Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Thích ứng xu hướng bảo hộ thương mại

17/02/2020 10:34 SA
Gần đây, xu hướng bảo hộ thương mại (BHTM) được nhiều quốc gia coi là biện pháp để phát triển nền kinh tế, tạo việc làm và đảm bảo sự cân bằng cán cân thương mại. Tuy nhiên, động thái này đang làm xáo trộn hoạt động thương mại quốc tế, cản trở quá trình hội nhập kinh tế, tác động đến hoạt động đầu tư quốc tế. 
BHTM ngày càng rõ nét
Việt Nam đã tham gia ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó đã ký và có hiệu lực 10 FTA, đã ký nhưng chưa có hiệu lực 2 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA và 3 FTA đang đàm phán. Độ mở cửa của Việt Nam trong các FTA đang ở mức rất cao, đặc biệt là 2 FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam với EU (EVFTA). FTA trong khuôn khổ ASEAN cam kết cắt giảm 98% số dòng thuế, CPTPP cắt giảm 100% dòng thuế và EVFTA 99% số dòng thuế.
Tương tự, độ mở cửa của các nước đối với Việt Nam trong các FTA cũng ở mức rất cao. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản, trà, cà phê… dự kiến xóa bỏ hoàn toàn thuế quan trong vòng 7 năm như EVFTA. Với CPTPP, một số nước thành viên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan cho Việt Nam sau 4 năm thực thi hiệp định. 
Đây có thể xem là thành công của Việt Nam trong tiến trình mở cửa và hội nhập nền kinh tế. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây trào lưu chủ nghĩa bảo hộ ngày càng rõ nét. Thậm chí, trong một số trường hợp đã trở thành chiến tranh thương mại giữa các chủ thể, đang trở thành vật cản hoạt động xuất nhập khẩu và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. BHTM ngày nay được thực hiện dưới nhiều hình thức tương đối đa dạng, phong phú.
Thích ứng xu hướng  bảo hộ thương mại ảnh 1Ngành thép là một điển hình liên tục bị áp thuế chống bán phá giá tại các thị trường lớn như Mỹ, Canada, EU... thậm chí với các đối tác đã ký FTA với nước ta. Ảnh: LONG THANH
Từ những phương thức trực tiếp như tăng thuế, áp dụng thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá, thuế quan trả đũa, đến các biện pháp phi thuế quan như hạn ngạch nhập khẩu, các quy định về thủ tục hành chính, hay các rào cản kỹ thuật, và trong một số trường hợp có thể do việc thay đổi giá trị tiền tệ, đều tác động đến dòng chảy thương mại quốc tế. Ngoài rào cản kỹ thuật và sự thay đổi giá trị tiền tệ, hiện thế giới có 3 hình thức BHTM thường được áp dụng là thuế chống bán phá giá, áp dụng thuế chống trợ cấp, biện pháp thuế quan tự vệ (thuế quan trả đũa).
Thực tế cho thấy, những năm qua Việt Nam liên tiếp bị áp thuế chống bán giá đối với một số mặt hàng như thép, cá tra, tôm... tại các thị trường có tiềm năng lớn như Mỹ, Canada, Ấn Độ, EU và cả nhiều đối tác ký FTA với nước ta. Theo thống kê của Phòng Xử lý phòng vệ thương mại (PVTM) nước ngoài (Cục PVTM, Bộ Công Thương), năm 2017 chỉ có 13 vụ kiện về PVTM, tính đến tháng 10-2018 tăng thêm 16 vụ việc. Ngoài ra, nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra PVTM như thủy sản (1%), săm lốp (2%), giày dép (6%), sợi (9%) và 50% các sản phẩm khác… 
Trong thời gian gần đây các nước đang có xu hướng sử dụng nhiều biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá, chiếm tới 70% các vụ áp thuế liên quan đến PVTM. Thậm chí, một số quốc gia là đối tác lâu năm của Việt Nam còn có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp PVTM để bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước, tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Xu thế phải thích ứng 
Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về PVTM phù hợp với các quy định của WTO. Tuy nhiên, hầu hết DN Việt vẫn chưa nắm được hết quy định và sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Do đó, khi đối diện với các vụ kiện quốc tế, DN loay hoay không biết làm như thế nào, có DN thua cuộc và mất trắng thị trường do bị áp thuế cao và không thể cạnh tranh được.
Vì vậy, song song với quá trình hội nhập, hướng tới xuất khẩu, DN Việt nên trang bị các kiến thức và quy định về PVTM. Đồng thời, DN phải thường xuyên cập nhật thông tin để phán đoán và nắm bắt nhanh, nhằm xử lý kịp thời các vụ kiện PVTM ngay từ giai đoạn đầu, khi cơ quan điều tra của nước nhập khẩu tiếp nhận đơn kiện.
Cụ thể, các DN cần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, đặc biệt là những quy định của các thị trường mục tiêu đang và sẽ xuất khẩu. Để hỗ trợ DN trong vấn đề này, các cơ quan chức năng cần nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM, giúp DN chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu cũng như có biện pháp ứng phó kịp thời.
Về phía DN xuất nhập khẩu, cần chủ động tìm hiểu, khảo sát, thâm nhập và xây dựng mạng lưới thương mại ở các thị trường các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… để thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh các rủi ro và sự lệ thuộc vào một thị trường. 
Thực tế, thời gian qua Việt Nam đã từng bước đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu, song hiệu quả khai thác các thị trường chưa cao. Với việc tham gia CPTPP, đã đến lúc DN Việt cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường các nước phát triển trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, đạt hiệu quả cao trong kinh doanh, tham gia mạng sản xuất, mạng phân phối khu vực và quốc tế, cũng như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong thời gian qua, các DN, đặc biệt là DNNVV đã nhập khẩu lượng hàng hóa trung gian quá lớn từ Trung Quốc để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên giá trị gia tăng hàng hóa các DN này sản xuất ra không cao. Bởi lẽ, để được hưởng các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan, các hàng hóa phải có xuất xứ CPTPP, nơi Trung Quốc chưa tham gia.
Việc phát triển công nghiệp phụ trợ để phát triển nền kinh tế vì vậy trở nên cần thiết cấp bách hơn. Điều này rất quan trọng, mang tính quyết định để Việt Nam giảm nhập siêu trong quan hệ xuất nhập khẩu thương mại với Trung Quốc, vốn là thị trường truyền thống nhưng đang có nhiều biến động.  
DN cần trang bị các kiến thức và quy định về PVTM, thường xuyên cập nhật thông tin để phán đoán và nắm bắt nhanh, nhằm xử lý kịp thời các vụ kiện PVTM ngay từ giai đoạn đầu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.155
Khách
: 921
 
Thích ứng xu hướng bảo hộ thương mại Rating: 5 out of 10 102469.
Core Version: 1.8.0.0