Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 20/04/2024

Đăng ký nhận tin

Họp về phí CIC- CIS tại TP. HCM

29/02/2016 01:07 CH

Ngày 19/02/2016, tại trụ sở Cảng vụ TP. HCM, Cục Hàng hải Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức cuộc họp về phí mất cân bằng vỏ container (CIC – CIS) của các hãng tàu đối với doanh nghiệp dệt may. Mục đích cuộc họp nhằm xác minh các nội dung do Công ty CP Dệt công nghiệp Hà Nội (Haicatex) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) phản ánh về tồn tại bất cập hiện nay trong vấn đề phụ thu ngoài giá vận chuyển bằng đường biển của các hãng tàu.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải, Vụ Vận tải Bộ GTVT, Cảng vụ TP. HCM; đại diện các hãng tàu biển, các công ty dệt may. Về phía Vitas có Bà Ng.Thị Tuyết Mai – Phó TTK kiêm Trưởng VPĐD Vitas tại TP. HCM.

 

Toàn cảnh cuộc họp với các hãng tàu biển

Theo Ông Đặng Công Hoàng - đại diện của Haicatex, hàng nhập khẩu của công ty qua các hãng tàu SITC, KMTC, Evergreen, Heung-A, Dongjin, Continental... đều phải nộp phí CIC với mức từ 3,2 triệu đến 3,7 triệu đồng/container 40 ft. Ông Hoàng cho rằng, không phải thời điểm nào hãng tàu cũng có container rỗng, không phải hãng tàu nào cũng mất cân bằng vỏ, do vậy việc các hãng tàu thu loại phí này là hết sức vô lý.

Đại diện các công ty dệt may đều cho rằng việc thu phí CIC là quá cao và không hợp lý, đề nghị các hãng tàu công bố công khai các loại phí, phụ phí và ổn định trong thời gian tương đối dài; phải xác định rõ đây là phụ phí (Surcharge) của cước vận tải hay là phí địa phương (local charge). Nhiều đại biểu cho rằng, đầu bên kia và hãng tàu mới là bên gây ra tình trạng mất cân đối. Kể cả khi phí CIC là 30 USD/cont thì đầu bên kia (người trả cước) trả mới hợp lý.

Đại diện hãng tàu Evergreen cho biết, CIC/CIS là phí vận chuyển Container rỗng do mất cân đối giữa xuất và nhập. Đây không phải là local charge. Khi container dư thừa thì hãng phải đưa về cảng và bắt buộc phải thu phí. Đại diện Evergreen cũng kiến nghị với Cục Hàng hải, Bộ GTVT cho phép các hãng tàu vận chuyển container rỗng trong nội địa của VN theo phương thức không kinh doanh để giảm phí CIC. Vấn đề này hiện nay đang bị cấm. Mức thu CIC của hãng hiện tại là 30 USD/cont 20ft hoặc 40ft.

Theo Đại diện hãng Dongjin, hiện tại 1 số hãng tàu có cước phí giảm mạnh, thậm chí bằng 0 nên phải thu CIC để bù đắp. Các DN khi đàm phán cần bóc tách phí CIC do đầu bên nào trả. Nếu nắm không vững thì sẽ bị đẩy giá lên cao, có khi tới 50 – 60 USD/cont hoặc cao hơn.

Đối với COSCO thì lại không thu phí CIC/CIS. Đại diện COSCO cho rằng, nếu các DN qua forwarder sẽ bị đội giá. DN cần tham khảo giá của các hãng tàu để làm cơ sở khi đàm phán. Như vậy phí CIC có thể kiểm soát được. COSCO sẵn sàng cung cấp giá của hãng để phục vụ cho các DN.

Nhiều đại biểu cho biết, hiện các forwarder hoạt động rất lộn xộn, giá cả bị đẩy lên nhiều. Cần có sự quản lý chặt chẽ và thống nhất về giá.

Bà Ng. Thị Tuyết Mai – Phó TTK Vitas cho rằng, hiện tại nhiều công ty vẫn chưa am hiểu sâu về logistic. Đề nghị Bộ GTVT xúc tiến để ban hành sớm Nghị định về vấn đề này. Đồng thời Vitas sẽ tổ chức hội thảo về logistic để các DN tham dự và trao đổi kinh nghiệm.

Ngoài những vấn đề nêu trên, bà Phạm Kiều Oanh - Phó TGĐ TCT May Nhà Bè – CTCP còn nêu lên một vấn đề khác cũng gây nhiều bức xúc cho DN, đó là phí nâng hạ container đã tăng 3-5% kể từ sau ngày 01/01/2016 tại tất cả các bến bãi, cảng, cửa khẩu trong khi giá xăng dầu trên thế giới và trong nước liên tục giảm. Hơn nữa, trong cùng một hệ thống cảng biển nhưng mỗi đơn vị lại đưa ra một mức giá với sự chênh lệch trên 20%. Điều này tạo ra rất nhiều khó khăn cho DN xuất nhập khẩu.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Ông Nguyễn Đình Việt, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận, Phí CIC là phí có thực trên thực tế và cũng là 1 phần thông lệ. Tuy nhiên các DN XNK cần sự minh bạch và mức thu thống nhất, ổn định. Hiện trạng có nhiều đại lý thu đội giá lên rất cao. Các hãng tàu đang thu mức thu khác nhau, không thống nhất và có vấn đề thu thêm gây nhiều bức xúc cho DN. Ông Việt cho biết, Cục Hàng hải/Bộ GTVT sẽ đề xuất và tác động để Chính phủ ban hành sớm Nghị định, trong đó sẽ xác định rõ CIC, CIS, local charge… và quy định cho các hãng tàu phải công bố giá cước công khai và ổn định.

Đối với các DN dệt may, Ông Việt đề nghị, cần tăng cường về kỹ năng đàm phán, xác định rõ đầu bên nào phải trả phí CIC, đàm phán với các forwarder để hạ giá, tham khảo giá của nhiều hãng tàu để làm cơ sở đàm phán. Hoan nghênh việc tổ chức hội thảo về logistic cho các DN dệt may, đại diện Cục Hàng hải cũng đề nghị Hiệp hội dệt may thống kê năng lực XNK của các DN, có thể tập hợp đầu mối xuất hàng theo các lô hàng lớn và tham gia đàm phán với Hiệp hội vận tải về thống nhất cước vận chuyển và các loại phí.

Bài và ảnh: Nguyễn Bình - Vitas 
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.110.909
Khách
: 699
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0