Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

EVFTA có thúc đẩy xuất khẩu dệt may vào EU tăng vọt?

05/08/2019 02:41 CH
Dệt may được đánh giá là một trong những ngành hàng có nhiều lợi thế khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu không kịp thời giải quyết những điểm yếu, nút thắt thì DN XK chưa chắc đã tận dụng tốt cơ hội mở ra.
evfta co thuc day xuat khau det may vao eu tang vot
Hàng dệt may Việt Nam hiện vẫn chiếm thị phần khá nhỏ tại thị trường EU. Ảnh: NT

Cửa rộng vào EU

Phát biểu tại tại tọa đàm "Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (2/8), ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Người ngoài nhìn vào EVFTA, phản ứng đầu tiên thấy đây là cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may. Đó là bởi, thuế quan với tất cả hàng dệt may sẽ được đưa về 0%, trong đó, 77% các mặt hàng về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, EU là thị trường đứng đầu thế giới về NK hàng dệt may và là thị trường XK lớn thứ hai của dệt may Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cũng đánh giá: Với ngành dệt may, EU là thị trường cực kỳ lớn và vô cùng hấp dẫn. Năm 2018, dệt may Việt Nam XK sang châu Âu 5,6 tỷ USD. Đó là con số rất lớn nhưng cũng chỉ chiếm 2,02% tổng lượng NK hàng dệt may của EU.

Ông Vũ Đức Giang-Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết: Năm nay, ngành dệt may đặt ra mục tiêu XK 40 tỷ USD. Trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm 42% trong tổng kim ngạch XK của dệt may Việt Nam; đứng thứ hai là thị trường EU, chiếm khoảng 21,5% so với mục tiêu đặt ra là 20%; đứng thứ ba là Nhật chiếm 19,5% và thứ tư là Hàn Quốc chiếm 14%...

“EU vẫn là thị trường có tính chiến lược trọng điểm, lâu dài. Lý do là bởi, các đơn hàng dệt may của EU là dòng hàng có giá trị gia tăng cao hơn các thị trường khác”, ông Vũ Đức Giang nói.

Giải quyết thiếu hụt nguồn cung

Cơ hội mở ra rất lớn, song sòng phẳng mà nói, tận dụng EVFTA để thúc đẩy XK dệt may vào EU không phải là điều đơn giản.

Theo ông Giang, ngành dệt may có sự cạnh tranh cực kỳ khắc nghiệt, đặc biệt là về giá sản phẩm. Vì vậy, nếu Việt Nam không đặt ra một chiến lược tốt sẽ khó tiếp cận thị trường EU.

Phân tích sâu hơn điểm yếu của dệt may Việt Nam khi XK vào EU, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: Vấn đề nguồn cung nguyên liệu ngành dệt may là thách thức. Nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ thì hàng hóa Việt Nam không được ưu đãi. Đảm bảo quy tắc xuất xứ, dệt may Việt Nam mới được hưởng ưu đãi từ EVFTA.

“Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng khoảng 90% nguyên phụ liệu của Việt Nam đang NK từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA và không được ưu đãi cộng gộp như trong Hiệp định”, bà Trang nói.

Tuy nhiên, theo bà Trang, những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ trong EVFTA cũng như trong nhiều hiệp định khác là động cơ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành dệt và dệt nhuộm ở Việt Nam.

“Tôi hy vọng với động lực lực tạo ra từ EVFTA hay các hiệp định khác, tương lai đầu tư cho dệt nhuộm của Việt Nam sẽ tốt hơn, đáp ứng nguồn cung cho hàng dệt may Việt Nam”, bà Trang nói.

Ông Vũ Đức Giang cho rằng: Để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp nhằm phát triển phần cung thiếu hụt. Đặc biệt với thị trường EU, dệt may Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải.

Trước đây, DN EU không đầu tư vào dệt may ở Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2018 đã có 1 tập đoàn Đức đầu tư 1 nhà máy kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt. Điều này cũng tạo ra một động lực cho các DN trong nước và DN nước ngoài đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt ở Việt Nam.

"Thặng dư thương mại của dệt may Việt Nam tăng nhanh như vậy 1 phần nhờ chủ động được nguyên phụ liệu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, có một thực tế là hàng loạt địa phương đang từ chối các dự án dệt nhuộm vì lo ngại ảnh hưởng môi trường", ông Giang bày tỏ.

Theo ông Lương Hoàng Thái, EVFTA với những yêu cầu mạnh mẽ về cải cách có thể tạo ra những thách thức lớn cho ngành truyền thống như dệt may. Trước đây, ngành dệt may Việt Nam phát triển theo bề rộng, dựa vào nguồn lao động giá rẻ. Tuy nhiên, đây là ngành có sự cạnh tranh rất lớn trên quy mô toàn cầu. Nếu một nhà đầu tư vào Việt Nam gặp phải chi phí tăng lên, không có chuỗi cung ứng bền vững thì họ có thể di chuyển sang nước khác.

Vì thế, ông Thái nhấn mạnh, Việt Nam phải tạo lập được chuỗi cung ứng mang tính ổn định, lâu dài để ngăn tình trạng nhà đầu tư di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia khác. Điều này cũng góp phần mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho hàng dệt may Việt Nam.

Thanh Nguyễn - Hải Quan Online

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.906
Khách
: 662
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0