Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Hai, 09/09/2024

Đăng ký nhận tin

Ba lý do khiến FDI Đà Nẵng tụt giảm

07/07/2014 09:45 SA
Một số đơn vị và nhà quản lý địa phương cho rằng, rất tiếc 6 tháng đầu năm 2014, chỉ số đầu tư FDI tại Đà Nẵng không tốt.

Điều này hơi ngược với thông tin về vị trí chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố này lại được xếp hàng đầu cả nước. Vậy mấu chốt vấn đề nằm ở đâu ?

Một cựu lãnh đạo Đà Nẵng thổ lộ, thực tế thành phố vẫn đang có đà phát triển, song để thu hút được các nguồn lực đầu tư, thì hiện trạng lâu nay không giải quyết nổi.

Chỉ số dự án FDI tụt giảm mới đây chỉ là một phần hệ quả của quá trình dài Đà Nẵng lúng túng trong công tác định hình đầu tư, phát triển kinh tế chiều sâu.

Có ít nhất 3 vấn đề “cũ nhưng luôn mới”, mà Đà Nẵng rất cần thúc đẩy, và đây cũng là hiện trạng chung ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Cơ hội thị trường không cao

Nhiều người tưởng Đà Nẵng với vị trí trung điểm cả nước, rất thuận lợi để đi sang Lào, xuôi nam ngược bắc, là cánh cửa giao thương tích cực.

Song sự thật nhiều năm qua, Đà Nẵng chưa giữ vai trò điểm trung chuyển tích cực của hàng hóa qua miền Trung. Các mặt hàng xuất khẩu từ Tây Nguyên, nam trung bộ đều chọn cảng Quy Nhơn để tập kết. Hàng hóa tại Đà Nẵng lại thường theo đường bộ vào TP.HCM xuất đi.

Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây từ đông bắc Thái Lan về Đà Nẵng, luôn được Đà Nẵng đề cập quảng bá cho lợi thế kinh tế của mình, sau hơn 20 năm tạo dựng, đến nay vẫn chưa có nguồn hàng ổn định, ách tắc nhiều mặt từ chính sách đến cơ hội hỗ trợ thương nhân.

                               Đã nhiều năm qua, Đà Nẵng vẫn chưa trở thành tâm điểm giao thương miền Trung. 

Với dân số cả vùng phụ cận chưa đến 7 triệu người, thu nhập bình quân hạn chế, thời gian qua Đà Nẵng lại không đề cao công nghiệp sản xuất, chưa hoàn bị hạ tầng dịch vụ thương mại, du lịch…, rõ ràng cơ hội thúc đẩy phát triển thị trường ở đây không cao.

Công nghiệp phụ trợ yếu kém

Tính đến nay, Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp và chế xuất, công nghệ cao đã công bố triển khai và thu hút đầu tư. Nhưng từ năm 2009 lại đây, địa phương đã xác định 2 giá trị lớn, là thành phố môi trường và thành phố du lịch lễ hội. Các tiêu chí đi kèm 2 giá trị này, đã buộc Đà Nẵng phải “nói không” với nhiều dự án đầu tư công nghiệp, phát triển thủy hải sản…

Giới truyền thông từng đề cao hành động của Đà Nẵng khi từ chối 1 số dự án khai thác lao động rẻ, sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng môi trường. Có điều, không mấy ai thừa nhận, sự từ chối cương quyết đó đã khiến nhiều dự án công nghiệp phụ trợ tại Đà Nẵng tàn lụi, không có cơ hội triển khai.

                           Đà Nẵng chưa có những thương hiệu công nghiệp phụ trợ đủ đáp ứng các nhà đầu tư FDI. 

Hệ quả là nhiều nhà đầu tư đã ngại đến Đà Nẵng khi nhìn thấy mạng lưới công nghiệp phụ trợ tại đây quá mỏng và yếu. Các nhà máy có thể cung cấp thiết bị linh kiện, thậm chí công nghiệp bao bì đóng gói tại Đà Nẵng đều thiếu vắng, đã khiến sức hút FDI Đà Nẵng không còn nhiều.

Chất lượng nhân lực “cào bằng”

Một cách quan ngại hơn, 1 lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng, nếu địa phương không có 1 sự cải tổ, chấn chỉnh cần thiết với chính mạng lưới đào tạo nhân lực và nghề trên địa bàn, chất lượng nguồn nhân lực tại đây ngày 1 kém hơn.

Tính ra đã non 10 năm, Đà Nẵng hình thành 1 khối lượng lớn các trường đại học, cao đẳng… mang tính ngành nghề cao, hàng năm đều thu hút lượng học sinh, sinh viên khá lớn. Nhưng chất lượng các trường đào tạo như thế nào, thì nhiều doanh nghiệp sở tại đều nghi hoặc.

“Có cảm giác nhân lực ở đây đều bị “cào bằng”, khi mức lương thu nhập đều rất thấp. Nguyên nhân lại chính là nhân lực không làm việc hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp. Nhiều cử nhân, kỹ sư sau khi ra trường chỉ có thể làm những công việc tay chân như cao đẳng, trung cấp…”. Giám đốc 1 doanh nghiệp cơ khí lớn tại Đà Nẵng phàn nàn như vậy.

                                  Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực khác biệt đang là đòi hỏi lớn với Đà Nẵng.

Với 1 thực tại không mấy mạnh mẽ cả về chiến lược phát triển, chiến thuật thu hút đầu tư lẫn nội tại nhân lực có vấn đề như vậy, Đà Nẵng mấy năm qua đã tỏ ra sút kém trong việc tận dụng các cơ hội đầu tư làm ăn.

Bối cảnh kinh tế khủng hoảng chung mới đây càng khiến cho mức độ chênh lệch giữa mong muốn của nhà đầu tư và khả năng đáp ứng nhu cầu tại địa phương thêm tăng, lại càng đẩy Đà Nẵng vào vị thứ kém hấp dẫn về FDI.

Cần 1 sự nỗ lực phát triển tốt hơn từ bản thân Đà Nẵng, về nhiều phương diện, chứ không phải cạnh tranh chỉ có mỗi chỉ số PCI nào đó chưa hẳn khách quan hoàn toàn, đó là ý kiến của vị cựu lãnh đạo Đà Nẵng, sau nhiều năm “từ ngoài quan sát vào”, trước hiện trạng FDI Đà Nẵng “tụt dốc” vừa qua!

Nguồn: Cafef
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.266.382
Khách
: 1.385
 
Ba lý do khiến FDI Đà Nẵng tụt giảm Rating: 5 out of 10 169483.
Core Version: 1.8.0.0