Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Prada có cần Raf Simons?

20/03/2020 01:27 CH
Raf Simons có thể giúp Prada tiếp cận một phân khúc khách hàng mới.


Sau nhiều năm niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông (2011), thương hiệu xa xỉ Prada dường như có chút nhạt nhẽo so với phong cách thời trang hợp mốt, phá cách thường thấy. Nhưng giờ thì không. Giá cổ phiếu của Prada đã tăng 25% trong 3 tháng kết thúc vào tháng 1.2020, còn nhanh hơn cả các đối thủ lớn hơn trong ngành xa xỉ như LVMH và Kering của Pháp. Các nhà đầu tư rất thích thú với thương vụ hợp tác mà Prada mới ký kết với tập đoàn mỹ phẩm L’Oréal, cũng rất phấn khởi trước các khoản đầu tư của Prada vào mảng bán hàng trực tuyến. Nhưng sự nhiệt thành của nhà đầu tư chủ yếu lại đến từ những kỳ vọng vào một sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện hơn: thương vụ thâu tóm từ một đối thủ lớn hơn hoặc một cuộc cải cách trong nội bộ Prada.


Vẫn chưa có người mua nào tỏ ra quan tâm thực sự đến Prada. Nhưng mới đây Prada tuyên bố sự gia nhập của Raf Simons, một ngôi sao thiết kế 52 tuổi đến từ Bỉ, từng là Giám đốc Sáng tạo của Christian Dior (thuộc LVMH) và Calvin Klein (Mỹ). Simons sẽ “ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm” với Miuccia Prada, nhà thiết kế nổi tiếng và là cháu gái của nhà sáng lập Prada, ở vai trò đồng Giám đốc Sáng tạo. Bộ đôi Miuccia - Simons sẽ cùng ra mắt bộ sưu tập chung đầu tiên vào tháng 9 tới. Tập đoàn cho biết, sự hợp tác của cả hai sẽ giúp Prada nhân đôi sức sáng tạo, mang đến làn gió mới cho thương hiệu thời trang Ý đã hơn 100 năm tuổi.


Miuccia và chồng bà là Patrizio Bertelli, Tổng Giám đốc Tập đoàn Prada, đều biết rõ Simons từ năm 2005 khi Simons còn làm việc ở Jil Sander, một nhãn hàng Đức sau đó trở thành một bộ phận thuộc đế chế Prada. Đó là một lợi thế cho sự kết hợp ăn ý sau này của bộ đôi nhà thiết kế, vốn đều yêu thích tính hiện đại và mới mẻ, nguyên bản trong phong cách thiết kế. Simons, một tín đồ lâu năm của Prada, từng nói rằng: “Lý do tôi mặc đồ Prada không chỉ vì tôi thích chúng mà còn bởi vì Miuccia có một tư tưởng mà tôi cảm thấy đồng điệu”. 


Không ai có thể phủ nhận tài năng của Simons. Vào năm 2005, Patrizio Bertelli đã giao cho Simons chỉ đạo các bộ sưu tập dành cho nữ và nam của Jil Sander trong nhiều năm trời và đã được hoan nghênh. Sau đó ông chỉ đạo bộ sưu tập nữ của Dior trong 3 năm và cũng đã gây được tiếng vang lớn. Những gì Simons đã làm cho Calvin Klein từ năm 2016-2018 cũng được sự đánh giá cao bởi giới phê bình. Thế nhưng, việc được khen ngợi và chào đón không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với doanh số bán cao. Đó chính là điều mà PVH, công ty mẹ của Calvin Klein, đã rút ra một cách thấm thía sau 2 năm Simons làm việc ở vai trò Giám đốc Sáng tạo. 


Bằng chứng là Calvin Klein đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu rất khiêm tốn trong suốt thời gian này, có thể thấy rõ nhất qua báo cáo kinh doanh quý III/2018 của PVH. Báo cáo chỉ ra mức tăng trưởng chung chỉ 2%, đạt 963 triệu USD trong mảng Calvin Klein, khiến CEO Emanuel Chirico không khỏi thất vọng khi cho biết “đã không thấy được mức sinh lời trên các khoản đầu tư của chúng tôi vào nhãn hàng Calvin Klein 205W39NYC”.  


Hơn nữa, lợi nhuận của Calvin Klein đã sụt giảm từ mức 142 triệu USD xuống còn 121 triệu USD trong cùng thời gian, cho thấy cả “các vấn đề về thiết kế lẫn việc tăng lên xấp xỉ 10 triệu USD chi phí marketing và sáng tạo”. Điều đó khiến Chirico lo ngại về 205W39NYC và dòng sản phẩm Calvin Klein Jeans được làm mới của Simons, vốn được Chirico cho rằng “quá cấp tiến và đi trước thời trang so với khách hàng cốt lõi của chúng tôi”. 

Có lẽ Simons không thể tạo nên ánh hào quang cho một nhãn hàng không phải thuộc hàng xa xỉ như Calvin Klein, nhưng quyền lực ngôi sao của ông có lẽ phù hợp hơn với không gian hào nhoáng ở Prada. Prada đã dành ra những mùa gần đây thu hút những khách hàng trẻ và giàu có như các ngôi sao nổi tiếng Pusha T, Kanye West và Jeff Goldblum. Vào cuối năm 2019, Prada thậm chí bắt tay với Adidas trong một thương vụ hợp tác gây tiếng vang, thu hút người mua trên StockX với những chiếc túi xách và giày đế mềm Superstar sang trọng, độc quyền. 

Một điều nữa là Miuccia, một người luôn tích cực trong các hoạt động vì quyền lợi của nữ giới, hay đưa sắc màu cuộc sống của người phụ nữ trở thành chủ đạo trong phong cách thiết kế của bà. Trong khi đó, Prada đang muốn đánh sâu vào dòng sản phẩm thời trang trẻ hiện đại dành cho nam giới, một phân khúc đang tăng trưởng. Và Simons có thể là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch này. Vì thế, sự kết hợp của cặp bài trùng Miuccia - Simons được kỳ vọng sẽ mang đến sự mới mẻ và trọn vẹn hơn cho những bộ sưu tập nam và nữ của Prada. 

Với doanh thu xấp xỉ 3,4 tỉ USD vào năm 2018, Prada đang sống khá dễ chịu. Tuy nhiên, danh tiếng và lượng fan trên toàn cầu của Simons có thể sẽ có ích cho Prada cũng như Miuccia, người đã 70 tuổi giữa những tin đồn nghỉ hưu (dù bà bác bỏ tin đồn này). 


Giống như Virgil Abloh đã làm được cho Louis Vuitton và Kim Jones cho Dior, một giám đốc sáng tạo mới có thể mang đến cái nhìn mới mẻ và những fan hâm mộ trẻ hơn cho Tập đoàn Prada, vốn cần phải làm mới mình sau khi đã gây dựng được sức ảnh hưởng, sự kính ngưỡng và sức bền tài chính suốt hơn 100 năm qua.

Nguồn ảnh và tin từ NHIPCAUDAUTU
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.436
Khách
: 181
 
Prada có cần Raf Simons? Rating: 5 out of 10 115798.
Core Version: 1.8.0.0