Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Tư, 24/04/2024

Đăng ký nhận tin

Dệt may vào TPP: Doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi hết

26/05/2016 01:21 CH

Một sản phẩm may mặc bán trên thị trường giá 100 USD nhưng chi phí sản xuất nhân công… chỉ được thanh toán chưa đầy 2 USD.

Lâu nay, dệt may vẫn được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy nhiên những người trong ngành đều khẳng định, nếu dệt may không thay đổi thì TPP không phải phép nhiệm màu.

Không ít chuyên gia lại đặt ra những câu hỏi và cảnh báo: Liệu dệt may Việt Nam và thương hiệu dệt may Việt Nam có thể xây dựng được chỗ đứng và vị thế trên thị trường, khi mà đa phần là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ làm gia công cho hãng ngoại và hưởng từng đồng nhỏ trong chuỗi giá trị.

 

Doanh nghiệp dệt may chỉ được hưởng một phần rất nhỏ bởi chỉ làm gia công cho nước ngoài

Báo Người lao động dẫn lời ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Điều hành Công ty VIETGO là đơn vị chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cho biết đã có nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… tràn sang Việt Nam, không chỉ hưởng phần nhiều lợi ích trong chuỗi sản xuất dệt may mà còn có ý đồ “thâu tóm”, quản lý chuỗi dệt may của các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam.

Vị này dẫn chứng, một sản phẩm có thương hiệu dệt may, bán trên thị trường là 100 USD nhưng thực chất chi phí sản xuất nhân công… có khi chỉ được thanh toán chưa đầy 2 USD. Phần hưởng lợi lớn, rơi vào các công ty may của Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và các nhà thầu trung gian…

Lý giải về sự chênh lệch này, ông Việt cho rằng là do những người sản xuất tập trung nhiều tại các khu công nghiệp ở Việt Nam, chủ yếu nhiều xưởng may hoạt động đơn giản và chỉ đợi đơn đặt hàng gửi tới, làm theo mẫu của các công ty trung gian mà chưa thể đáp ứng đơn hàng có yêu cầu cao hơn.

“Cũng do không có khả năng đáp ứng tất cả các khâu, mà chỉ làm thành phẩm – tức là gia công trên cơ sở nguyên phụ liệu có sẵn, nên thường bị “ép” giá khi làm thành phầm và cũng không thể nhận được các đơn hàng lớn trực tiếp từ các hãng mà chỉ làm hàng nhỏ lẻ”, ông Việt phân tích.

Một điểm đáng chú ý được vị chuyên gia trên cho biết nhiều trường hợp doanh nghiệp gia công của Việt Nam không những yếu thế trong sản xuất, mà còn không chịu thay đổi khiến cho các nhà thầu, nhà đặt hàng “quay lưng” với doanh nghiệp.

"Ngành dệt may đang bị “chảy máu”. Dẫn chứng, với kim ngạch xuất khẩu được 2 tỷ USD thì có thể doanh nghiệp được lợi nhuận chỉ là 200 triệu USD. Lẽ ra, các doanh nghiệp có thể được nhiều hơn, nếu biết thay đổi về chất lượng, thì sẽ nâng cao thu nhập lên rất nhiều”, ông Việt nói.

Bàn về năng lực của dệt may Việt Nam, trong một lần trao đổi với Đất Việt vào năm 2014, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới đã chia sẻ câu chuyện kinh doanh của gia đình ông: "Gia đình tôi bán phụ liệu may. Có người đến hỏi mua những miếng nhôm để đính hai chiếc tất lại với nhau. Tôi bảo muốn đặt làm thì tôi chịu, phải đợi tôi đặt mua từ Trung Quốc về. Việt Nam có nhiều thứ làm được nhưng lại không thể làm được thứ này. Muốn làm, phải sử dụng máy dập cóc bằng tay dập từng cái một. Trong khi đó, Trung Quốc đưa cả một tấm nhôm vào dùng máy thủy lực dập mỗi lần ra hàng nghìn miếng giá rất rẻ.

Ngay cả miếng nhựa để kẹp áo sơ mi tôi cũng phải nhập của Trung Quốc. Trung Quốc bán 7 đồng/miếng, còn Việt Nam đi đặt phải mất tới 42 đồng/miếng, cũng lại dùng máy dập cóc dập cho rơi ra từng miếng một".

Chính vì thế, theo ông Sơn, nếu trước đây ai đó từng nói Việt Nam có thể tự công nghiệp hóa được thì đã sai lầm bởi ngay đến miếng kẹp tất, kẹp áo còn không làm nổi thì làm sao có thể công nghiệp hóa.

Nguồn: Minh Thái/Báo Đất Việt

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.116.769
Khách
: 583
 
Dệt may vào TPP: Doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi hết Rating: 5 out of 10 68078.
Core Version: 1.8.0.0