Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 26/04/2024

Đăng ký nhận tin

TPP “dệt” thêm hy vọng cho ngành dệt may

28/05/2017 03:15 CH

Cổ phiếu ngành dệt may đã đổi chiều tăng mạnh trước thông tin về khả năng “sống lại” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau gần 1 năm lo ngại hiệp định này “chết yểu”.

TPP “hồi sinh”?

Từng được đánh giá là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định TPP, tuy nhiên việc Mỹ bất ngờ tuyên bố rút khỏi TPP sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử khiến cho hiệp định này bị đình trệ, kỳ vọng trở thành nỗi thất vọng của ngành dệt may.

Năm 2016 có thể nói là năm khó khăn nhất đối với ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây, giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ảm đạm kéo theo giá cổ phiếu giảm sâu.

Việc đàm phán TPP bị thất bại khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế suất cao hơn các nước khác. Tại thị trường châu Âu, Việt Nam phải chịu mức thuế suất từ 9-12% nhưng các nước khác như Campuchia, Lào hay Bangladesh là 0%.

Điều đáng nói, trong năm 2016, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 43% kim ngạch, đặc biệt, thị trường này hàng năm tiếp tục gia tăng thị phần.

Bước sang năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng khó khăn đối với ngành dệt may vẫn còn. Tuy nhiên, mới đây truyền thông trong nước đã trích dẫn nhận định từ tạp chí The Economist về khả năng “sống lại” của hiệp định TPP. Theo đó, 11 nước trong TPP không bao gồm Mỹ sẽ một lần nữa họp tại Hà Nội, trong cuộc họp mà Economist nhận định là có thể giúp hồi sinh TPP.

Dù hiện tại vẫn chưa thể hy vọng nhiều vào sự kiện này, tuy nhiên thị trường đã có phản ứng tích cực trước thông tin trên. Hầu hết các cổ phiếu tiềm năng trong nhóm cổ phiếu dệt may đã tăng mạnh, trong 10 mã thì đến 8 mã tăng. Tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 5 là cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG từ mức 12.800 đồng/cổ phiếu lên 15.500 đồng/cổ phiếu (15/5), tương ứng tăng 21%. Cổ phiếu tăng mạnh thứ 2 nhưng lại được quan tâm nhiều nhất từ nhà đầu tư là TCM của CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công với mức tăng từ 25.200 đồng/cổ phiếu lên 29.650 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 17,66%. Ngoài ra, cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng nhẹ 1,6%.

Ngoài việc tác động từ thông tin TPP, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng mạnh nhờ có những thay đổi trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, đối với TCM việc nhà máy số 1 Vĩnh Long đã đạt điểm hòa vốn trong quý 1/2017 và doanh nghiệp này đang tái cơ cấu lại các khoản đầu tư của mình, thoái vốn khỏi những mảng hoạt động kém hiệu quả và tập trung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi cũng như dự án TC Tower. Riêng trong năm 2016, TCM đã hoàn thiện nâng công suất mảng vải lên hơn 40%.

Trong khi đó, VGT có kế hoạch nâng tỷ lệ hoạt động sản xuất tự thiết kế (ODM) từ 8% năm 2016 lên 20% trước năm 2020 (biên gộp của ODM có thể lên đến 30%). Ngoài ra, TNG cũng đang tích cực phát triển thương hiệu TNG Fashion.

Và động thái nới room của các doanh nghiệp dệt may cũng thu hút thêm dòng tiền khối ngoại. Trong năm 2016, hai doanh nghiệp CTCP Everpia Việt Nam (EVE) và CTCP Mirae (KMR) đã hoàn tất nâng room sở hữu nước ngoài lên 100%. TNG cũng đã được cổ đông thông qua phương án nới room ở ĐHCĐ 2016. Một số doanh nghiệp còn lại như TCM đã có một số động thái chuẩn bị cho kế hoạch này trong năm nay.

 

Cổ phiếu ngành dệt may tăng trở lại sau thông tin Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể “hồi sinh”. Ảnh: Ánh Hoa

Những “nút thắt” chưa được tháo gỡ!

Hiện tại, khả năng hồi sinh của TPP chưa rõ ràng, dù giá cổ phiếu ngành dệt may có sự khởi sắc hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến đánh giá của các chuyên viên ngành dệt may nếu TPP “hồi sinh” mà không có Mỹ thì vẫn gặp nhiều khó khăn do đây là thị trường đóng góp lớn nhất vào kinh ngạch xuất khẩu ngành với 43%.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, TPP không phải là tất cả, bởi ngoài TPP còn có Hiệp định thương mại tự do với các nước châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ đầu năm 2018, kỳ vọng hỗ trợ kim ngạch xuất khẩu sang EU và thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vải. EU là bạn hàng lớn thứ 2 sau Mỹ, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức 13% trong 2 năm gần đây. Ngoài việc thúc đẩy giao thương, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi sẽ là động lực để các doanh nghiệp trong ngành tháo “nút thắt cổ chai” ở khâu sản xuất vải của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các hiệp định thương mại tự do khác với Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực từ ngày 5/10/2016 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang trong quá trình đàm phán sẽ góp phần tăng trưởng của ngành dệt may. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), VN-EAEU FTA có thể giúp kim ngạch xuất khẩu hai chiều tăng 50% trong năm 2017 và xấp xỉ 20%/năm trong giai đoạn 2018-2022. Tuy nhiên, nhận định từ chuyên viên của CTCP Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, thị trường này chỉ chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam nên đóng góp từ diệp định này không lớn. Về dài hạn, cả 2 hiệp định này khó có thể hỗ trợ ngành dệt may phát triển theo chiều sâu khi các quy tắc xuất xứ của VN-EAEU FTA khá “dễ tính” từ cắt và may, Việt Nam vốn đã phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu của một số quốc gia lớn trong RCEP.

Năm qua, khó khăn cho ngành dệt may chủ yếu đến từ khó khăn của nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản và các nước trong khối EU. Bên cạnh đó, các đơn hàng đã dịch chuyển một phần sang các nước lân cận là Campuchia và Bangladesh. Đồng thời sự cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng cao.

Riêng sự khó khăn còn nằm ở ngành như hoạt động gia công may mặc đơn giản còn chiếm tỷ lệ cao xấp xỉ 70% và “nút thắt cổ chai” ở khâu xuất khẩu vải. Đặc biệt, các doanh nghiệp lại thiếu động lực cải thiện trước nguy cơ đổ vỡ của TPP. Do vậy, TPP vẫn là “pháo cứu sinh” tốt nhất cho ngành dệt may, đồng thời các doanh nghiệp cũng cần tự cải thiện mình để phát triển bằng cách đầu tư nhà máy, nâng cao năng lực sản xuất để giảm tỷ lệ gia công may mặc đơn giản hay tháo gỡ “nút thắt” ở khâu xuất khẩu vải.

Theo: Ánh Hoa/Người Tiêu Dùng

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.118.122
Khách
: 627
 
TPP “dệt” thêm hy vọng cho ngành dệt may Rating: 5 out of 10 73642.
Core Version: 1.8.0.0