Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 25/04/2024

Đăng ký nhận tin

Rà soát các hiệp định thương mại quan trọng - Kỳ IV

05/08/2014 03:54 CH
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế - Trần Quốc Khánh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương về tình hình đàm phán các hiệp định thương mại quan trọng của Việt Nam.

Kỳ IV:  Đàm phán: Không xem nhẹ các nguyên tắc lớn!

Sau khi được ký kết, tác động của các hiệp định thương mại đối với nền kinh tế ra sao, thưa Thứ trưởng?

Hiện Việt Nam đang tham gia đàm phán các hiệp định thương mại quan trọng: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), Hiệp định giữa Việt Nam và khối 4 nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ (EFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 nước đối tác là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc, vừa khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- HongKong (AHKFTA). Như vậy, Việt Nam đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) với cả 10 nước/khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Bên cạnh tác động trực tiếp là mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì các FTA thế hệ mới sẽ có một số quy định về thể chế kinh tế, với tác động tích cực là tăng cường tính minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.

Thực thi các FTA sẽ giúp Việt Nam thực hiện chủ trương đa dạng hóa thị trường, đối tác, tránh bị tập trung quá mức vào một khu vực nhất định, góp phần giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
dự cuộc gặp lãnh đạo các nước thành viên TPP.

Xin Thứ trưởng cho biết tình hình đàm phán các FTA, kết quả đạt được cũng như những vướng mắc?

Trong quá trình đàm phán các FTA, Việt Nam luôn bám sát các nguyên tắc lớn: Thứ nhất, tôn trọng thể chế chính trị của các nước tham gia. Thứ hai, bảo đảm lợi ích của các bên tham gia, tính tới chênh lệch về trình độ phát triển. Thứ ba, phù hợp với năng lực thực thi của nước ta.

Hiện nay, quá trình đàm phán các FTA quan trọng như TPP, VCUFTA, EVFTA đều đang trong giai đoạn nước rút nhằm sớm đạt được thỏa thuận.

Việt Nam đã thống nhất với EU, các thành viên Liên minh Hải quan... sẽ nỗ lực để có thể kết thúc cơ bản đàm phán trong năm 2014. Các thành viên TPP cũng đang cố gắng đạt được thỏa thuận trong thời gian sớm nhất. Đối với RCEP, ASEAN và các đối tác đặt ra mục tiêu kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015.

Trong đàm phán, mỗi hiệp định có những khó khăn, vướng mắc riêng, nhưng cơ bản tập trung vào các lĩnh vực then chốt như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư hay những lĩnh vực mới như lao động, môi trường, mua sắm chính phủ hay sở hữu trí tuệ.

Về phía Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành và Đoàn đàm phán Chính phủ đã và đang nỗ lực hết sức để cùng các đối tác đẩy nhanh đàm phán. Tuy nhiên, tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là bảo đảm các FTA sẽ đem lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế, đặc biệt là mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta không thể vì thời hạn đàm phán mà xem nhẹ các nguyên tắc lớn. Do đó, một mặt chúng ta vẫn khẩn trương đàm phán, mặt khác, chỉ chấp nhận kết quả đàm phán nếu bảo đảm được các nguyên tắc, chủ trương mà Đảng, Chính phủ đã đề ra.

Những mốc thời gian kết thúc đàm phán có khả thi không, thưa Thứ trưởng?

Tiến độ đàm phán các FTA song phương hay khu vực không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam mà phụ thuộc vào tất cả các bên tham gia. Ngoài ra, tiến trình đàm phán các FTA cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố chính trị của các thành viên.

Về tổng thể, tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm cao của Việt Nam cũng như các đối tác, việc đàm phán các FTA sẽ sớm đạt kết quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!


Theo: Báo Công Thương

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.117.717
Khách
: 215
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0