Thông tin cần biết

Hôm nay, Chủ Nhật, 28/04/2024

Đăng ký nhận tin

Làm thế nào gỡ nút thắt nhân lực sợi-dệt-nhuộm?

02/06/2016 09:39 SA
Khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mà đặc biệt là TPP chuẩn bị có hiệu lực, thì các DN FDI đã ồ ạt đầu tư vào dệt may tại Việt Nam để hưởng lợi thế. DN trong nước biết về lợi thế này, nhưng còn loay hoay. Chúng ta có nhiều cái thiếu và yếu. Một trong những yếu tố vừa thiếu vừa yếu này là nguồn nhân lực cho khâu Sợi – Dệt – Nhuộm. Vậy có giải pháp nào gỡ nút thắt này, giúp cho DN dệt may trong nước tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA?

Thời hoàng kim có là của chúng ta?

Có thể nói, giai đoạn này là thời hoàng kim của Dệt May Việt Nam. Với hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nguồn lợi từ ngành dệt may sẽ trở nên khổng lồ. Nhìn thấy trước mùa vàng dệt maysẽ gặt hái ở Việt Nam, thời gian qua, làn sóng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam rất lớn để tận dụng lợi thế từ TPP và các FTA khác. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng trong năm 2015, khoảng 2,5 tỷ USD vốn ngoại đã đổ vào Việt Nam trong lĩnh vực dệt may. Đáng lưu ý, phần lớn các dự án FDI đều đầu tư toàn chuỗi khép kín từ sợi – dệt – nhuộm cho đến khâu may. Còn DN Việt Nam lại chủ yếu phát triển khâu cuối là may. Một trong những cản trở khiến DN Việt Nam khó phát triển cả chuỗi là do thiếu nguồn lực thực hiện khâu sợi – dệt – nhuộm. Do đó, việc phát triển và quản trị nguồn nhân lực cho ngành dệt may đang trở nên cấp thiết.

Số liệu thống kê cho thấy, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu dệt may tăng thêm sẽ tạo ra 80.000 việc làm trực tiếp. Để đáp ứng mục tiêu phát triển, dự kiến ngành dệt may cần khoảng 3 triệu lao động vào năm 2020. Như vậy, bình quân mỗi năm ngành dệt may cần thêm khoảng 100.000 lao động, chưa kể phải bổ sung số lao động đến tuổi nghỉ hưu và rời bỏ ngành. Thế nhưng, ngành dệt may đang đứng trước tình trạng thiếu lao động kỹ thuật được đào tạo bài bản. 

Trong tổng số 2,5 triệu lao động, nhiều loại nhân lực hiện ngành dệt may rất cần lại chưa có cơ sở đào tạo. Đơn cử, nhóm ngành sợi, dệt, nhuộm cần khoảng 300 - 400 kỹ sư/năm, nhưng giai đoạn vừa qua, các trường đại học chỉ cung cấp được khoảng 30 sinh viên/năm, bằng 10% nhu cầu. 

Nếu tính cả chuỗi cung ứng thì nhân lực của ngành dệt may thiếu toàn diện, gần như không có đơn vị nào đào tạo lực lượng này. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp trong ngành phải tự đào tạo nhân lực tại cơ sở, theo mô hình người đi trước dạy người mới vào, hoặc mời các giảng viên của các trường kỹ thuật về giảng dạy ngắn hạn tại cơ sở. Nhưng đây là cách làm manh mún, thiếu đồng bộ, và nếu không có sự đầu tư lâu dài, bài bản cho đào tạo nhân lực, thì khó nói đến việc cạnh tranh, nhất là khi đối thủ của ta lại dày dạn kinh nghiệm và rất chuyên nghiệp trong mọi khâu.

Mùa vàng nhưng không ai muốn gặt?

Mùa vàng của dệt may Việt Nam đang tới, nhưng có một thực tế lạ lùng, rằng các cơ sở đào tạo nhân lực kỹ thuật sợi – dệt – nhuộm ở ta lại rất khó tuyển sinh. Ám ảnh chung và rất cũ đối với ngành dệt may là thời gian làm việc căng thẳng, vất vả, thu nhập chỉ đủ ăn. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở ta vẫn diễn ra, và tình trạng thiếu nguồn lực làm việc trong ngành DMVN vẫn có. Như vậy thừa thì có thừa mà thiếu thì vẫn thiếu. Chúng ta đang lãng phí một nguồn tài nguyên nhân lực khổng lồ. Trong khi đó, ngành DMVN lại loay hoay vì thiếu trầm trọng nguồn nhân lực kỹ thuật sợi – dệt – nhuộm, khiến cho mùa vàng dệt may rất có thể sẽ được DN nước ngoài ra tay gặt hái trên chính mảnh đất của chúng ta!

Nhưng tại sao bạn trẻ lại đổ xô đi làm ngành tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, dầu khí, hàng không…? Tại sao họ không chọn nghề kỹ sư dệt nhuộm? Thực tế thu nhập có thể trả lời câu hỏi này. Những nghề trong các ngành ngành tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, dầu khí, hàng không… có thu nhập từ 15 triệu đồng tới 25 triệu đồng/tháng; trong khi kỹ sư dệt-nhuộm chỉ có mức lương trung bình từ 5 triệu đồng tới 8 triệu đồng/tháng. Thật dễ nhìn ra vì sao bạn trẻ nước ta không chọn học ngành dệt may.

Thu Hằng, một bạn gái sinh năm 1998 mới đây chia sẻ băn khoăn trên mạng, về ý muốn đi học ngành kỹ thuật dệt nhuộm, và được nhiều ý kiến tư vấn. Bên ủng hộ thì cho rằng, nghề này không kén người học mà chỉ sợ rằng người học không chăm chỉ - siêng năng. Công việc làm cũng đã dạng. Sự giỏi giang nghề nghiệp của người học như thế nào thì sẽ có công việc phù hợp cụ thể. Không phải lo thất nghiệp khi ra trường. Bên bàn lùi thì lại đưa ra thực tế, rằng làm trong ngành dệt may, nhất là khâu dệt-nhuộm lương chỉ đủ sống, lại vất vả, thời gian làm việc nhiều, áp lực rất cao, môi trường làm việc không chuyên nghiệp, thường xảy ra tranh chấp do sai hỏng, do đó nên suy nghĩ cẩn thận trước khi chọn.

Vậy thì trước thực tế quá cần nhân lực, nhưng lại không thể trả lương cao bằng các ngành "hot" như đề cập ở trên, các DN dệt may trong nước đã ứng dụng giải pháp nào?

Để giải quyết bài toán nhân lực, thời gian qua, Vinatex cũng đã chủ động thành lập 7 viện, trường trực thuộc, phục vụ nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Tập đoàn và ngành dệt may. Đây là bộ phận bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật, quản lý cho các đơn vị, dự án đầu tư của Tập đoàn và Ngành. 

Bên cạnh việc đào tạo dài hạn qua các trường nói trên, Vinatex còn tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, nâng cao trình độ cho CBCNV qua các trung tâm đào tạo; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trung và cao cấp theo các chuyên ngành quản lý, công nghệ, kỹ năng tiếp thị, khả năng giao dịch, đặc biệt là phát triển đội ngũ thiết kế thời trang. Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng định hướng, 5 năm tới là giai đoạn bản lề để Tập đoàn đầu tư lực lượng sản xuất mới.

Bên cạnh Vinatex, các DN trực thuộc Tập đoàn như Phong Phú, Phú Bài, Việt Thắng… cũng đang nỗ lực để vừa thu hút nhân lực, vừa tự đào tạo… Tuy nhiên, để có hướng phát triển lâu dài, bài bản, và tận dụng lợi thế từ FTA, gặt hái được mùa vàng dệt may, Chính phủ nên sớm vào cuộc, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư đào tạo nhân lực cho ngành này.

Nguồn: Kiều Mai/Vinatex.com
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.121.522
Khách
: 702
 
Làm thế nào gỡ nút thắt nhân lực sợi-dệt-nhuộm? Rating: 5 out of 10 86635.
Core Version: 1.8.0.0