Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 13/12/2024

Đăng ký nhận tin

Những dấu ấn tự hào - 25 năm VITAS đồng hành cùng sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam

15/07/2024 09:36 SA

Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Phóng viên đã có buổi phỏng vấn Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS về chặng đường 25 năm phát triển của VITAS. 


1/ Thưa Ông Vũ Đức Giang, xin ông cho biết về các chặng đường phát triển của Hiệp hội Dệt May Việt Nam 

Ông Giang: Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) được thành lập ngày 16/7/1999, đến nay vừa tròn 25 năm. Quá trình phát triển của VITAS có thể tạm chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 – khoảng 5 năm đầu tiên kể từ 1999. Đây là giai đoạn mới hình thành, có khoảng hơn 150 doanh nghiệp (DN), nòng cốt là các DN thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và các DN lớn tại địa phương. Chủ yếu là DN nhà nước.  

Ngay từ những năm đầu thành lập, Lãnh đạo Hiệp hội đã có nhiều nỗ lực để kiện toàn bộ máy, xây dựng mô hình, cơ chế hoạt động. Hiệp hội đã xác định phương hướng hoạt động là nhằm phục vụ tốt nhất cho các hội viên, đã xây dựng các chương trình phát triển ngành dệt may. Đặc biệt, Hiệp hội phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức trong và ngoài nước trong việc kiến nghị để cải thiện môi trường SXKD cho các DN, cải cách thủ tục hành chính, vận động đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may tại Việt Nam.

Giai đoạn 2 - khoảng 10 năm tiếp theo: Đây là thời gian nền kinh tế VN bắt đầu hội nhập với kinh tế thế giới.  

  • Nhà nước tiến hành CPH các DN. Cơ cấu lại các mô hình DN. Có DN nhà nước chi phối, có DN nhà nước không chi phối hoặc không có phần vốn nhà nước.
  • VITAS đã mở rộng quy mô. Ngoài các DN dệt may còn có các DN tư nhân, DN thuộc các ngành dịch vụ khác. Hiệp hội đã tăng về số lượng hội viên cũng như các phương pháp, nội dung hoạt động.
  • Hiệp hội tham gia đóng góp ý kiến vào 1 số cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs). VITAS đã có nhiều nỗ lực trong việc  xúc tiến mở cửa thị trường xuất khẩu và chống các rào cản thương mại quốc tế, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, góp phần tích cực trong việc xây dựng và đưa thương hiệu dệt may Việt Nam tới các thị trường  trong và ngoài nước.

Cả 2 giai đoạn chúng ta nhận được sự hỗ trợ của Vinatex về cơ sở vật chất, văn phòng làm việc.

Giai đoạn 3 - hình thành và phát triển trong 10 năm qua. Việt Nam đã tham gia nhiều FTAs, trong đó 16 FTAs đã có hiệu lực. 

VITAS đưa ra những giải pháp chiến lược có tính đột phá. Đây là giai đoạn định hướng quan trọng của Hiệp hội. Chúng ta đã:  

  • Thay đổi phương thức kêu gọi đầu tư vào ngành dệt may VN. 
  • Mời gọi các DN FDI tham gia VITAS. Mời gọi DN các ngành khác nhau tham gia là hội viên như: Tài chính, Ngân hàng, Logistic, dịch vụ, DN với những sản phẩm khác biệt…
  • Mối quan hệ giữa VITAS với các tổ chức quốc tế có những thay đổi cơ bản. VITAS tham gia là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như: Liên đoàn Dệt May Đông Nam Á (AFTEX), Liên đoàn Thời trang Châu Á (AFF), Liên đoàn các nhà SX Sợi Dệt May QT (ITMF), Liên minh Dệt may bền vững (SAC)… VITAS hợp tác với nhiều các tổ chức quốc tế khác, Hiệp hội và Cơ quan Thương vụ của các nước để hỗ trợ DN dệt may và tạo điều kiện phát triển ngành dệt may VN.   
  • Tích cực trong công tác vận động chính sách. Các Cơ quan quản lý nhà nước từ TW đến địa phương đều lắng nghe ý kiến, kiến nghị, phản biện của VITAS về những chính sách tài khóa, tiền tệ, ngân hàng, thuế, lao động, tiền lương, đầu tư …, về những khó khăn, vướng mắc của DN. Qua đó thể hiện vị thế, tiếng nói của VITAS.
  • VITAS là thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, tham gia Tổ biên tập xây dựng Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” của Ban Kinh tế Trung ương, tham gia Ủy viên Ban chấp hành VCCI …
  • VITAS đã có những đóng góp quan trọng về xây dựng Chiến lược và những giải pháp phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.
  • Đã thực hiện tái cấu trúc lại mô hình Văn phòng của VITAS, tạo cơ sơ vật chất của Hiệp hội, có tài sản làm Văn phòng tại Hà Nội, TP. HCM nhờ các nguồn tiết kiệm cũng như sự hỗ trợ của một số DN hội viên.  


2/ Xin Ông cho biết những dấu ấn tự hào qua 25 năm VITAS đồng hành cùng sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam

Ông Giang: Những hoạt động của VITAS đã góp phần quan trọng trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam và đã tạo những dấu ấn tự hào trong suốt qua 25 năm qua. Đó là: 

1/ Tái cấu trúc mô hình hoạt động của HH. Đến nay thành viên chính thức và liên kết của VITAS đã lên tới gần 1000 DN. Ngoài các DN dệt may còn có nhiều DN trong các lĩnh vực khác tham gia là hội viên. 

2 Công tác hợp tác quốc tế đã được nâng lên tầm cao mới. Qua đó khẳng định vị thế, tầm vóc và tiếng nói của VITAS với các Tổ chức quốc tế, Cơ quan ngoại giao đoàn. 

3/ VITAS tham gia đóng góp vào những cơ chế, chính sách của Đảng và Chính phủ, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi hội viên, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo thuận lợi cho DN.

4/ Góp phần thúc đẩy tăng trưởng phát triển của ngành dệt may VN. Từ năm đầu tiên chỉ xuất khẩu được khoảng 1,75  tỷ USD, đến nay đạt 40 tỷ USD năm 2023 và dự báo sẽ hơn 40 tỷ USD năm 2024. 

5/ Về phát triển thương hiệu, nhãn hiệu: Chúng ta đã đóng góp nhiều giải pháp nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng loạt thương hiệu, nhãn hiệu dệt may Việt Nam đã có uy tín trên thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài. Doanh thu thị trường nội địa trung bình đạt trên 3 tỷ USD, có năm đạt trên 4 tỷ USD. 

6/ Chúng ta đã xây dựng được chiến lược kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt để đáp ứng những yêu cầu của các FTAs về xuất xứ nguyên liệu từ trong nước. Vấn đề này tạo điều kiện để tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu giảm theo từng năm.

7/ Vai trò nổi bật VITAS trong các giải pháp xây dựng liên kết chuỗi. Chúng ta đã triển khai hàng loạt những chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tổ chức các đoàn liên kết chuỗi để tăng cường gắn kết, hợp tác, học hỏi lẫn nhau về mô hình quản lý, mô hình công nghệ. Chúng ta tạo sân chơi, tiếng nói chung, qua đó tạo nền tảng Văn hóa dệt may. Các hoạt động xúc tiến thương mại tại hội chợ trong nước và nước ngoài đều chứng tỏ vị thế, uy tín của VITAS. Chúng ta có tiếng nói quan trọng trong các Hiệp hội ngành hàng, tham gia Ban 5 - nhóm các Hiệp hội ngành hàng, đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. 

8/ Phối hợp với các ban, ngành, tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai các chương trình Chiến lược xanh hóa ngành dệt may, phát triển bền vững, sử dụng nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường.         

9/ Thúc đẩy tái cấu trúc mô hình DN – định hướng phát triển thị trường quốc tế, phát triển công nghiệp thời trang, khát vọng đưa thương hiệu thời trang Việt Nam ra toàn cầu.

10/ Đã tái cấu trúc mô hình Văn phòng VITAS, lựa chọn, đào tạo những cán bộ có trình độ, bản lĩnh, trí tuệ, tận tâm, tận tụy để phục vụ hội viên Hiệp hội, thể hiện uy tín của VITAS với cộng đồng các DN, với Tổ chức quốc tế và các Cơ quan quản lý nhà nước.   

Đó là những thành công, những dấu ấn nổi bật qua 25 năm VITAS đồng hành cùng sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam.


3/ Xin Ông cho biết những định hướng phát triển của ngành Dệt May VN trong thời gian tới.

Ông Giang: Các thành tựu, kinh nghiệm trong 25 năm qua là cơ sở để VITAS tiếp tục phát huy trong những chặng đường sắp tới. Chiến lược phát triển trong 5 – 10 năm tới đối với ngành dệt may VN là: 

1/ VITAS tiếp tục xây dựng chiến lược kêu gọi đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt để giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu.

2/ Đưa ra những giải pháp đối với chiến lược mua hàng, các rào cản của những nước nhập khẩu để hạn chế những rủi ro cho DN. 

3/ Tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa đối tác, khách hàng để không quá phụ thuộc vào 1 số thị trường, 1 số khách hàng nhất định.

4/ Xây dựng tầm nhìn, khát vọng chuyển đổi nhanh ngành công nghiệp thời trang Việt Nam có thương hiệu riêng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VITAS. Đó là đến năm 2030 – 2035 ngành Dệt may VN phải có 30 thương hiệu lớn, có ảnh hưởng trên thị trường thương mại toàn cầu.

5/ Tích cực chuyển đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất từ CMT sang FOB, ODM và tiến tới OBM. 

6/ Xây dựng giải pháp chiến lược về nền công nghiệp dệt may tự động hóa, robot hóa, quản trị số, trên cơ sở minh bạch hóa hoạt động của ngành, dệt may VN. Đó là ngành dệt may có sự chủ động nguồn nguyên liệu, chủ động nguồn lực quản trị có năng lực, theo kịp xu thế CMCN 4.0.

7/ Xây dựng mối quan hệ toàn cầu, chủ động bước đi, tránh những rủi ro, thương mại không bền vững, đáp ứng những đòi hỏi của các FTAs về sử dụng sản phẩm tái chế, recycle, sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xanh hóa toàn diện, tiết kiệm các nguồn nguyên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, biomass, giảm thiểu và loại bỏ việc đốt nồi hơi bằng dầu, củi, than. Đáp ứng theo cam kết của Chính phủ về giảm thiểu phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

8/ Xây dựng giải pháp liên kết chuỗi chặt chẽ hơn, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm với nhau hiệu quả. Văn phòng VITAS là trụ cột trong thực hiện các giải pháp liên kết chuỗi. 

9/ Tích cực tham vấn với Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước về hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Củng cố mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ DN và chủ động xử lý giải quyết các vấn đề xảy ra nếu có trong quá trình hội nhập.

10/ Tiếp tục tái cấu trúc nguồn lực Văn phòng VITAS để thích ứng với sự phát triển trong thời gian tới: 

  • Tái cấu trúc về chiến lược, tầm nhìn, hình ảnh nhận diện, màu sắc của Hiệp hội với các Tổ chức quốc tế, để khi CB Hiệp hội làm việc và có tiếng nói với các đối tác Tổ chức quốc tế - đó là vị thế, uy tín, hình ảnh của Hiệp hội trên thị trường dệt may toàn cầu.
  • Xây dựng Văn phòng VITAS năng động, sáng tạo, tận tâm, tận tụy, lắng nghe và chuyển tải những mong muốn của DN, Hiệp hội đến các Tổ chức quốc tế, nhãn hàng, người mua hàng, đến các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.
  • Đóng góp tích cực trong triển khai Chương trình của Đảng và Nhà nước về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình sử dụng sản phẩm do DN dệt may VN sản xuất, làm tốt công tác truyền thông đánh giá và nhận diện của ngành dệt may VN để công tác này đạt được hiệu quả cho DN. 
  • Đóng góp vào sự minh bạch, tạo vị thế và tầm của VITAS trong liên kết hợp tác các hiệp hội ngành hàng trong nước và quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho phép tôi thay mặt BCH, Ban thường trực Hiệp hội xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới: 

  • Các Cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành ở TW và địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các Tổ chức quốc tế luôn lắng nghe, hỗ trợ, ủng hộ và tạo điều kiện để Hiệp hội Dệt May Việt Nam hoàn thành xuất sắc các mục tiêu trong chặng đường 25 năm qua.
  • Các cơ quan truyền thông, báo chí đã luôn luôn đồng hành, động viên, thấu hiểu, chia sẻ và  khích lệ với cộng đồng các DN, người lao động, đặc biệt truyền thông các nhãn hiệu, thương hiệu ngành dệt may Việt Nam đến người tiêu dùng.  
  • Cho tôi gửi lời cảm ơn đến những người lao động, các vị Chủ tịch, TGĐ, cộng đồng các DN đã nỗ lực phát triển, vượt qua thách thức đại dịch covid 19, vượt qua những yêu cầu, những đòi hỏi khắt khe, tiêu chuẩn kép của các nước nhập khẩu để đạt được những kết quả xuất khẩu trong chặng đường vừa qua, đặc biệt là 10 năm, 5 năm gần đây.
  • Cám ơn các vị lãnh đạo tiền nhiệm VITAS, các vị Uỷ viên BCH, Phó Chủ tịch, anh chị em cán bộ chuyên viên Văn phòng VITAS đã thể hiện vai trò là hạt nhân, chung sức, đồng lòng làm tốt công việc của mình để Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ngành Dệt May Việt Nam có 1 vị thế quan trọng như ngày hôm nay.
  • Cám ơn những người tiêu dùng trong nước, người tiêu dùng trên toàn cầu đã sử dụng, ủng hộ những sản phẩm của người lao động ngành Dệt May Việt Nam làm ra.

Tôi mong rằng chặng đường 10 – 20 năm tới chúng ta cùng chung tay với khát vọng đưa ngành Dệt May Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 100 – 150 tỷ USD.

Tôi mong rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục phát huy và kế thừa những thành quả và truyền thống mà thế hệ ngày hôm qua và hôm nay đã làm được. Mong rằng thế hệ trẻ trong 5 – 10 năm, 15 – 20 năm tới sẽ làm tốt hơn thế hệ chúng tôi hôm nay. Các bạn là những nhân tố mà chúng tôi mong muốn chuyển giao, trong đó đặc biệt là các vị Phó Chủ tịch trẻ để nhận chuyển giao trong nhiệm vụ, vai trò của VITAS nhằm tiếp tục khẳng định vị thế, cái tầm, cái tâm và uy tín của Hiệp hội, tiếp tục khẳng định vì một nền công nghiệp dệt may phát triển bền vững, minh bạch với khát vọng đưa thương hiệu Dệt May Việt Nam ra toàn cầu, hội nhập. 

Xin trân trọng cảm ơn Ông.

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.437.308
Khách
: 409
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0