Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Hơn 150 người tham dự hội thảo “Giải pháp Chuyển đổi số cho thách thức về nguồn nhân lực ngành Dệt May”

01/08/2022 01:56 CH
Sáng ngày 28/07/2022, tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn - SECC, TP. HCM, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Tập đoàn Digital (NOVAON) tổ chức hội thảo với chủ đề: Giải pháp Chuyển đổi số cho thách thức về nguồn nhân lực ngành Dệt May. Hơn 150 người đại diện cho các doanh nghiệp dệt may, trường đào tạo, viện nghiên cứu, nhãn hàng, các đơn vị tham gia triển lãm … đã tham dự hội thảo. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ SAIGONTEX & SAIGONFABRIC 2022.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS

Khái quát về ngành dệt may VN, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS cho biết tổng kim ngạch XK hàng dệt may của Việt Nam năm 2021 đạt 40,45 tỷ USD, tăng 15,36% so với cùng kỳ năm 2020; Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Về xu thế trong ngành dệt may, bà Mai nhấn mạnh, việc triển khai chương trình “Xanh hóa ngành dệt may VN” với sự tham gia của các thương hiệu may mặc toàn cầu đã đặt ngành dệt may VN trước những thách thức mới. Để có thể giữ được đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, DN phải đáp ứng sự minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ; nguyên liệu sản xuất phải nội địa hóa; phải tuân thủ các cam kết về lao động và môi trường trong FTAs. Doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo 3 yếu tố gồm 3 chữ P: People (con người) – Planet (hành tinh) – Profit (lợi nhuận), giống như kiềng 3 chân. Theo Bà Mai, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện tăng sự minh bạch & hiệu quả trong hệ thống quản trị, tăng sự kết nối giữa các phòng, ban, đơn vị trong DN, tối ưu hóa năng suất nhân viên, gia tăng chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.

 

Ông Nguyễn Minh Quý – CEO/Founder Tập đoàn Digital NOVAON phát biểu

Giới thiệu tóm tắt về Tập đoàn Digital NOVAON, Ông Nguyễn Minh Quý – CEO/Founder Tập đoàn cho biết, NOVAON hoạt động chủ yếu ở 3 lĩnh vực Quảng cáo trực tuyến (Digital Marketing), Thương mại điện tử (Ecommerce), Chuyển đổi số (Digital Transformation (DX)). Tập đoàn NOVAON hiện tại đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực Digital tại Việt Nam; thị phần digital marketing số 1 Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, phục vụ hơn 95.000 khách hàng, đối tác cao cấp của Google tại ĐNÁ, đối tác ưu tiên của Facebook, TikTok và Alibaba. Hiện nay, NOVAON có 10 đơn vị thành viên và hơn 800 nhân sự tại tại 7 quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Ấn Độ. Theo khảo sát của Novaon cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn chưa áp dụng công nghệ trong quản trị nguồn nhân lực, chủ yếu vẫn sử dụng Excel. 85% doanh nghiệp chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu và gặp khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị triển khai. 81% doanh nghiệp trong ngành dệt may mong muốn tăng hiệu suất và độ hài lòng nhân viên, giảm chi phí quản lý. Trước bài toán về quản trị nguồn nhân lực, Ông Quý đã giới thiệu những giải pháp của NOVAON để áp dụng trong các DN dệt may. Lãnh đạo NOVAON cho biết, các giải pháp này tạo điều kiện quản lý công, lương minh bạch, chính xác; Quản trị con người và phát  triển đội ngũ; Gia tăng trải nghiệm của nhân sự; Tăng hiệu suất nhân viên.   

 

Các diễn giả giải đáp câu hỏi của đại biểu

Đại biểu tham dự hội thảo cũng được nghe Ông Lưu Tiến Chung – Phó Chủ tịch VITAS/TGĐ Công ty CP Tổng Công ty May Bắc Giang chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế áp dụng chuyển đổi số trong quản trị nhân sự tại doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp và diễn giả cũng trao đổi về những khó khăn, thuận lợi khi áp dụng các giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất và quản trị doanh nghiệp.

Các chuyên gia và đại biểu đều thống nhất rằng, chuyển đổi số trong ngành dệt may là giải pháp thay đổi hoàn toàn cục diện và nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu cho các DN. Doanh nghiệp dệt may cần có tầm nhìn, có chiến lược về chuyển đổi số, tập trung đào tạo nguồn nhân lực ... để vừa giải bài toán thiếu hụt lao động, vừa thích ứng được với yêu cầu đa dạng của nhãn hàng và đáp ứng những yêu cầu của các FTAs.

 

Toàn cảnh hội thảo

Trong bối cảnh hiện nay, các đại biểu cũng mong muốn có hệ thống dữ liệu ngành, lĩnh vực để tạo nguồn tài nguyên chung cho các doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Về phía doanh nghiệp, cũng phải xây dựng giải pháp, công cụ tìm kiếm thông tin và tăng cường khả năng phân tích dữ liệu phù hợp với lĩnh vực đang hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho mỗi doanh nghiệp cũng như toàn ngành dệt may phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Nguyễn Bình - VITAS  

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.397
Khách
: 141
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0