Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Ấn Độ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực Dệt May

12/05/2017 11:39 SA

Ngày 10/05/2017, tại TP. HCM, Tổng Lãnh Sự Ấn Độ và Hội đồng Xuất khẩu Dệt tổng hợp và tơ nhân tạo Ấn Độ (SRTEPC) đã tổ chức hội thảo để giới thiệu về Triển Lãm Dệt Ấn Độ - Textiles India 2017 - sẽ diễn ra từ ngày 30/6 đến 02/7/2017 tại Mahatma Mandir, Gandhinagar, Gujarat, Ấn Độ.  

Textile India 2017 sẽ dự kiến thu hút khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu nguyên liệu dệt may như: vải các loại, sợi nhân tạo, sợi cotton, nguyên liệu bông và sợi xơ…

 

Bà  Smita Pant - Tổng Lãnh Sự Ấn Độ phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Lãnh Sự Ấn Độ - Bà  Smita Pant nhấn mạnh rằng thương mại song phương trong lĩnh vực dệt may có tiềm năng to lớn do ngành dệt may của hai nước đã bổ sung thế mạnh cho nhau. Bà đã mời các đại diện doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham dự Triển Lãm Dệt Ấn Độ để gặp mặt, giao lưu và kết nối với các đối tác, bạn hàng.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó TTK VITAS phát biểu chào mừng

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó TTK Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho rằng, Triển lãm này rất phù hợp với nhu cầu giao thương, mở rông thị trường của DN dệt may VN. Đặc biệt, DN dệt may VN có điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn cung ứng NPL, công nghệ xanh, sản phẩm mới của Ấn Độ và các quốc gia tham dự triển lãm. Ấn Độ là bạn hàng quan trọng của VN trong ngành dệt may, nhất là NPL và thiết bị, công nghệ dệt may. Đồng thời, VN cũng là thị trường tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp Ấn Độ có thể hướng tới. DN Ấn Độ có thể tận dụng cơ hội này tham gia vào thị trường VN thông qua các quan hệ hợp tác đa dạng và phù hợp. DN dệt may Ấn Độ có kỹ thuật, công nghệ và nguồn lực mạnh. Do vậy, DN Ấn Độ liên kết hợp tác với các nhà máy dệt, sợi VN nhằm tạo ra chuỗi cung ứng NPL tại VN là hoàn toàn khả thi, cùng mang lại lợi ích cho 2 phía, qua đó giúp các DN VN chủ động được nguồn NPL.

 

Ông Ronak Roughani - Phó Chủ tịch SRTEPC phát biểu

Ông Ronak Roughani - Phó Chủ tịch SRTEPC cho hay, Triển Lãm Dệt Ấn Độ 2017 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Dệt May, Chính phủ Ấn Độ với sự tham gia của tất cả các hiệp hội dệt may lớn của Ấn Độ, các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và các nước trên thế giới. Chương trình sẽ có tham dự của toàn bộ chuỗi giá trị của đại diện ngành dệt may, từ nông trang cung cấp nguyên liệu đến nhà sản xuất ra xơ, sợi đến vải và tới sản phẩm thời trang.

Theo Đại diện ban tổ chức, Ngành Dệt May Ấn Độ đóng góp khoảng 11% tổng xuất khẩu của Ấn Độ, và đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ấn Độ. Xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ trong năm tài chính 2015-16 đã đạt mức 40 tỷ USD. Các công ty dệt may Việt Nam được mời tham dự 'Triển Lãm Dệt Ấn Độ  2017’ để giao lưu với hơn 20.000 nhà nhập khẩu dự kiến sẽ tham gia. Những công ty nhập khẩu hàng đầu này sẽ được Ban tổ chức Triển lãm đài thọ vé máy bay khứ hồi và khách sạn tại Ấn Độ dựa trên tiêu chí lựa chọn do nhà tổ chức ấn định.

 

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch AGTEK phát biểu

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (AGTEK) cho biết, vừa qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi xúc tiến thương mại tại Ấn Độ đã rất ấn tượng với ngành dệt của Ấn Độ. Theo ông Hồng, nguồn nguyên liệu Việt Nam lâu nay phụ thuộc vào nguồn cung lớn từ Trung Quốc, do đó muốn phát triển cần thay đổi công nghệ mới, đa dạng nguồn nguyên liệu, trong đó có nguyên liệu dệt may.

Phát biểu tại hội thảo các đại biểu cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với ngành dệt may Việt Nam là thiếu nguyên phụ liệu trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ thuật từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Sự phụ thuộc quá nhiều vào một vài nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu sẽ hạn chế phát triển và sản xuất của các doanh nghiệp, do đó việc đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên phụ liệu ngoài khu vực ASEAN và Trung Quốc là một nhu cầu cấp thiết của ngành dệt may Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dệt may với Ấn Độ là một trong những giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay.

 

Bà Phan Thị Huệ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP TM ĐT Dệt May Thành Công trao đổi ý kiến tại Hội thảo

Ngành dệt may Ấn Độ không chỉ cạnh tranh nhờ ưu điểm về chất lượng mà còn về giá cả. Các sản phẩm vải, sợi tự nhiên, bông và NPL dệt may của Ấn Độ có chất lượng tốt, đa dạng và theo cam kết giữa hai bên trong Hiệp định FTA ASEAN – Ấn Độ và tương lai là RCEP, dệt may là một trong số những mặt hàng hai bên cam kết giảm thuế, vì vậy giá bán tương đối phù hợp. Có thể thấy đây là cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng thêm một nguồn cung cấp NPL sản xuất và nếu tận dụng được tốt thì việc chuyển đổi mô hình SXKD mặt hàng có chất lượng cao và xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên các đại biểu cũng băn khoăn về thời gian giao hàng và đề nghị DN Ấn Độ nghiên cứu để rút ngắn thời gian giao hàng cho kịp với tiến độ sản xuất của DN Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Đại diện các hiệp hội và các đại biểu bày tỏ tin tưởng rằng việc tổ chức Triển lãm ngành Dệt Ấn Độ là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp VN và Ấn Độ tăng cường mạnh mẽ các mối quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực dệt may.

 

Đại diện các Hiệp hội và DN dệt may chụp ảnh lưu niệm với các vị khách Ấn Độ

Bài và ảnh: Nguyễn Bình 
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.447
Khách
: 193
 
Ấn Độ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực Dệt May Rating: 5 out of 10 88873.
Core Version: 1.8.0.0