Bộ Công Thương cho biết, tổng kết một năm thực thi CPTPP, Việt Nam về cơ bản đã đạt được những lợi ích nhất định về thương mại và đầu tư có được từ Hiệp định này.

Tới đây, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hai Hiệp định này sẽ cộng hưởng với nhau tạo thành động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới, từ đó đem lại các lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.

Ở góc độ lợi ích trực tiếp cho người dân, EVFTA dự kiến sẽ tác động tích cực đến lao động, việc làm, và an sinh xã hội.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.

Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030) mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030.

Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào 2025), vận tải thuỷ (0,9% vào 2025).

EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan toả về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, do các nền kinh tế của các nước thành viên EU đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước EU phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia EVFTA.

EVFTA có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI
EVFTA có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI

Bộ Công Thương lưu ý, tuy nhiên EVFTA sẽ chỉ mở ra một cơ hội mới về thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại.

“Đầu tiên và quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định. Các nội dung chính của Hiệp định hiện đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, v.v… Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.

Đặc biệt, Bộ Công Thương nhấn mạnh doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU.

Ngày 22/4/2020, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), trước khi đưa ra Quốc hội xem xét phê chuẩn vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra vào đầu tháng 5.

Tạp chí Công thương