Ngày 10/6 tại Hà Nội, hội thảo tập huấn chuyên sâu với chủ đề “Đối thoại hiệu quả và cải thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý khiếu nại nội bộ tại doanh nghiệp” đã diễn ra, thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các doanh nghiệp dệt may phía Bắc. Sự kiện do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), FairWear Foundation và CDI thực hiện, nhằm tạo ra một diễn đàn thực chất để các bên liên quan cùng trao đổi, học hỏi và đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ, thúc đẩy môi trường làm việc minh bạch, công bằng và bền vững.
Phát biểu khai mạc, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm TTK VITAS đã chia sẻ khái quát về tình hình ngành trong 6 tháng đầu năm 2025. Theo đó, ngành dệt may tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do sức ép giảm đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy vậy, một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện, khi các doanh nghiệp trong nước từng bước đa dạng hóa thị trường và nâng cấp chuỗi cung ứng theo hướng xanh và bền vững. Đáng chú ý, yêu cầu về tuân thủ trách nhiệm xã hội và các tiêu chuẩn lao động quốc tế đang trở thành điều kiện bắt buộc trong quá trình ký kết và gia hạn hợp đồng với các đối tác lớn. Chính vì vậy, VITAS nhấn mạnh rằng việc củng cố cơ chế đối thoại và xử lý khiếu nại nội bộ không chỉ là vấn đề nội bộ của từng doanh nghiệp, mà là một phần quan trọng trong năng lực cạnh tranh của toàn ngành trong giai đoạn tới.

Phiên đầu tiên của hội thảo tập trung vào việc định vị lại vai trò của cơ chế khiếu nại và đối thoại, xem chúng như một công cụ quản lý rủi ro chiến lược thay vì chỉ là hoạt động tuân thủ mang tính hình thức. Giám đốc Fair Wear, bà Dương Thị Việt Anh đã làm rõ sự khác biệt giữa cách tiếp cận “Tuân thủ” (Compliance), vốn chỉ mang tính tuân thủ pháp luật và cách tiếp cận “Quản lý dựa vào rủi ro” (Risk-Based), một tư duy chủ động kiểm soát và thích ứng với những gì có thể xảy ra. Đại diện Fairwear cũng đưa ra những khía cạnh cơ chế khiếu nại & đối thoại lại có vai trò chiến lược trong ngành dệt may.

Nối tiếp, bà Đinh Hà An – Phó giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã trình bày những phát hiện đáng chú ý từ các nghiên cứu và khảo sát thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 tại các doanh nghiệp dệt may. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã thiết lập các kênh tiếp nhận khiếu nại như hộp thư, Zalo hay QR code, các khảo sát của CDI cho thấy một khoảng trống lớn về tính tiếp cận và hiệu quả. Cụ thể, có tới 25.9% người lao động (NLĐ) cho rằng doanh nghiệp không có kênh khiếu nại và 16.1% không biết về sự tồn tại của chúng. Đáng chú ý là sự khác biệt lớn trong nhận thức giữa cấp quản lý và NLĐ; ví dụ, 76.7% quản lý biết Công đoàn là một kênh khiếu nại, nhưng chỉ 20.4% NLĐ nhận thức được điều này. Nỗi sợ bị phân biệt đối xử, bị gắn mác "nhiều chuyện" là một rào cản tâm lý lớn khiến NLĐ ngần ngại lên tiếng.
Không khí hội thảo trở nên đặc biệt sôi nổi khi TS. Đoàn Xuân Trường, chuyên gia tư vấn luật lao động, đưa ra các tình huống thực tế để thảo luận nhóm. Các học viên đã cùng phân tích các rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp xử lý khiếu nại không chính xác, chẳng hạn như nhầm lẫn giữa một lời "góp ý" với một "khiếu nại" hoặc một "tố cáo" , hay việc xử lý một đơn khiếu nại ẩn danh. TS. Trường nhấn mạnh rằng việc xây dựng một quy trình giải quyết khiếu nại xung đột với pháp luật hoặc các quy định nội bộ khác có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, từ việc bị xử phạt hành chính, kiện ra tòa, đến mất đơn hàng và tổn hại uy tín thương hiệu.

Phần cuối của hội thảo tập trung vào việc cải thiện cơ chế đối thoại tại nơi làm việc. TS. Đoàn Xuân Trường đã hệ thống hóa các quy định pháp luật, chỉ rõ các trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải tổ chức đối thoại, như khi xây dựng thang lương, bảng lương, nội quy lao động, hoặc khi có sự thay đổi về cơ cấu, công nghệ. Các rủi ro khi đối thoại không hiệu quả bao gồm rủi ro pháp lý (vi phạm quy trình, sai thành phần), rủi ro quản trị (không có cơ chế giám sát kết quả), và rủi ro truyền thông khi những phát ngôn thiếu cẩn trọng của lãnh đạo trong buổi đối thoại bị lan truyền sai lệch, gây hoang mang trong nội bộ.
Xuyên suốt các phần trình bày, các chuyên gia và học viên đã cùng nhau thảo luận, đề xuất các khuyến nghị cải thiện. Các giải pháp được đưa ra không chỉ tập trung vào việc hoàn thiện chính sách, quy trình mà còn nhấn mạnh việc đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, xây dựng văn hóa lắng nghe, và tăng cường truyền thông để củng cố niềm tin của người lao động. Hội thảo khép lại trong không khí cởi mở, tích cực và để lại nhiều thông điệp sâu sắc. Đây không chỉ là một sự kiện đào tạo, mà còn là bước khởi đầu cho hành trình cải thiện văn hóa doanh nghiệp – nơi tiếng nói của người lao động được lắng nghe và xử lý một cách công bằng, nhân văn và hiệu quả. Tập huấn tại Hà Nội cũng mở đầu cho chuỗi hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra tại Đà Nẵng ngày 20/6/2025 và TP. Hồ Chí Minh 15/07/2025, hứa hẹn mang lại nhiều giá trị thiết thực cho doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững.


