghiệp này đều là các doanh nghiệp đi đầu trong mọi ngành nghề, hoạt động trong 20 lĩnh vực như chế tạo, tài chính, dịch vụ thương mại, khai khoáng và công nghệ thông tin...

Sự có mặt của các quan chức cao cấp và các doanh nghiệp hàng đầu, có thể nói, là cơ hội để 21 nền kinh tế thành viên APEC nói chung, Việt Nam và 20 thành viên khác nói riêng, tăng cường kết nối thương mại và đầu tư. Điều này càng có ý nghĩa hơn, khi năm nay, APEC kỷ niệm 25 năm thành lập, cũng như 20 năm thực hiện Tuyên bố Bogo về tự do hóa, thuận tiện hóa thương mại - đầu tư.

Số liệu thống kê cho thấy, kể từ khi Tuyên bố Bogo được thực hiện, kinh tế khu vực APEC đã tăng trưởng nhanh chóng. Hiện khu vực này chiếm tới 57% tổng lượng kinh tế và 46% tổng lượng thương mại toàn cầu.

Đáng chú ý là mức thuế quan bình quân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 12 điểm phần trăm, tổng kim ngạch thương mại tăng gấp 8 lần, mỗi năm có gần 200 dự án hợp tác thực chất thuộc 30 lĩnh vực được triển khai. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của APEC đã tăng mạnh từ 2,5 tỷ USD năm 1994 lên 10,6 tỷ USD năm 2011.

Còn với riêng Việt Nam, thương mại và đầu tư song phương với các thành viên APEC đã không ngừng được đẩy mạnh trong thời gian qua. Trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, thì trừ British Vigin Islands, 9 nhà đầu tư hàng đầu còn lại đều là các thành viên APEC. Đó là Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đến hết tháng 9/2014 là trên 36,3 tỷ USD; Hàn Quốc, 33,4 tỷ USD; Singapore, 31 tỷ USD; Đài Loan, 28 tỷ USD; Hồng Kông, 13,98 tỷ USD; Hoa Kỳ, 10,9 tỷ USD; Malaysia, 10,66 tỷ USD; Trung Quốc, 7,9 tỷ USD và Thái Lan, 6,63 tỷ USD.

Nếu tính tổng vốn FDI mà 20 thành viên APEC đã đầu tư vào Việt Nam, thì con số này lên tới 189,5 tỷ USD, chiếm trên 78% tổng vốn FDI (241,6 tỷ USD) đăng ký vào Việt Nam. 

Tỷ lệ này cho thấy tầm quan trọng trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC.

Không chỉ đứng đầu về số vốn, mà theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), rất nhiều dự án FDI quy mô lớn của các thành viên APEC đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chẳng hạn, các dự án của các “đại gia” Samsung (Hàn Quốc), Intel (Mỹ), Honda (Nhật Bản), Sembcorp (Singapore)… Các tên tuổi lớn của các nền kinh tế thành viên APEC đều đã và đang đầu tư tại Việt Nam.

Sau 25 thu hút FDI, Việt Nam đang hướng mạnh đến nâng cao chất lượng và hiệu quả của dòng vốn này, với một trong những mục tiêu hàng đầu là thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia. Sự có mặt của 1.000 doanh nghiệp các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có 130 doanh nghiệp thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, có thể nói là cơ hội rất lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư.

Không chỉ là đầu tư, đây cũng là dịp để Việt Nam tăng cường hợp tác thương mại, khi nhiều thành viên APEC, như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… đều là các bạn hàng lớn của Việt Nam. 9 tháng đầu năm nay, thương mại song phương Việt - Trung đạt trên 42,3 tỷ USD, trong khi con số này với Hoa Kỳ là 25,5 tỷ USD và với Hàn Quốc là 20,9 tỷ USD./.

Theo Báo Đầu tư

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.111.649
Khách
: 1.447
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0