Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Tác động của các cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực lao động tiền lương, BHXH đến các doanh nghiệp ngành dệt may

04/10/2017 05:47 CH
Sáng nay, ngày 4/10/2017 tại Hà Nội, Hội thảo "Tác động của các cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực lao động tiền lương, BHXH đến các doanh nghiệp ngành dệt may" do Hiệp hội Dệt May Việt Nam tổ chức đã diễn ra rất thành công.



Buổi hội thảo có sự tham dự của ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May , các Phó Chủ tịch, Chủ tịch chi hội các khu vực Bắc và Trung Bộ, đại diện một số Hiệp hội ngành hàng, Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng hơn 50 doanh nghiệp dệt may và các cơ quan báo chí đã đến tham dự và đưa tin về hội thảo.
 


Ông Mai Đức Thiện đã có bài tham luận "Cập nhật các cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực lao động, tiền lương, BHXH" và ông Trương Văn Cẩm có bài tham luận "Tác động của các chính sách mới và một số bất cập của pháp luật lao động đối với doanh nghiệp dệt may". 


Các doanh nghiệp tham dự cũng đã nêu rất nhiều các ý kiến, các vướng mắc thực tiễn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội. Trong đó, một số bất cập của pháp luật lao động hiện hành được nhắc đến nhiều nhất là:
 

- Tiền lương tối thiểu vùng 2018 tăng bình quân 6,5%: Vitas đưa ra kiến nghị nên tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng trong vòng 1-2 năm để doanh nghiệp lấy sức, thay vì tăng liên tục như hiện nay. Thực tế tính từ 2008 đến 2017 Nhà nước tăng lương tối thiểu 10 lần với tỷ lệ cao: DN trong nước tăng bình quân 21,9%/năm; DN FDI tăng 15,2%, trong khi GDP (2008 – 2016) tăng bình quân 5,96%, CPI tăng 8,77%, NSLĐ tăng 3,65%. Việc tăng lương tối thiểu liên tục như vậy khiến tăng chi phí nhân công khiến các doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh, giảm khả năng đầu tư mở  rộng sản xuất kinh doanh và chưa chắc đã giúp nâng cao đời sống người lao động do khi lương tăng sẽ kéo theo tăng giá các sản phẩm, dẫn đến tăng chi phí trong đời sống. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị việc tăng lương và tăng ở mức 6,5% vẫn là một gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, không nên tăng lương liên tục như hiện nay mà nên có thời gian "nghỉ" để các doanh nghiệp ổn định sức sản xuất. 

- Tỷ lệ đóng bảo hiểm: Mức đóng các khoản BHXH của DN và người lao động đều tăng do nền đóng BH dựa trên lương tối thiểu tăng cùng với việc đóng thêm trên một số khoản bổ sung khác, Vitas và các doanh nghiệp đều đưa ra kiến nghị giảm tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN (đưa vế mức áp dụng năm 2009). 

- Đóng thêm cho NLĐ có HĐLĐ từ 1- 3 tháng: HĐLĐ từ 1 - 3 tháng có tỷ lệ biến động rất cao, mở rộng đóng cho đối tượng này không chỉ làm tăng chi phí mà còn tăng các thủ tục giấy tờ. Quy định về tiền lương tối thiểu và đóng BHXH ngay ký HĐLĐ 1 tháng cũng không khuyến khích NLĐ làm việc tích cực, những NLĐ mới vào nghề, tay nghề yếu được bù lương và DN phải chi trả khoản này. 

- Hình sự hóa một số điều của luật lao động: ngành dệt may sử dụng nhiều lao động, tỷ lệ biến động lao động lớn và rất nhiều trường hợp lỗi do phía người lao động nhưng doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc không giải quyết được do quy định bất cập của Luật lao động. Doanh nghiệp rất dễ rơi vào vòng lao lý tốn kém nhiều thời gian và chi phí.

- Hợp đồng cho thuê lại lao động: do dệt may là một ngành có đặc thù mùa vụ và phụ thuộc tình hình đơn hàng đàm phán ký kết được nên việc cho thuê lại xưởng, lao động trong một khoảng thời gian nhất định là việc thực tế có thể diễn ra ở các doanh nghiệp, đề nghị bổ sung ngành dệt may vào danh mục ngành nghề được phép cho thuê lại lao động.

- Làm thêm giờ: Đề nghị tăng giờ làm thêm lên không quá 4 giờ/1 ngày và không quá 400 giờ 1 năm, đối với 1 số ngành đặc thù không quá 500 giờ/năm, bỏ quy định giới hạn giờ làm thêm / tháng.

- Trợ cấp BHTN: Đề nghị quy định làm từ đủ 12 tháng đến 24 tháng được hưởng 2 tháng lương thất nghiệp, sau đó cứ đóng thêm đủ 12 tháng thì được thêm 1 tháng để tránh người lao động lợi dụng nhảy việc.

- Về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất: doanh nghiệp được phép đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ nghỉ quá 5 ngày không có lý do thay vì kỷ luật sa thải, vì quy định kỷ luật sa thải cần quy trình kéo dài, phức tạp và không hợp lý.

- Về an toàn lao động, vệ sinh lao động: Đề nghị rút ngắn 50% thời gian tập huấn ATVSLĐ cho công nhân ngành dệt may (từ 16 tiếng xuống 8 tiếng lần đầu và từ 8 tiếng xuống 4 tiếng đối với tập huấn định kỳ); Giảm thời gian khám sức khỏe định kỳ đối với LĐ làm công việc nặng nhọc độc hại… ít nhất 12 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần; Đề nghị chỉ 1 Bộ tập huấn thay vì cả Bộ Lao động và Bộ Công Thương cùng đồng thời làm.

- Quy định đối thoại tại nơi làm việc nên định kỳ 6 tháng 1 lần thay vì 3 tháng/1 lần

- Đề nghị sớm sửa đổi Luật Lao động 2012

Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ghi nhận rất nhiều các ý kiến của các doanh nghiệp và Hiệp hội Dệt May VN, ông Thiện cũng cho rằng thông qua những buổi đối thoại trực tuyến như thế này những người làm luật mới hiểu rõ hơn được những vướng mắc mà các doanh nghiệp gặp phải khi những cơ chế chính sách của Nhà nước đưa ra chưa phù hợp thực tiễn.

Do thời gian của buổi hội thảo có hạn, nên ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đưa ra các văn bản kiến nghị để hiệp hội tiếp tục tổng hợp ý kiến, có văn bản kiến nghị lên các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.548
Khách
: 295
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0