Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 27/04/2024

Đăng ký nhận tin

Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh còn chậm

13/03/2017 10:29 SA

Sáng 10/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Điệp khúc “Chúng tôi làm đúng quy định”

Ghi nhận những thay đổi tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra ví dụ về nỗ lực của Bộ Công Thương trong bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyte trên sản phẩm dệt may, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng vạn ngày công cho các doanh nghiệp dệt may. Hay việc bãi bỏ xác nhận khai báo hóa chất giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng bởi hàng năm doanh nghiệp phải thực hiện khoảng 55.000 tờ khai báo hóa chất, và chuyển sang hậu kiểm ở nhiều lĩnh vực. Cùng với đó là câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp của Bí thư tỉnh Đồng Tháp.

Những cải thiện đó đem lại nhiều thay đổi tích cực, tuy nhiên Viện trưởng CIEM cho rằng các bộ ngành vẫn còn nhiều món nợ lớn đối với doanh nghiệp. “Chưa giảm số lượng kiểm tra chuyên ngành từ các cửa khẩu từ 30-35% xuống còn 15%. Đây là món nợ lớn đối với doanh nghiệp tồn tại từ năm 2016”, Tiến sỹ Cung khẳng định.

 

Các đại biểu tìm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh tại hội nghị sáng 10/3

Theo ông phải thay đổi theo cấp số nhân và có “sự chủ động vào cuộc” của những người đứng đầu thì mới có hy vọng thành công còn nếu công chức, cơ quan quản lý nhà nước vẫn trì trệ, thiếu đổi mới sáng tạo, nếu số đổi mới cải cách hàng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay thì chúng ta sẽ không đạt mục tiêu.

Một bài học lớn dẫn đến việc cải cách chưa thành công ở Việt Nam theo ông Nguyễn Đình Cung nằm ở chỗ công chức, bộ máy quản lý Nhà nước ít quan tâm đến vướng mắc của doanh nghiệp để giúp họ tháo gỡ mà chỉ làm theo đúng quy trình, khi nào cũng khẳng định “chúng tôi làm đúng quy trình”. Theo ông, phần đúng luôn thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước và thay đổi chậm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và rào cản thì không giảm.

Chung nhận định về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Diệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, thủ tục hành chính, thông quan và kiểm tra chuyên ngành rườm rà, phức tạp vẫn gây nhiều khó khăn, tốn kém về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan, doanh nghiệp gửi rất nhiều phản ánh về quy định của báo cáo xuất nhập tồn, các biểu mẫu báo cáo còn quá phức tạp, mã hàng nhiều, nhiều size… thì có thể lên đến 500 biểu mẫu. Một số quy định sửa đổi lại mang tính thụt lùi so với quy định cũ.

Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh còn chậm

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, 4 năm qua, Chính phủ liên tục ban hành các Nghị quyết 19 nhằm nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Bằng Nghị quyết 19, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu; đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.

Thứ trưởng khẳng định, những nỗ lực của chúng ta trong mấy năm qua đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. 3 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của chúng ta liên tục được cải thiện, trong đó năm 2016 tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82), đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.

Tuy vậy, Thứ trưởng cho rằng “tốc độ triển khai thực hiện còn rất chậm và kết quả đạt được hàng năm chỉ là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay”.

“Một rào cản đối với doanh nghiệp được xóa bỏ, một thay đổi tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp là kết quả của nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi trong nhiều năm của nhiều bên, nhất là của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, chúng ta chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Hiện thứ hạng của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư vẫn còn có khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN.

 

DN Việt vẫn còn gặp nhiều rào cản trong kinh doanh

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng cần phải thay đổi cách làm, đổi mới và sáng tạo mới sớm đạt được mục tiêu.

Thực tế mấy năm qua cho thấy nếu chỉ triển khai thực hiện theo cách truyền thống, tuần tự, từng bước. Nếu chỉ có sự tích cực của các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp mà không có sự tích cực, năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân và doanh nghiệp thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.

“Cần có các giải pháp và cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp để tạo ra kết quả theo cấp số nhân, cấp lũy thừa trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Nguồn: Báo NDH

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.120.136
Khách
: 466
 
Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh còn chậm Rating: 5 out of 10 59179.
Core Version: 1.8.0.0