Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Cuộc chạy đua "khẩu trang"

05/03/2020 08:31 SA
Khẩu trang cho thấy “gót chân asin” của nền y tế công cộng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19.

Trong một chia sẻ mới đây trên Facebook, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán SSI, kể rằng gần 200 doanh nghiệp Nhật tại TP.HCM đã dự buổi tọa đàm về cơ hội kinh doanh vào Việt Nam. Đáng chú ý, tất cả đều không đeo khẩu trang và họ trở nên lạc lõng tại một thành phố mà nhiều người dân đeo khẩu trang.

Chạy đua sản xuất

Bởi vì trong lúc này, khi dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát dữ dội tại Trung Quốc lan ra hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chưa có dấu hiệu lắng dịu thì tại những cuộc gặp gỡ đông người mà không trang bị khẩu trang được xem như... dị thường tại Việt Nam vào thời điểm này.

Trước đó, truyền thông thế giới cũng một phen hồi hộp khi thấy hình ảnh ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia đích thân ra chào đón đoàn khách trên du thuyền Westerdam mà không hề mang khẩu trang. Đã có những nghi ngại đặt ra. Tuy nhiên, phía Campuchia tỏ ra bình tĩnh. Đối với Campuchia, khẩu trang chỉ gieo rắc sợ hãi hơn là ngăn chặn vi trùng.

Quan điểm này vấp phải không ít phản đối. Dù vậy, Campuchia cũng đã nêu bật được một thực tại. Đó là chiếc khẩu trang nhỏ bé giờ đây là chủ đề thời sự nổi bật tại nhiều nước, khi trở thành một trong những “vũ khí” của cuộc chiến chống lại dịch cúm gây viêm phổi cấp. Cơn sốt khan hiếm khẩu trang ngày càng lan rộng cùng với sự bùng phát của dịch COVID-19.





























Trước hết, cơn sốt khẩu trang lan rộng ở tâm dịch Trung Quốc. Nếu hoạt động hết công suất, các xí nghiệp Trung Quốc chỉ có thể làm ra 20 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày trong khi nhu cầu thực lên gấp 3 lần. “Những gì Trung Quốc cần gấp lúc này là khẩu trang y tế, đồ bảo hộ và kính an toàn”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh cho biết trong một cuộc họp báo vào thời điểm số ca nhiễm virus đã lên tới hơn 80.000 người trên toàn thế giới.

Không chỉ tại Trung Quốc đại lục, nhiều nền kinh tế khác như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc... đã ra lệnh tạm ngưng bán khẩu trang cho nước ngoài, chỉ tập trung đáp ứng thị trường nội địa. Thái Lan đã hạn chế xuất khẩu khẩu trang để đảm bảo người dân có đủ khẩu trang sử dụng trong dịp này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng rằng thế giới đang lâm vào tình cảnh khan hiếm khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế. Trong một cuộc họp tại Genève (Thụy Sĩ), người đứng đầu WHO cho biết sẽ trao đổi với lãnh đạo các chuỗi cung ứng để tìm giải pháp khắc phục tình trạng tắc nghẽn này.

Trong bối cảnh như vậy, những gì diễn ra xung quanh khẩu trang đã trở thành câu chuyện thời sự nóng bỏng. Khẩu trang giờ đây không chỉ che kín gương mặt mà còn phủ một màu u ám xám xịt lên hoạt động kinh doanh của nhiều ngành nghề.Tại Việt Nam, để mua được khẩu trang, người dân tại TP.HCM, Hà Nội... phải dậy từ nửa đêm để xếp hàng nhận phiếu mua. Kéo theo đó là nạn đầu cơ, tích trữ khẩu trang và nỗ lực của các nhà quản lý để bình ổn thị trường này.

Năm 2003, dịch SARS không ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế toàn cầu. Nhưng 17 năm sau, virus corona chủng mới có thể kéo tuột tăng trưởng của nhiều quốc gia. Theo ước tính của Viện Toàn cầu McKinsey, kinh tế thế giới ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỉ USD vì dịch bệnh mới này. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đánh giá: “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chịu thiệt hại và IMF hy vọng mức độ sẽ trong khoảng 0,1-0,2%”. Các nước đang tìm cách vực dậy đà suy giảm kinh tế trước dịch COVID-19 bằng những gói kích cầu, đồng thời ra sức ngăn ngừa dịch bệnh, bởi cuộc chiến chống virus khiến hơn 2.800 người thiệt mạng vẫn chưa biết bao giờ kết thúc.

Trung Quốc là công xưởng sản xuất khẩu trang cho toàn thế giới với 5 tỉ chiếc trong năm ngoái.
Trung Quốc là công xưởng sản xuất khẩu trang cho toàn thế giới với 5 tỉ chiếc trong năm ngoái. Ảnh: welcome2bhutan.com
































Cùng với cuộc chạy đua tìm vaccine phòng virus COVID-19, khẩu trang cũng có thêm những mặt trận mới. Nhiều tỉnh, thành thuộc Trung Quốc như Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Giang Tây, Liêu Ninh, Thượng Hải... đã yêu cầu người dân ra ngoài phải đeo khẩu trang. Người ta còn dùng thiết bị bay không người lái (drone) có loa để tuần tra, nhắc nhở. Ai không đeo khẩu trang sẽ bị cấm lên tàu điện ngầm, xe buýt, taxi hoặc bị phạt. Thậm chí, Baidu đã mở rộng mô hình trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện những người không đeo khẩu trang.

Hồng Kông cũng yêu cầu toàn dân đeo khẩu trang. Riêng Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... thì kêu gọi người dân mang khẩu trang và vệ sinh tay sạch sẽ. Singapore, Úc, Đài Loan tuy cho rằng người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang nhưng cũng đã phát ra hàng triệu khẩu trang cho người dân. TP.HCM thì buộc hơn 322.000 người lao động, trong 5 nhóm đối tượng ngành nghề tiếp xúc nhiều với người dân phải đeo khẩu trang.

Theo các nghiên cứu thị trường, cùng với thị trường Trung Quốc, nếu cộng thêm nhu cầu ở các nước khác, con số khẩu trang cần sẽ ở mức hàng trăm triệu chiếc/ngày. Trong khi đó, Trung Quốc, nhà sản xuất chiếm 50% khẩu trang thế giới, lại ở ngay tâm dịch và đang khan hiếm khẩu trang trầm trọng. Ông Mike Bowen, Phó Chủ tịch Công ty Prestige Ameritech (Mỹ), nhận định: “Dù giá khẩu trang Mỹ đắt hơn ở những nơi khác, nhưng khắp nơi trên thế giới đều gọi đến Công ty để đặt hàng”.

Trật tự mới của công nghiệp khẩu trang

Trung Quốc, đất nước sản xuất 5 tỉ chiếc khẩu trang y tế vào năm ngoái, đã bắt đầu tăng nhập khẩu hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Tình huống này giúp nhiều nhà sản xuất khác có thể lật ngược thế cờ để tham gia vào thị trường khẩu trang xuất khẩu trên thế giới.































Chẳng hạn, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Công ty Prestige Ameritech xuất khẩu 1-2 triệu chiếc khẩu trang sang Trung Quốc đại lục, Hồng Kông. Các công ty chuyên sản xuất khẩu trang của Pháp, như Kolmi-Hopen, Valmy cũng đứng trước những cơ hội lớn chưa từng có. Trả lời đài Franceinfo, ông Gérard Heuliez, Tổng Giám đốc Kolmi-Hopen, cho biết, bình thường Kolmi-Hopen chỉ sản xuất hơn 150 triệu chiếc khẩu trang y tế và hơn 20 triệu chiếc khẩu trang bảo hộ mỗi năm thì bây giờ, nhu cầu này đã tăng vọt hơn 500 triệu chiếc.

Trung Quốc sẽ nâng công suất sản xuất khẩu trang lên 180 triệu chiếc mỗi ngày, trong khi con số này tại Đài Loan là 4 triệu chiếc. Nhà sản xuất khẩu trang 3M của Mỹ đã cam kết tăng số lượng sản xuất tại Mỹ, châu Âu và châu Á.

Việt Nam cũng đang tìm cách gia tăng sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu. Chẳng hạn, từ cuối tháng 1, Công ty Cổ phần Tanaphar đã làm việc 24/24 để đạt công suất tối đa 70.000 chiếc khẩu trang/ngày. Nếu tất cả các công ty cùng hoạt động hết công suất, riêng TP.HCM có thể sản xuất khoảng 2,5 triệu chiếc/ngày, theo Sở Công Thương.

Tuy nhiên, khó khăn cho các doanh nghiệp là Trung Quốc - nhà cung cấp đầu vào lớn nhất cho sản xuất khẩu trang của thế giới, với ít nhất 50 nhà cung cấp đã ngừng xuất khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất khẩu trang. Vì thế, các doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu. Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết các cơ quan chức năng đang liên hệ với các thị trường Nam Phi, Ai Cập, Ấn Độ... để tìm nguồn thay thế.

Để giải bài toán khẩu trang cho thị trường, bên cạnh việc thúc đẩy các công ty sản xuất khẩu trang gia tăng và mở rộng công suất, thế giới còn chứng kiến sự tham gia của những công ty chưa bao giờ đặt chân vào lĩnh vực khẩu trang. Tiêu biểu, Foxconn, hãng điện tử đình đám của Đài Loan, đã bắt đầu sản xuất khẩu trang cho nhân viên và đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 2 triệu chiếc/ngày vào cuối tháng 2.2020. Tập đoàn dầu khí Sinopec cũng đã mua trang thiết bị và lắp đặt 11 dây chuyền sản xuất khẩu trang. Công ty thời trang Hongdou Group và nhà sản xuất ô tô SAIC-GM-Wuling cũng đã sản xuất khẩu trang nội bộ...

Ở Việt Nam, các công ty thuộc Vinatex như Dệt kim Đông Xuân, Tổng Công ty X28 (Bộ Quốc phòng)... dù chưa từng sản xuất khẩu trang cũng đã nhập cuộc.

“Khẩu trang là mặt hàng mới không phải mặt hàng đang làm hằng ngày đối với nhiều doanh nghiệp dệt may. Nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và để đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp trực thuộc Vinatex đã sắp xếp dây chuyền triển khai công nghệ để sản xuất mặt hàng này”, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex, cho biết. Trong khi đó, theo ông Trần Việt, Tổng Giám đốc Dệt Kim Đông Xuân, số lượng đơn hàng khẩu trang Công ty nhận được đã lên đến hơn chục triệu chiếc, nhưng do đây là mặt hàng mới, chưa từng sản xuất nên năng suất hiện tại còn thấp.

 




































Tuy nhiên, cách thức mà các công ty dệt may tham gia là tạo khẩu trang kháng khuẩn. Dự kiến, trong tháng 2, Vinatex sẽ cung ứng ra thị trường 5,5-6 triệu sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn cũng như cung ứng 10 tấn vải không dệt mỗi ngày để các đơn vị may khẩu trang y tế. Từ tháng 3, Vinatex sẽ cung cấp ra thị trường gần 12 triệu chiếc khẩu trang. Số khẩu trang này chủ yếu phân phối cho các đơn vị y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học...

Liệu khi dịch COVID-19 qua đi, nhu cầu khẩu trang có tăng như hiện nay. Với mức độ lây lan khủng khiếp và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trước đó là dịch EBOLA, MERS, SARS..., tỉ phú  Bill Gates từng cho rằng, các nước cần phòng chống dịch bệnh “như chuẩn bị cho chiến tranh”. Nghĩa là các nước phải phòng bị từ trước bằng cách xây dựng sẵn sàng đội ngũ y bác sĩ và các thiết bị, vật tư y tế, bao gồm cả khẩu trang.

Khi dịch bệnh trở nên khó dự đoán, khó kiểm soát, khắp thế giới đã thấy được sự nguy hại, bị động khi để Trung Quốc nắm quyền chi phối trong sản xuất khẩu trang, từ đầu vào lẫn đầu ra. Vì vậy, các nước sẽ buộc phải cơ cấu lại và có những đầu tư bài bản cho mảng khẩu trang.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, cả nước hiện có 39 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với khoảng 3 triệu chiếc/ngày. Ước tính, ở thời điểm trước dịch, mỗi người ở thành thị tại Việt Nam trung bình dùng khoảng 3 chiếc khẩu trang/tháng, nên quy mô doanh thu của ngành không lớn, chỉ khoảng 300-400 tỉ đồng/năm. Về mặt lợi nhuận, đại diện Công ty Trang thiết bị Y tế Thời Thanh Bình từng cho biết, với các chi phí cho nguyên liệu, sản xuất, bán hàng, duy trì thương hiệu... lợi nhuận của các công ty chân chính không thể “khủng”. Dù vậy, với tình trạng môi trường đang ngày càng ô nhiễm và nhiều khói bụi, cùng với các dịch bệnh, chiếc khẩu trang đã trở nên thiết yếu đối với người dân. Với lợi thế sở hữu nhiều doanh nghiệp thành viên có năng lực sản xuất hàng may mặc xuất khẩu lớn, Việt Nam có thể tính lại bài toán tham gia lĩnh vực này một cách chuyên nghiệp và bền vững hơn.

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.403
Khách
: 148
 
Cuộc chạy đua "khẩu trang" Rating: 5 out of 10 146193.
Core Version: 1.8.0.0