Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Bốn lý do kinh tế đối ngoại có thành tựu

16/09/2014 04:05 CH
Sau 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển, Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ, từng bước vượt qua khó khăn và đạt những thành quả kinh tế đối ngoại to lớn.

Việt Nam đã đạt những thành quả kinh tế đối ngoại to lớn. Nguồn: internet

Thứ nhất, quan hệ chính thức với các nước, tổ chức kinh tế quốc tế ngày càng phát triển cả về bề rộng và bề sâu. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 170 nước, trong đó có 13 nước là đối tác chiến lược, 11 nước là đối tác toàn diện và với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Nước ta có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng phát triển Á Châu, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng thế giới. Hiện nay, ngoài WTO, Việt Nam đã ký 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 8 FTA khác, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP)… Nhờ việc Việt Nam nỗ lực thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết và hoạt động trong khuôn khổ các tổ chức này; tiến hành nhiều cải cách cũng như các biện pháp cải cách thị trường đồng bộ theo hướng minh bạch, tự do hóa và mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ hơn, hiện 43 nước đã công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường.

Thứ hai, cơ cấu ngoại thương ngày càng cải thiện, thể hiện qua việc tỷ trọng nhóm hàng qua chế biến trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã tăng dần, còn hàng xuất khẩu thô giảm dần. Tốc độ tăng xuất khẩu gần như liên tục đạt 2 chữ số. Quy mô xuất khẩu bình quân đầu người tăng mạnh từ năm 2000 đến nay, và trong năm 2013 đã đạt 1.450 USD, cao gấp gần 124 lần năm 1985. Tỷ lệ xuất khẩu so với GDP tăng khá nhanh, đến năm 2013 đạt trên 75%, cao hơn tỷ lệ của Đông Nam Á, cao gấp 3 lần tỷ lệ của châu Á và thế giới, đứng thứ 5 trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cao gấp 186,1 lần năm 1985. Hàng năm, Việt Nam đã có trên 20 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD và đứng thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh. Đặc biệt, cân bằng ngoại thương ngày càng được cải thiện và chuyển từ nhập siêu kéo dài 20 năm sang xuất siêu từ năm 2012, với mức tăng dần từ 284 triệu USD năm 2012, lên 863 triệu USD năm 2013 và 1,7 tỷ USD trong 8 tháng năm 2014, bằng 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,8 tỷ USD, bằng 18,1% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này.Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng liên tục và năm 2013 đạt trên 7,3 triệu lượt người, đem lại doanh thu ngoại tệ 7,5 tỷ USD.

Thứ ba, thu hút vốn nước ngoài ngày càng nhiều. Lũy kế đến hết tháng 7/2014, cả nước có gần 17.000 dự án đầu tư có vốn nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 240 tỷ USD, lượng vốn thực hiện  khoảng 110 tỷ USD. Trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào nước ta, trong đó có 16 nước và vùng lãnh thổ có vốn đăng ký (còn hiệu lực) đạt trên 1 tỷ USD (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Nga, Đức, Pháp, Australia…). Tất cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước đều có vốn FDI, trong đó có 27 tỉnh, thành phố có số vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD. Khu vực FDI hiện đã chiếm trên 18% GDP và 46,3% giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế, 66,2% kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 1,7 triệu lao động. 

Đặc biệt, với ưu thế ổn định chính trị, lao động, vị thế địa kinh tế và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón làn sóng FDI tái cơ cấu, chuyển dịch các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ từ các nước khu vực và trên thế giới. Cơ cấu ngành đầu tư ngày càng phù hợp với mục tiêu thu hút FDI. Hiện nay, hàng loạt quỹ đầu tư nước ngoài đang đổ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê của Công ty quản lý quỹ chứng khoán Việt Nam (VFM), hiện có gần 30 quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn rót vào nội địa khoảng 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, nước ta cũng nằm trong top 10  nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới và tăng đều qua các năm, với  trên 11 tỷ USD năm 2013. 

Thứ tư, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ngày càng tăng. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trên 750 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, tại 23 nước và vùng lãnh thổ, cao nhất là Lào 3.672,5 triệu USD, tiếp đến là Campuchia 2.575,7 triệu USD, Peru 1.276,7 triệu USD...

Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương triển khai đồng bộ, toàn diện, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, với phương châmViệt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển, giữ vững độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, linh hoạt về sách lược, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu, nhằm tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ đất nước, từng bước vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo Đại biểu nhân dân.vn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.103
Khách
: 867
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0