Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 20/04/2024

Đăng ký nhận tin

Nắm vững thông tin để hội nhập - FTA đã ký kết: Giai đoạn cắt giảm thuế sâu

11/12/2014 05:29 CH
Thực hiện các Hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam đã ký kết, từ nay đến năm 2020, các dòng thuế NK sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và xóa bỏ thuế quan.

Cam kết tự do hóa gần 100%

Sau 10 năm hội nhập, có thể thấy, các Hiệp định mà Việt Nam tham gia đều dựa trên cơ sở lựa chọn đối tác phù hợp với chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020. Cụ thể, ngoài việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã tham gia các Khu vực mậu dịch tự do gồm ASEAN (AFTA), ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) và Việt Nam - Chile (VCFTA). Một trong những nội dung quan trọng trong hầu hết các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết chính là cam kết mở cửa thị trường hàng hóa thông qua thực hiện lộ trình cắt giảm thuế NK.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong hầu hết FTA đã ký, mức độ tự do hóa trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ Hiệp định ASEAN là Hiệp định nội khối với mức cam kết tự do hóa gần 100%. Mức độ tự do hóa cuối cùng trong các FTA dự kiến đạt khoảng 90-97% số dòng thuế với thuế suất cuối cùng về 0% vào thời điểm 2020.

Quá trình thực hiện cam kết của Việt Nam bắt đầu từ việc giảm thuế trong ASEAN kể từ năm 1999. Giai đoạn từ năm 1999 - 2005, Việt Nam tập trung thực hiện giảm thuế trong ASEAN với mức độ xóa bỏ thuế thấp, đạt 48% số dòng thuế. Từ 2005 đến 2014, mức độ tự do hóa trong ASEAN tăng dần, đồng thời triển khai các cam kết giảm thuế trong các Hiệp định giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối và hai Hiệp định song phương.

Tính đến năm 2014, mức độ tự do hóa trong ASEAN đạt tỷ lệ cao nhất, khoảng 75% số dòng thuế đã cắt giảm xuống 0%. Các FTA còn lại đạt tỷ lệ tự do hóa trung bình khoảng 30-40% số dòng thuế, trong khi mức độ tự do hóa của biểu thuế ưu đãi chung theo cam kết WTO ở mức 32%.

Diện mặt hàng mà Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế trong hầu hết các Hiệp định FTA chiếm khoảng từ 5-7% số dòng thuế, tập trung vào các nhóm hàng nhạy cảm như thuốc lá, rượu bia, xăng dầu, ô tô, một số linh kiện và phụ tùng ô tô, một số mặt hàng sắt thép, các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan (đường, trứng, lá thuốc lá) và các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, thuốc nổ...).

Riêng trong ASEAN, do mức độ cam kết cao, chỉ có hai nhóm hàng được loại trừ nghĩa vụ xóa bỏ thuế quan là các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường) được duy trì thuế suất 5% và các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, đạn dược) hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe (cần sa, thuốc phiện)… Mặt hàng thuốc lá và xăng dầu có lộ trình dài hơn, sau năm 2018.

Triển khai cam kết trong khuôn khổ các FTA nói trên, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA cho từng giai đoạn, bắt đầu từ năm 1999 đến hết năm 2014. Theo đó, hàng năm Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nghĩa vụ cắt giảm thuế quan trong các FTA theo đúng Lộ trình cam kết, tạo thuận lợi cho hàng hóa của ASEAN và các đối tác FTA+ được hưởng thuế suất ưu đãi của Khu vực mậu dịch tự do.

Tác động hai chiều

Trong giai đoạn 2015-2018, phần lớn các Hiệp định thương mại nói trên sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và xóa bỏ thuế quan, đặc biệt là Hiệp định ATIGA, ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc bước vào thời điểm xóa bỏ thuế quan cuối cùng vào 2018. Cùng với những thúc đẩy tích cực đến phát triển kinh tế vĩ mô, theo đánh giá của Bộ Tài chính, giai đoạn thực hiện cam kết vừa qua đã cho thấy tác động hai chiều của các FTA thông qua giảm thuế NK.

Hoạt động thương mại với một số đối tác gia tăng, phần lớn là để phục vụ cho sản xuất và XK đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do vậy, khi mức độ giảm thuế ưu đãi chưa thực sự sâu, nhu cầu cho nguồn máy móc thiết bị và nguyên liệu cho XK cao, việc nhập siêu từ một số đối tác lớn đã tăng nhanh.

Bên cạnh đó, lợi ích từ việc NK một số nông sản làm đầu vào cho sản xuất, giảm chi phí hàng XK cũng không thể phủ định được sự phụ thuộc ngày càng cao vào các nguồn nguyên liệu này, từ đó giảm đầu tư cho sản xuất tự cung cấp trong nước. Nguy cơ phụ thuộc có thể sẽ tiếp tục tăng khi mức độ ưu đãi về thuế ngày càng cao từ các thị trường chính.

Nhìn vào nông nghiệp, ngành chăn nuôi được đánh giá sẽ bị tác động lớn do giảm thuế từ các Hiệp định như AKFTA, AANZFTA, AIFTA... với mức thuế thấp hơn nhiều so thuế NK ưu đãi. Mặt hàng thịt gà, thịt trâu/bò có kim ngạch NK rất lớn từ các nước TPP; sữa từ Australia, New Zealand có thể sẽ tăng nhanh hơn do mức chênh lệch thuế suất vì cam kết giảm thuế xuống 0%.

Về mặt hàng đường, trong ASEAN cũng đã thảo luận về việc dỡ bỏ hạn ngạch thuế quan, theo đó, hạn ngạch NK đường của Việt Nam dự kiến sẽ phải dỡ bỏ kể từ năm 2018. Mặc dù hạn ngạch thuế quan được dỡ bỏ nhưng thuế NK vẫn được duy trì ở mức 5% kể cả sau năm 2018. Do đó, ngành mía đường trong nước sẽ gặp khó khăn do được bảo hộ tối đa trong suốt thời gian qua kể từ khi hội nhập.

Về các ngành công nghiệp, Bộ Tài chính nhận định, công nghiệp ô tô sẽ chịu tác động lớn nhất do phải giảm thuế xuống 0% vào năm 2018. Ngành giấy chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh khi mức thuế NK từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... giảm mạnh vào giai đoạn 2015-2018; máy móc thiết bị sẽ chịu tác động khi thuế giảm từ các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ngành sản xuất sắt thép sẽ ảnh hưởng do cơ cấu sản xuất thay đổi sang các mặt hàng thép đòi hỏi công nghệ cao mà trong thời gian trước đây ta chưa sản xuất được và cam kết giảm thuế.

Bộ Tài chính lạc quan cho rằng, với việc đưa ra lộ trình giảm thuế dài hơn và các FTA thế hệ mới với mức cam kết cao như TPP, EU, Liên minh Hải quan, tỷ trọng giữa các đối tác được kỳ vọng sẽ phần nào được cân bằng. Các quy định chặt chẽ hơn về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ sau có thể sẽ là một công cụ giúp cho đầu tư và sản xuất trong nước được tăng cường ở một số ngành.

Bên cạnh đó, với các FTA đã ký và đang đàm phán, một số ngành được cho là có lợi thế của Việt Nam cũng sẽ phát huy được thế mạnh XK hơn nữa như thủy sản, dệt may, giày dép và một số mặt hàng nông sản khác. Các mặt hàng này có thể tận dụng được chính sách mở cửa từ các thị trường do FTA mang lại và tăng khả năng mở rộng đầu tư sản xuất sau một thời gian dài thực hiện chính sách XK thành công. Vấn đề đặt ra là sự chủ động của các ngành trong việc tiếp tục tìm kiếm đa dạng các thị trường trong tương lai, tận dụng được lợi ích từ các FTA để mở rộng thị trường XK.

Hiệp định ASEAN (ATIGA):

Năm 2015, xóa bỏ khoảng 90% tổng số dòng thuế NK; 7% tổng số dòng thuế NK được linh hoạt đến năm 2018. Đối với khoảng 3% tổng số dòng thuế còn lại không phải đưa thuế suất cuối cùng về 0%.

Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA):

Từ 2015, xóa bỏ thuế quan cho 90% mặt hàng thuộc danh mục thông thường, 10% còn lại sẽ được linh hoạt cắt giảm về 0% vào năm 2016 và vào năm 2018. Tất cả các dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm thường của Việt Nam sẽ cắt giảm thuế suất về 20% vào năm 2017. Như vậy, vào cuối lộ trình (năm 2021), số dòng thuế được xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định này chiếm 85,6% số dòng thuế trong toàn biểu cam kết.

Hiệp định ASEAN - Trung Quốc (ACFTA):

Từ 2015, cắt giảm thuế quan toàn bộ mặt hàng thuộc danh mục thông thường về 0%. Từ 2018, giảm thuế về 20% cho hàng hóa thuộc danh mục nhạy cảm.

Hiệp định ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA):

Đến 2018, xóa bỏ 85% số dòng thuế. Đến 2020, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam là 91,2%.

Hiệp định ASEAN - Nhật Bản (AJFTA):

Đến 2018, xóa bỏ 61,2% số dòng thuế và tỷ lệ này là 67% vào năm 2020.

Hiệp định Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA):

Đến 2018, xóa bỏ 72,3% số dòng thuế. Đến 2020, xóa bỏ 80%.

Hiệp định ASEAN - Ấn Độ (AIFTA):

Năm 2018, cắt giảm 60,71% số dòng thuế về 0% (thuế suất trung bình cả biểu 8,05%). Năm 2021 cắt giảm 22,74% số dòng còn lại xuống 0% (thuế suất trung bình cả biểu 7,08%).

Hiệp định Việt Nam - Chile (VCFTA):

Đến 2020, xóa bỏ khoảng 33% số dòng thuế.

(Nguồn: Bộ Tài chính

Theo Báo Hải quan

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.111.369
Khách
: 1.163
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0