Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Kết nối giải pháp mang đến lợi ích cho doanh nghiệp dệt may trước thềm TPP

25/07/2016 05:21 CH
Những cơ hội lớn của việc gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) mang lại cho ngành dệt may Việt Nam bắt buộc các doanh nghiệp dệt may phải tập trung nâng cao năng lực quản lý để đủ sức cạnh tranh và tận dụng hết lợi ích từ Hiệp định này. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế cũng có nhiều khó khăn mà ngành dệt may cần phải xác định rõ và có chính sách đúng hướng để vượt qua

Sáng ngày 20/07/2016, đoàn đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã có buổi làm việc với công ty CP Tin học Lạc Việt – một trong những nhà cung cấp giải pháp quản trị toàn diện doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam nhằm thảo luận những phương hướng hợp tác giải quyết khó khăn trong ngành dệt may giai đoạn gia nhập TPP.

Thấu hiểu những rào cản

Với hơn 10 năm nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNTT trong ngành dệt may Việt Nam, Lạc Việt thấu hiểu rất rõ những thách thức chung hiện nay trong ngành. Ông Nguyễn Văn Thạnh – Chuyên gia tư vấn giải pháp cho biết "Đến nay, mô hình sản xuất chủ yếu của ngành dệt may Việt Nam vẫn là CMT (gia công) chiếm 65% và FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) 25%. Một trong những trở ngại lớn nhất của ngành dệt may đang phải đối mặt là không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào gây nhiều trở ngại trong quy trình sản xuất, nhất là các thông tin không có sự kết nối xuyên suốt với nhau. Tiêu biểu như việc quản lý đơn hàng phải nhập liệu bằng excel nên rất khó hoạch định nguyên vật liệu hàng loạt". Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về yếu tố nhân lực (con người) và sự quyết tâm của ban lãnh đạo trong quá trình chuyển mình ứng dụng công nghệ để gia tăng năng lực sản xuất.

Là cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam với các thị trường quốc tế, VITAS khẳng định hiểu rõ hơn bao giờ hết tất cả những vướng mắc của các thành viên trong hiệp hội. Do đó, kết hợp với sự đổi mới chính sách từ các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang rất cần sự tiếp sức kịp thời từ các doanh nghiệp ngành hỗ trợ, đặc biệt là ngành CNTT.

Ket-noi-giai-phap-mang-den-loi-ich-cho-DN-det-may-01.jpg 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng Văn phòng Đại diện VITAS TP.HCM - chia sẻ hiện trạng của ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn gia nhập TPP

Đề xuất các giải pháp tối ưu

Bên cạnh vai trò kết nối thành viên Hiệp hội với các với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, VITAS luôn đề cao tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ để cải tiến hoạt động quản lý của ngành may, nhất là công nghệ được phát triển thành công của nhà cung cấp trong nước, thân thiện và phù hợp với tình hình doanh nghiệp Việt. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký kiêm trưởng Văn phòng đại diện VITAS TP.HCM - cho rằng việc cấp bách nhất mà các thành viên hiệp hội dệt may cần hiện nay chính là một giải pháp quản lý tổng thể chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hơn trong công tác quản lý và kịp thời ứng biến với những phát sinh pháp lý trong khâu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Trong buổi họp, bà Tuyết Mai khẳng định "Những câu chuyện triển khai thành công giải pháp ERP của Lạc Việt tại các công ty dệt may Việt Nam trong thời gian qua là những minh chứng thuyết phục nhất về hiệu quả ứng dụng công nghệ trước thềm TPP".

Nhấn mạnh việc tiên phong đón đầu xu hướng ứng dụng công nghệ mới nhất trong ngành may, bà Nguyễn Ngọc Phương Mai – Phó Tổng Giám đốc Công ty Lạc Việt chia sẻ "Lạc Việt đã kết hợp với các đối tác lớn có uy tín trên thị trường như Dell và Intel để triển khai thành công giải pháp Vạn vật kết nối (IoT) cho Công ty Cổ phần 28 Hưng Phú: Hỗ trợ tự động hóa máy móc trong chuyền may và tối ưu hóa quy trình nhập liệu – quản lý đồng bộ dữ liệu đầu vào trên hệ thống phần mềm SureERP". Cùng với sự ủng hộ của VITAS, Lạc Việt tin tưởng rằng những thành công của mình tại nhiều doanh nghiệp dệt may sẽ tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần giải quyết bài toán khó cho các thành viên của Hiệp hội hiện nay.

Cũng trong buổi thảo luận, Lạc Việt đã chính thức trở thành thành viên của VITAS. Đây chính là tiền đề dẫn tới sự hợp tác hiệu quả giữa VITAS với nhà cung cấp giải pháp CNTT, giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khai thác được nhiều lợi thế hơn từ TPP và chủ động đổi mới để vươn lên khẳng định mình.

Ket-noi-giai-phap-mang-den-loi-ich-cho-DN-det-may-02.jpg 

Lạc Việt nhận chứng nhận thành viên Hiệp hội dệt may

Kết thúc buổi họp, đại diện 02 bên Lạc Việt và Hiệp hội dệt may đều đi đến thống nhất về sự cần thiết của chuỗi hoạt động hợp tác đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. Sự liên kết các giải pháp của Lạc Việt và VITAS đã mở ra một bước tiến mới trong việc khuyến khích doanh nghiệp dệt may mạnh dạn ứng dụng CNTT để tinh gọn bộ máy sản xuất.

Ket-noi-giai-phap-mang-den-loi-ich-cho-DN-det-may-03.jpg 

Bài và ảnh: Thanh Tâm (Lạc Việt)
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.764
Khách
: 1.090
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0