Chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm các phiên thảo luận quan trọng về các chủ đề từ Tình trạng nâng hạng, thoát khỏi danh sách các Quốc gia kém phát triển (LDC) & Mô hình kinh doanh đang thay đổi; đến Xu hướng trong thẩm định chuyên sâu, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính bền vững và hợp tác khu vực trong việc thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới của ngành.
Ông Albert Tan, Chủ tịch AFTEX phát biểu
Phát biểu khai mạc, Ông Albert Tan, Chủ tịch AFTEX đương nhiệm, từ TAFTAC (Cambodia) cho biết, khu vực ASEAN và châu Á nói chung đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong thị trường dệt may toàn cầu. Theo số liệu từ báo cáo Thị trường Dệt May Châu Á - Thái Bình Dương, quy mô thị trường của ngành dệt may ở Châu Á dự kiến khoảng 390 tỷ USD (2024) và ngành này ước tính sẽ đạt mức đáng kinh ngạc là 443 tỷ USD (2029), tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 443 tỷ USD; tăng 2,55% từ năm 2024. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy ngành dệt may đã phải trải qua nhiều thách thức.
Hội nghị đã được nghe tham luận và chia sẻ của các Ông/Bà đại diện Hiệp hội Dệt May các nước thành viên STAR và AFTEX. Các bài phát biểu đề cập đến những chủ đề như: Những nỗ lực hợp tác nhằm định hình một tương lai bền vững cho ngành dệt may; Bối cảnh phát triển của ngành dệt may, nhu cầu thích ứng và phục hồi trước động lực thương mại đang thay đổi và việc tự động hóa ngành ngày càng tăng; Xu hướng trong Thẩm định chuỗi cung ứng (Due Diligence), sự chuẩn bị để đáp ứng luật mới về Thẩm định Quyền con người & Môi rường trong chuỗi cung ứng (HREDD); Sự phát triển theo hướng bền vững của ngành dệt may; Các sáng kiến của STAR, giải quyết những vấn đề như sự mệt mỏi trong kiểm toán và việc sử dụng năng lượng tái tạo,với sự tham gia của các nhà cung cấp để cùng nhau tạo ra các tác động tích cực.
Tham luận tại Hội nghị, Bà Mai đã khái quát tình hình ngành dệt may Việt Nam, những thách thức, cơ hội và định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới với khung phát triển bền vững là Chiến lược phát triển ngành Dệt May & Da Giày Việt Nam mà Chính phủ đã ban hành cuối năm 2022. Bà Mai cũng đã nêu bật nhưng hoạt động của VITAS theo hướng phát triển bền vững; đánh giá cao sức mạnh của khối hợp tác công tư – VITAS đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức Quốc tế trong các dự án phát triển bền vững…
Đại diện các nước thành viên STAR tham dự hội nghị
Mạng lưới STAR, được thành lập vào năm 2016 với sự hỗ trợ từ dự án FABRIC của GIZ, là một mạng lưới liên châu Á bao gồm 9 hiệp hội sản xuất hàng may mặc hàng đầu từ 6 quốc gia. Gián tiếp thông qua các thành viên, tổ chức này đại diện cho hơn 35.000 nhà sản xuất và ủng hộ sản xuất dệt may bền vững, thúc đẩy đối thoại, xây dựng niềm tin và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trên toàn khu vực.
AFTEX, được thành lập vào năm 1977 và được hợp nhất với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2011, là tổ chức chủ chốt trong lĩnh vực dệt may ASEAN; tập hợp các hiệp hội dệt may từ 10 quốc gia ASEAN. Mục tiêu cốt lõi của AFTEX bao gồm thúc đẩy ngành dệt may khu vực trên toàn cầu, tạo điều kiện hợp tác giữa các bên tham gia ASEAN và hài hòa các tiêu chuẩn để tăng cường tiếng nói chung của ngành trên trường quốc tế.
Đại biểu các nước thành viên AFTEX và STAR tham dự hội nghị
Các thành viên AFTEX và STAR cùng nhau đại diện cho hơn 60% khối lượng xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu. Với sự hỗ trợ của GIZ FABRIC, Hội nghị thượng đỉnh này là lần đầu tiên hai tổ chức khu vực cùng nhau tổ chức một sự kiện với hy vọng sẽ dẫn đến sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh đã thông qua lời kêu gọi hành động, nêu bật tác động tập thể mà các nhà cung cấp có thể đạt được bằng cách cùng nhau lên tiếng. Các đại biểu đều tin tưởng rằng trong tương lai, có thể đạt được cách tiếp cận hợp tác hơn giữa các quốc gia mua hàng, các thương hiệu quốc tế và những nhà sản xuất và cung cấp hàng may mặc nhằm lấp đầy các cửa hàng bán lẻ trên thế giới./.
Bài viết dựa theo thông cáo báo chí của GIZ