Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Hơn 170 đại biểu tham dự hội thảo Chuỗi cung ứng bông bền vững tại TP HCM

23/06/2022 04:06 CH
Ngày 21/06/2022, tại tòa nhà Landmark 81, TP. HCM, Hiêp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề Chuỗi cung ứng bông bền vững.
Hơn 170 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp kéo sợi, dệt, nhuộm, may và các nhãn hàng… đã tham dự hội thảo.

Hội thảo nhằm kết nối các doanh nghiệp dệt may cũng như các nhãn hàng với mục đích đẩy mạnh việc sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững và minh bạch, đáp ứng yêu cầu xác minh thành quả phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng của các nhãn hàng. 

 

Ông Benjamin Petlock - Tùy viên nông nghiệp cao cấp Tổng LSQ Hoa Kỳ tại TP. HCM phát biểu chào mừng

Ông Benjamin Petlock - Tùy viên nông nghiệp cao cấp Tổng LSQ Hoa Kỳ tại TP. HCM chia sẻ, trong hai năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản của Hoa Kỳ. Việt Nam là thị trường tiêu thụ bông Hoa Kỳ lớn thứ 2 trên toàn thế giới. Về "Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ" (UFLPA) của Hoa Kỳ bắt đầu thực thi từ 21/6, Ông Benjamin Petlock cho biết, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đã có phát hành hướng dẫn hoạt động ban đầu đối với đạo luật này dành cho các nhà nhập khẩu vào ngày 3/6/2022. Cần tải xuống từ trang web của cơ quan này để tìm hiểu và đảm bảo rằng hiểu đúng những quy định này. Tính minh bạch, tính bền vững quan trọng hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng, giá cả mà còn quan tâm thành phần liên quan đến môi trường trước khi mua sản phẩm. Tính bền vững và các điều kiện an toàn cho người lao động là yếu tố quan trọng trong các quy định mua hàng. Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam và TLSQ Hoa Kỳ tại TP HCM cam kết cộng tác phối hợp cùng các đối tác Chính phủ và ngành của Hoa Kỳ và Việt Nam để giải quyết những vấn đề quan trọng và xác lập thương mại song phương minh bạch, công bằng và cùng có lợi.

 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng rất ấn tượng đối với ngành dệt may trong bối cảnh vừa trải qua gia đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19 kéo dài cũng như đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu. 

Ông Giang chia sẻ, Việt Nam đã có 15 hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, trong đó, một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ như Hiệp định CPTPP đã thúc đẩy ngành công nghiệp sợi trong nước phát triển vượt bậc trong 5 năm trở lại đây. Từ một nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu sợi nhập khẩu, năm 2021 Việt Nam đã xuất khẩu sợi được 5,6 tỷ USD, riêng 6 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu sợi dự kiến đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Ngành sợi Việt Nam phát triển mạnh nhờ áp dụng công nghệ tự động hoá, đầu tư thiết bị hiện đại, sử dụng mô hình quản trị số. Công nghiệp kéo sợi cũng đi đầu trong trong chiến lược phát triển đa dạng hoá thị trường, giảm mức độ lệ thuộc cho nguyên liệu đầu vào của ngành dệt. Ngành dệt may Việt Nam cũng đang triển khai chiến lược về xanh hoá, phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nước…, nhờ đó đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế.

Liên quan đến "Đạo luật UFLPA của Hoa Kỳ, theo Ông Giang, các nhãn hàng sẽ phải dừng các đơn hàng có nguồn gốc vải từ bông Tân Cương (Trung Quốc) vì các dòng vải, sợi có xuất xứ từ nơi đây sẽ không thể được mua bán vào thị trường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp Việt Nam bị dừng đơn hàng. Các doanh nghiệp phải theo dõi sát tình hình diễn biến của đạo luật này được áp dụng vào các điều khoản nào trong tình hình hiện nay về nguồn gốc xuất xứ từ bông, sợi, dệt nhuộm để tránh bị thiệt hại khi ký hợp đồng mua nguyên liệu. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ với các nhãn hàng về việc mua nguyên liệu trong trường hợp các nhãn hàng chỉ định cụ thể nơi mua nguyên liệu cho doanh nghiệp. Đối với với những trường hợp doanh nghiệp chủ động mua nguyên liệu thì cần cẩn trọng.


Lãnh đạo VITAS dự báo, nửa cuối năm 2022 thị trường thế giới sẽ có những biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may. Tình hình lạm phát mạnh tại Hoa Kỳ và châu Âu sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý III và quý IV. Xung đột 
Nga – Ukraine chưa có hồi kết, trong khi giá xăng dầu, chi phí vận tải biển liên tục tăng khiến chi phí sản xuất tăng cao… Đó là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Những yếu tố trên có thể khiến cho mục tiêu xuất khẩu 42 – 43 tỷ USD của ngành dệt may Việt Nam trở nên khó khăn hơn.



 

Ông Võ Mạnh Hùng – Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) tại Việt Nam phát biểu

Về Chương trình bông bền vững US Cotton Trust (USCTP), Ông Võ Mạnh Hùng – Đại diện Cotton USA chia sẻ, Hiệp hội Bông Hoa Kỳ đã xây dựng Chương trình USCTP và sau hơn một năm triển khai, đã có hơn 40 nhãn hàng và trên 600 nhà máy trên toàn thế giới tham gia chương trình. Theo tiến độ hiện tại, chương trình dự kiến sẽ đón chào thêm rất nhiều thành viên nữa trong năm 2022 khi các nhãn hàng đã hoàn thành các chương trình chạy thử nghiệm. 

 


Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch VITAS phát biểu


Các đại biểu cũng đã được nghe: Bà Agata Smeets – GĐ toàn cầu về bền vững, nhãn hàng GAP chia sẻ về lựa chọn nguyên liệu cho phát triển bền vững; Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch VITAS/ Chủ tịch Công ty CP Dệt May ĐT – TM Thành Công trình bày về Định hướng phát triển chuỗi liên kết bông bền vững cho ngành dệt may Việt Nam. Đồng thời, đại biểu tham gia hội thảo cũng được tham quan, nghiên cứu sản phẩm dệt may tại khu trưng bày của các doanh nghiệp dệt may là thành viên USCTP.

 


Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp – thành viên USCTP


Đại diện các doanh nghiệp, nhãn hàng cùng các diễn giả đã trao đổi, chia sẻ làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến chuỗi cung ứng bông, những lợi ích khi tham gia USCTP, ý nghĩa của tính bền vững và minh bạch đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, những nội dung cần chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các nhãn hàng, đặc biệt là trở thành thành viên của US Cotton Trust Protocol.

 


Các diễn giả trả lời câu hỏi của đại biểu

Các đại biểu cũng đã đề cập nhiều những giải pháp để tăng cường gắn kết trong chuỗi cung ứng, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm dệt may với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, gia tăng xuất khẩu vào các thị trường như Hoa Kỳ, EU và các thị trường lớn khác, tao điều kiện nâng cao năng lực và uy tín cho các doanh nghiệp dệt may, góp phần thực hiện các cam kết trong những FTA thế hệ mới và xây dựng một Thương hiệu Dệt May Việt Nam bền vững trên thị trường quốc tế.

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.810
Khách
: 1.137
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0