Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 20/04/2024

Đăng ký nhận tin

Hiệp định TPP và Khu vực thương mại tự do FTAAP

17/11/2014 10:20 SA
Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ và Khu vực Thương mại tự do châu Á - TBD (FTAAP) của Trung Quốc là vũ khí của hai cường quốc thế giới trong cuộc đua giành ảnh hưởng tại khu vực địa chiến lược này.

Bao hàm cả kinh tế, thương mại lẫn chiến lược, an ninh, hai sáng kiến thành lập khu vực tự do mậu dịch của Washington và Bắc Kinh đang đặt ra cho các nước châu Á - Thái Bình Dương (TBD) sự lựa chọn không dễ dàng. Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ và Khu vực Thương mại tự do châu Á - TBD (FTAAP) của Trung Quốc là vũ khí của hai cường quốc thế giới trong cuộc đua giành ảnh hưởng tại khu vực địa chiến lược này.

Ý tưởng về một khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương đã xuất hiện cách đây hai thập kỷ, nhưng chỉ trở thành hiện thực khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPSEP) giữa bốn nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore được ký năm 2005 và có hiệu lực từ năm 2006. TPP chính là sự mở rộng của TPSEP.

Từ 4 nước, tiếp đó TPP đã thu hút thêm 8 nước là Mỹ (năm 2009), Australia, Việt Nam, Malaysia, Peru (năm 2010), Mexico, Canada (năm 2012) và gần đây nhất là Nhật Bản. TPP, với mục tiêu ban đầu là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1.1.2006 và đến năm 2015 mức thuế xuất sẽ là 0%. Thỏa thuận bao gồm các hoạt động trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền…

Không chỉ giúp cho việc luân chuyển hàng hóa giữa các nước dễ dàng hơn nhờ dỡ bỏ hàng rào thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu và các biện pháp ưu đãi hàng nội địa, TPP còn bao gồm các nguyên tắc thống nhất giữa các đối tác về một số vấn đề mới như quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, chi tiêu của Chính phủ, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước và liên kết chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia Mỹ xem TPP là hiệp định thương mại của thế kỷ XXI và sẽ là vế kinh tế trong chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Barack Obama bên cạnh vế quân sự qua hàng loạt các thỏa thuận giữa Washington với các đối tác như Philippines, Australia hay Ấn Độ. Mục tiêu sâu xa hơn mà Nhà Trắng hướng tới là biến TPP thành công cụ để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc vào lúc Bắc Kinh đang tiến gần các quốc gia Đông Nam Á và cuốn hút Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào quỹ đạo của mình qua một loạt các thỏa thuận tự do mậu dịch.

Trong khi đó, dự án thành lập khu vực tự do mậu dịch FTAAP của Trung Quốc bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á trong ASEAN, cộng thêm 6 quốc gia ở châu Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand và đương nhiên là Trung Quốc. Bắc Kinh đương nhiên mời Mỹ đứng ngoài vòng của dự án FTAAP. Từ tháng 11.2012, tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia, Trung Quốc đã đề xuất sáng kiến thành lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 10 thành viên của ASEAN với 6 quốc gia mà ASEAN đã ký kết hiệp định tự do mậu dịch. Sáu nước đó là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Seoul là một trường hợp ngoại lệ khi là một đồng minh truyền thống của Washington, và đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản. Lôi kéo được Hàn Quốc vào vòng ảnh hưởng của mình là một thắng lợi lớn của Trung Quốc không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại mà cả về phương diện ngoại giao và địa chính trị. Không phải tình cờ mà trước khi Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -TBD khai mạc, Trung Quốc và Hàn Quốc đã chính thức ký kết hiệp định tự do mậu dịch song phương.

Châu Á - TBD đang ở vào thế khó vì TPP và FTAAP có những điểm tương đồng - gần như chồng lấn nhau, nhưng cũng tồn tại nhiều khác biệt. Một lý do nữa, đây là những sáng kiến của các đối tác - đối thủ trong khu vực. Theo các chuyên gia, trước hết cả hai sáng kiến đều xuất phát từ châu Á, sau đó được hai cường quốc đối nghịch khai thác để vừa mở rộng ảnh hưởng của mình vừa ngăn ngừa ảnh hưởng của đối phương. Cả hai (nếu trở thành hiện thực) đều có chung một số thành viên nòng cốt, trước tiên là các nước ASEAN. Điểm khác biệt là Trung Quốc nuôi tham vọng mở ra kỷ nguyên phát triển Đông Á với nước này là trung tâm để thiết lập mạng lưới an ninh và kinh tế dưới dạng Con đường tơ lụa ngày xưa trải rộng trên biển và trong đất liền, từ Indonesia của Đông Nam Á qua đến Trung Á. Để thực hiện chiến lược này, Bắc Kinh tung vốn vào các nước đối tác trong châu lục thông qua kênh đầu tư và mậu dịch. Tham gia dự án này, các nước châu Á sẽ có lợi thế là buôn bán với thị trường đông dân nhất.

Với sự tham gia đàm phán của 12 nước, TPP đang tạo ra một khu vực thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số hơn 792 triệu người và sản lượng kinh tế khoảng 26.000 - 27.000 tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% kim ngạch thương mại thế giới.

Đánh giá một cách tổng thể, các khu vực tự do thương mại này thực chất là vũ khí để Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng với khu vực châu Á - TBD.

Trung Quốc công khai thừa nhận muốn Bắc Kinh trở lại vị trí trung tâm của khu vực. Trong khi đó, TPP là một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Lựa chọn là không dễ dàng khi về khoảng cách địa lý và tương đồng văn hóa, Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ, song các nước Đông Nam Á cũng không thể không thận trọng trước tham vọng bá quyền và bành trướng của Bắc  Kinh. Thêm vào nữa, tuy Bắc Kinh có tham vọng lớn nhưng được đánh giá là có thế mà không có lực. Bản thân Trung Quốc trong nội bộ cũng còn rất nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết. Ngoài một số khó khăn kinh tế, Trung Quốc còn phải đối mặt với vấn đề hòa hợp dân tộc. Trong khi đó, ở bên kia, không tồn tại nỗi lo Mỹ tuyên bố chủ quyền ở đâu đó. Rõ ràng, lựa chọn không hề dễ dàng. /.

Theo daibieunhandan.vn

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.111.445
Khách
: 1.242
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0