Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Ban Tổ chức đã dành thời gian chiều 24/05/2022 để trao đổi về thương mại trong ngành dệt may và chiều 25/05/2022 tìm hiểu về đầu tư dệt may giữa hai nước.
Đại sứ Azerbaijan - Ngài Anar Imanov phát biểu
Phát biểu tại Diễn đàn, ngài Anar Imanov – Đai sứ Đặc mệnh toàn quyền CH Azerbaijan cho biết, Việt Nam và Azerbaijan có mối quan hệ gắn bó từ lâu. Hiện nay sự hợp tác về thương mại và đầu tư giữa 2 nước là chưa nhiều. Nhiệm vụ của chúng ta là thúc đẩy sự hợp tác giữa 2 bên. Ngành dệt may VN đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của VN. VN nằm trong top đầu các nước XK dệt may. VN nhập khẩu nhiều bông nguyên liệu và vải bông, trong khi đó Azerbaijan lại xuất khẩu các sản phẩm này. Hiện nay chi phí để vận chuyển hàng hóa sang EU tăng cao. Nếu doanh nghiệp VN đầu tư nhà máy sản xuất tại Azerbaijan thì hàng hóa xuất phát từ Azerbaijan đi EU, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ … sẽ rất thuận lợi và tiết kiệm được nhiều chi phí. Tại Diễn đàn này, chúng ta trao đổi về hiện trạng ngành dệt may và tìm kiếm các cơ hội để phát triển hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực dệt may.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu.
Khái quát tình hình ngành dệt may VN, Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, ngành dệt may VN trong 4 tháng đầu năm đã XK được 15 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu năm 2022 dự kiến đạt 37 - 38 tỷ USD và đến năm 2030 khoảng từ 100 – 120 tỷ USD. Ngành dệt may VN có 5 thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. VN đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do. Đây là các hiệp định có tính chiến lược tạo điều kiện cho sản xuất, xuất khẩu và đầu tư dệt may VN bứt phá. Hiện VN đứng hàng thứ 2 sau Trung Quốc về xuất khẩu dệt may. Ngành dệt may VN đang thực hiện chiến lược xanh hóa và phát triển bền vững, sử dụng sản phẩm tái chế. Sau khi đề cập những cơ hội và thách thức đối với ngành, Ông Giang nêu các giải pháp trong tầm nhìn phát triển của ngành dệt may VN. Đó là: tìm đối tác sản xuất bông xơ ổn định; Doanh nghiệp VN xúc tiến đầu tư ra bên ngoài lãnh thổ VN, trong đó có Azerbaijan và thứ ba là thúc đẩy để VN và Azerbaijan có hiệp định thương mại tự do nhằm tạo lực hút cho các doanh nghiệp VN đầu tư vào Azerbaijan. Đánh giá cao vai trò của ngài Đại sứ Azerbaijan trong việc tổ chức Diễn đàn và thúc đẩy hợp tác, Ông Giang cho rằng cần có định hướng giữa 2 Chính phủ, trong đó vai trò quan trọng của Bộ Công thương và Hiệp hội để báo cáo với Chính phủ về những vấn đề cụ thể trong hợp tác giữa 2 nước, đặc biệt là phương thức mua bán và đồng tiền thanh toán.
Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng vụ Thị trường Âu Mỹ.
Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng vụ Thị trường Âu Mỹ, Bộ Công thương cho rằng Diễn đàn là một hoạt động quan trọng trong bối cảnh 2 nước chuẩn bị cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật vào tháng 7/2022. Mối quan hệ về chính trị, ngoại giao 2 nước đang phát triển tốt đẹp và ngày càng đa dạng. Kim ngạch XK 2 chiều tăng trưởng tích cực trong thời gian gần đây và đạt 200 tr USD/ năm. Tuy nhiên, khối lượng hợp tác giữa 2 nước còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng của 2 bên. Ông Linh đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp 2 nước đẩy mạnh hoạt động giao lưu xúc tiến thương mại và đầu tư, tìm kiếm xây dựng các mối quan hệ đối tác, mô hình hợp tác kinh doanh mới, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, góp phần tăng cường về thương mại và đầu tư giữa 2 quốc gia.
Các đại diện phía Azerbaijan phát biểu
Các đại biểu đã nghe đại diện của AZPROMO, Hiệp hội SX và XK dệt may, Cơ quan PT các khu Kinh tế Azerbaijan, cũng như đại diện doanh nghiệp của Azerbaijan giới thiệu tiềm năng, đặc điểm, định hướng và những ưu thế của Azerbaijan để phát triển thương mại cũng như đầu tư sản xuất dệt may tại Azerbaijan.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS cho biết, hiện tại tỷ trọng XNK dệt may giữa VN và Azerbaijan gần như bằng không. Azerbaijan là nước SX bông, có cơ hội xúc tiến vào VN. Bà Mai đề xuất với phía Azerbaijan nên có kế hoạch nhập khẩu quần áo từ VN, xúc tiến đầu tư vào các dự án xanh và phát triển bền vững tại VN, đồng thời bày tỏ mong muốn 2 nước có hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy giao thương.
Đại diện doanh nghiệp VN, Ông Nguyễn Văn Kiểm cũng giới thiệu những đặc điểm và ưu thế của khu công nghiệp Bảo Minh tỉnh Nam Định, đặc biệt là xây dựng KCN theo hướng xanh, sạch, bảo vệ môi trường, người lao động và phát triển bền vững. Đại diện các doanh nghiệp VN cũng tìm hiểu và trao đổi thêm về sản lượng bông, phương thức mua bán, thanh toán đối với bông nguyên liệu cũng như các sản phẩm dệt may khác, thông tin về quy định của pháp luật về đầu tư, lao động, các biểu giá thuê đất, điện, nước cấp, nước thải, quy trình cấp phép và hoạt động của doanh nghiệp FDI ở những KCN tại Azerbaijan.
Toàn cảnh diễn đàn trực tuyến hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Azerbaijan
Phía Azerbaijan cho biết, những bài phát biểu của Hiệp hội và doanh nghiệp VN là những kinh nghiệm quý giá, đặc biệt là chiến lược xanh hóa và phát triển bền vững của ngành dệt may VN. Đại sứ Azerbaijan đề xuất thành lập kênh trao đổi giữa VITAS và AZPROMO để kết nối. Về kế hoạch trong thời gian tới, phía Azerbaijan sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp sang VN vào tháng 7/2022 để gặp gỡ doanh nghiệp VN và chuẩn bị cho hội nghị Ủy ban liên Chính phủ. Đồng thời mời phía VN cử đoàn doanh nghiệp sang Azerbaijan vào tháng 9/2022 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước để tìm hiểu và trao đổi những nội dung cụ thể về hợp tác và đầu tư.