Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 13/12/2024

Đăng ký nhận tin

VITAS và Better Work Việt Nam tổ chức Họp định kỳ tại TP. HCM

24/06/2024 01:40 CH
Ngày 20/06/2024 tại TP. HCM, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Chương trình Better Work Việt Nam (BWV) đã tổ chức buổi họp định kỳ với mục đích cập nhật tình hình hoạt động của các bên, thảo luận về chuỗi cung ứng ngành dệt may toàn cầu, các cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam; cũng như trao đổi về các khả năng phối hợp giữa VITAS, BWV và các doanh nghiệp sản xuất trong việc thúc đẩy ngành dệt may vượt qua các thách thức và nắm bắt cơ hội để tiếp tục phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết, trong nhiều năm qua, VITAS và Chương trình BWV đã cùng đồng hành và phối hợp trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may nói riêng và ngành Dệt may nói chung với mục tiêu tăng tính cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp và ngành. Năm 2024, sức mua hàng may mặc trên thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng, tình hình đơn hàng có khá lên. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm 2024 là 15,8 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn tiếp tục đối diện với không ít những khó khăn, thách thức mới từ căng thẳng địa chính trị, hàng rào kỹ thuật, chi phí đầu vào, rủi ro lãi suất, môi trường SXKD biến động, thiếu hụt lao động ...

 

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS phát biểu

Định hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp gồm 3 chữ P: People – con người, Planet – hành tinh và Profit – lợi nhuận, tạo thế vững vàng như kiềng 3 chân. Trong điều kiện các thị trường nhập khẩu ngày càng đưa ra những yêu cầu cao về môi trường, lao động, xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, Ông Cẩm đề nghị các doanh nghiệp tăng cường tuân thủ các quy định của quốc tế cũng như pháp luật của Việt Nam, trao đổi đề xuất các giải pháp gắn kết chuỗi cung ứng, nâng cao thương hiệu, góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam.

Bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Chương trình BWV cho biết, Better Work là Chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Chương trình hướng đến mục tiêu cải thiện các tiêu chuẩn lao động và nâng cao tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các công cụ và chương trình triển khai trên các cấp độ quốc gia và quốc tế. Chương trình tập trung vào việc thúc đẩy các giải pháp bền vững và có thể nhân rộng, được xây dựng trên nền tảng hợp tác giữa Chính phủ, Tổ chức đại diện người sử dụng lao động và Tổ chức đại diện người lao động, và các nhãn hàng quốc tế. Chương trình BWV bắt đầu hoạt động từ năm 2009 với mục tiêu hỗ trợ quá trình phát triển và khả năng cạnh tranh của ngành dệt may và da giày tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

 

Bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Chương trình BWV phát biểu

BW cung cấp gói hoạt động tích hợp, bao gồm đánh giá, tư vấn và đào tạo tại nhà máy, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong ngành. Chương trình đang hợp tác cùng các đối tác, bao gồm: Bộ LĐ - TB & XH (MOLISA), TLĐ Lao động VN (VGCL), và Liên đoàn TM & CN VN (VCCI) để cải thiện điều kiện làm việc trong ngành dệt may và da giày. Bên cạnh đó, Better Work cũng hợp tác cùng các nhãn hàng quốc tế, các công ty trung gian, các hiệp hội thương mại, cùng nhiều tổ chức liên quan trong ngành may mặc và da giày. Bà Hà cũng đề nghị đại biểu trao đổi về những tình hình thực tế tại doanh nghiệp, đề xuất những giải pháp, các hoạt động phối hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của từng doanh nghiệp cũng như của ngành trong bối cảnh hiện tại.

 

Bà Nguyễn Thị Liên – Phó TGĐ PPJ chia sẻ

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã trao đổi nhiều thông tin về những khó khăn của doanh nghiệp từ biến động của nền kinh tế thế giới, sụt giảm nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt cũng như áp lực cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất khác, những thách thức và cơ hội từ các yêu cầu ngày càng khắt khe về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng. Nhiều đại biểu cho rằng doanh nghiệp phải chịu đánh giá từ nhiều nhãn hàng khác nhau gây tốn kém về thời gian và chi phí. VITAS và BWV có thể làm việc để các nhãn hàng có sự công nhận lẫn nhau, có những tiêu chí chung thống nhất để giảm bớt gắng nặng cho doanh nghiệp. Đại diện lãnh đạo VITAS cho biết, vấn đề này Hiệp hội đã làm việc nhiều lần và các nhãn hàng cũng đã ghi nhận để nghiên cứu. Tuy nhiên chưa có sự thay đổi trên thực tế.  

 

Đại diện VITAS, BWV và các doanh nghiệp tham dự cuộc họp

Các đại biểu cũng đồng thời đề xuất một số giải pháp cho các doanh nghiệp để đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường, giảm thiểu các tác động bất lợi trong hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và tuân thủ các quy định về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.

Bài: Nguyễn Bình
Ảnh: BW, Nguyễn Bình

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.438.756
Khách
: 1.909
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0