Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 13/12/2024

Đăng ký nhận tin

Hội thảo Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may phát triển bền vững

23/12/2022 02:07 CH
Chiều ngày 15/12/2022, Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp cùng các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức hội thảo quốc tế "Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may phát triển bền vững" tại Landmark 81, Tp. Hồ Chí Minh. Hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia đến từ trong nước và các Tổ chức Quốc tế uy tín như SIPPO, IDH, WWF, GIZ, CNV, WRAP, Fairwear; triển khai đầy đủ 3 chuyên đề của Mô hình Phát triển bền vững (3P) gồm Lao động - Môi trường & Thương mại bền vững.
 Các báo cáo tham luận tại hội thảo cho thấy, ngành dệt may đang đóng góp 2,4 nghìn tỷ USD cho ngành sản xuất toàn cầu, tuyển dụng 300 triệu người trên toàn thế giới trong chuỗi giá trị. Ngành cũng chịu trách nhiệm đối với khoảng 2% - 8% lượng khí thải nhà kính trên thế giới.

Một số kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, hành vi người tiêu dùng thay đổi khiến các doanh nghiệp chuỗi cung ứng truyền thống mất chỗ đứng. Theo phân tích của bà Brigitte Heuser, chuyên gia dự án SIPPO (Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ), hiện nay yêu cầu của người mua tập trung vào những từ khóa quan trọng như bền vững về mặt xã hội, môi trường, kinh tế; số hóa chuỗi cung ứng; giảm chi phí vận chuyển; minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Hay đối với bông trồng bền vững thì sự minh bạch rất quan trọng bởi ngày càng nhiều nhãn hàng có các tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, sự nhất quán chuỗi cung ứng và nguyên liệu.

 

Bà Brigitte Heuser, chuyên gia dự án SIPPO

Do đó, ngành dệt may cần chuyển đổi thành chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững thông qua nhiều sáng kiến, quy định mới để thúc đẩy tính bền vững và tuần hoàn. Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhằm đạt được tổng hóa học xanh cũng như đáp ứng những đòi hỏi công nghệ đổi mới - năng lượng thấp, công nghệ nhuộm vải không dùng nước, giải pháp tái chế chất thải...

Ngành dệt may toàn cầu cũng đang chứng kiến sự thay đổi rõ rệt hướng tới chuỗi cung ứng bền vững hơn; trong đó, nhà phân phối, bán lẻ và thương hiệu toàn cầu đang ngày càng xem tính bền vững là cốt lõi đối với hoạt động kinh doanh của họ và yêu cầu nhà cung cấp, đơn vị sản xuất đảm bảo duy trì tuân thủ quy định của nhãn hàng.

Hiện tại, ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành đóng góp rất lớn cho nền kinh tế đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam ước đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Ngành dệt may Việt Nam đang xuất khẩu sang khoảng 66 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với 55 mặt hàng chủ lực. Việt Nam cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2023 đạt từ 47 - 48 tỷ USD. 

 

Ông Vũ Đức Giang -– Chủ tịch VITAS phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn thách thức như dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm trên cả thị trường trong nước và thị trường các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Cùng đó, đồng tiền ở một số nước nhập khẩu số lượng lớn có xu thế mất giá cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Hơn thế nữa, số lượng người tiêu dùng ngày càng tăng mức đòi hỏi nhãn hàng thời trang phải duy trì trách nhiệm xã hội và môi trường đối với sản phẩm. Ông Hoàng Văn Tâm, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nhấn mạnh, vấn đề môi trường đang là vấn đề hiện hữu. Các quy định quốc tế về mua sắm xanh, tiêu dùng bền vững, tuần thủ cam kết về môi trường, phát thải nhà kính… đòi hỏi chi phí tăng thêm cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên để có thể giữ vững vị thế, cạnh tranh với các quốc gia khác buộc doanh nghiệp chúng ta phải thay đổi. Chính Phủ cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo ra hành lang pháp lý cho doanh nghiệp tham gia cuộc chơi toàn cầu.

 

Ông Hoàng Văn Tâm, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

Bà Hoàng Thanh Nga, quản lý chương trình xanh hóa ngành dệt may WWF VN cho biết, Chương trình bảo tồn nước ngành dệt may của WWF đã đem lại kết quả tích cực: 800 DN dệt may được nâng cao nhận thức về nước, 150 doanh nghiệp được huấn luyện giải pháp về nước; 70 DN dệt may tham gia thỏa thuận chung VITAS về dệt may bền vững; 4 cuốn hướng dẫn về Xanh hóa ngành, Kỹ năng kiểm toán nước/Năng lượng, Thực hành hiệu quả nước, Tài chính xanh.

 

Bà Hoàng Thị Thanh Nga- Quản lý Chương trình Xanh hoá ngành dệt may, WWF-Việt Nam

Ở góc độ chuyên gia, bà Hoàng Ngọc Ánh, Quản lý dự án của Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững IDH tại Việt Nam cho hay, Chương trình Khu công nghiệp dệt may bền vững - INSTEP là một cách tiếp cận hợp tác để đẩy mạnh sản xuất hàng dệt may bền vững thông qua mạng lưới khu công nghiệp. Từ đó, Chương trình tiếp cận nhiều nhà máy và các cơ sở chung với những đánh giá, can thiệp giúp giảm tác động môi trường và cải thiện điều kiện làm việc. 

 

Bà Hoàng Ngọc Ánh, Quản lý dự án của Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững IDH tại Việt Nam

Theo ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch VITAS, Trưởng ban Phát triển bền vững, dự kiến trong năm 2023, VITAS sẽ tiếp tục kiến nghị các chính sách với cơ quan chức năng để giúp doanh nghiệp dệt may phát triển nhanh và mạnh hơn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp dệt may với những chuyên gia, công nghệ, vốn...


Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Phát triển bền vững VITAS

Trước những thách thức đặt ra, đại diện VITAS, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng DN. Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may XK. Bỏ quy định nộp thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng cho may XK và bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu, có giải pháp giảm lãi vay, đơn giản hóa TTHC. Sửa đổi luật Công đoàn, luật BHXH cho phù hợp với điều kiện thực tế… sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi DN và gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ viêc làm cho NLĐ nằm trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, nhất là gói giảm lãi suất 2% cho DN.

 

Một số hình ảnh tại Hội thảo

 

Bà Saskia Anders, Quản lý dự án FABRIC & IGS Việt Nam với tham luận “Cùng hành động vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho chuỗi cung ứng thời trang”

 

Bà Eileen Ng - Phó Giám đốc Dự án ITMA 2023 với tham luận “Biến đổi thế giới dệt may - Cuộc cách mạng song sinh  giữa số hóa và tính bền vững”

 

Bà Dương Thị Việt Anh - Giám đốc Quốc gia – Fair Wear Foundation Việt Nam với tham luận “Thẩm định quyền con người trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy đối thoại mua hàng”

 

Bà Nguyễn thị Hải Yến - Giám đốc Dự án CNV Internationaal Việt Nam với tham luận “Thương lượng Tập thể - Vai trò của Nhãn hàng”

 

Ông Gerwin Leppink - Đại diện châu Âu của WRAP với tham luận “Đạo luật của Đức về nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng”

 

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.437.346
Khách
: 447
 
Hội thảo Giải pháp quản lý chuỗi cung ứng dệt may phát triển bền vững Rating: 5 out of 10 219187.
Core Version: 1.8.0.0