Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Hội thảo khoa học: "Đào tạo nguồn nhân lực gắn với sự phát triển ngành dệt may khu vực phía Nam, giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030"

19/12/2014 09:52 SA

Ngày 18/12/2014, Trường CĐ KT – KT Vinatex TP. HCM đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: "Đào tạo nguồn nhân lực gắn với sự phát triển ngành dệt may khu vực phía Nam giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030".

Mục đích của hội thảo nhằm xác định thực trạng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp (DN) dệt may phía Nam, dự báo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển của ngành trong giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030; đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, chia sẻ những cơ hội và thách thức trong việc đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng quá trình phát triển của các DN dệt may.

Tới dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Tổng Thư ký (TTK) Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), ông Trần Anh Tuấn - Phó GĐ Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM, ông Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Dệt May Thời trang Hà Nội, ông Hồ Ngọc Tiến - Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Vinatex TP. HCM, bà Bùi Mai Hương - Trưởng bộ môn Kỹ thuật dệt may, khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP. HCM; đại diện các Ban chức năng Vinatex, Vitas, Lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các thầy cô trong BGH, các khoa giáo viên trường CĐ KT- KT Vinatex TP. HCM.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe và thảo luận những nhóm vấn đề gồm:  Định hướng phát triển ngành dệt may giai đoạn tầm nhìn 2015-2020, tầm nhìn 2030, nhất là sau khi các hiệp định FTA và TPP được ký kết; Thực trạng nguồn nhân lực của các DN dệt may phía Nam, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực để phục vụ cho sự phát triển ngành dệt may; Thực trạng hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành dệt may khu vực phía Nam, các giải pháp đào tạo hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển của DN.

 

Ông Hồ Ngọc Tiến và Ông Hoàng Xuân Hiệp chủ trì hội thảo

 Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó TTK Vitas cho biết, nhu cầu nhân lực cho ngành dệt may đến năm 2025 khoảng 2.500.000 người, trong đó công đoạn kéo sợi 120.000 người, công đoạn sản xuất vải 76.000 người, công đoạn may 2.300.000. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, chiến lược đào tạo cho ngành dệt may trong giai đoạn tới cần phải theo định hướng phát triển của ngành. Đó là, i) Khai thác tối đa các lợi ích của FTA, TPP, liên kết chuỗi cung ứng theo hướng giảm CMT, tăng tỷ trọng OEM, ODM, tập trung phát triển sản xuất, phát triển sản phẩm; ii) Phát triển thời trang trong nước – xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối; iii) Tăng cường phát triển công nghiệp trí thức – đẩy mạnh công tác R&D về công nghệ dệt, kỹ thuật dệt, chất liệu.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM cho biết, dự kiến nhu cầu nhân lực ngành dệt may khu vực phía Nam giai đoạn 2015 – 2020, đến năm 2025, mỗi năm khoảng 60.000 chỗ làm việc trống. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 50%, công nhân kỹ thuật 30%, lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và cao hơn chiếm 20%. Ông Tuấn cũng đề nghị cần phải có chính sách đột phá về tiền lương, trả lương cao xứng đáng với trình độ chuyên môn của lao động chất lượng cao; cần kết nối cung cầu giữa hệ thống giáo dục, đào tạo nghề và người sử dụng lao động, công tác đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của DN.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, bà Bùi Mai Hương - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Dệt May, Khoa Cơ Khí, trường ĐH Bách Khoa TP. HCM cho rằng, đổi mới nguồn nhân lực cho ngành dệt may cần thực hiện toàn diện cả mục tiêu đào tạo, quy mô đào tạo, quản lý đào tạo, chương trình đào tạo, nhân lực tham gia đào tạo và tài chính, trong đó đổi mới chương trình đào tạo và đầu tư nguồn nhân lực là hai vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến các yếu tố khác. Bà Hương cũng nhấn mạnh, liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may là vấn đề sống còn của các trường hiện nay. Việc đổi mới phát triển hoạt động đào tạo cần sự chung sức của Tập đoàn, Hiệp hội, DN nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn phát triển mới.

Ông Hoàng Xuân Hiệp - Phó GĐ Trung tâm đào tạo CB quản lý DN dệt may, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Dệt May Thời trang HN, cho biết việc thành lập Trung tâm đào tạo CB quản lý DN dệt may (Trung tâm) nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho Vinatex cũng như ngành dệt may, đảm bảo triển khai đào tạo theo hướng vừa có hệ thống nhưng lại tập trung được nhiều chuyên gia của DN tham gia giảng dạy. Mục tiêu của Trung tâm là: đào tạo, bồi dưỡng giám đốc nhà máy thành viên, tiến tới đào tạo giám đốc DN độc lập; đào tạo nguồn nhân lực merchandiser, quản lý chất lượng, bảo trì thiết bị, thí nghiệm…; đào tạo tổ trưởng sản xuất, CB kỹ thuật trong nhà máy may, sợi, dệt, nhuộm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các DN hiện tại và các dự án mới được triển khai trong giai đoạn 2014 - 2020.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Liên - Phó TGĐ Công ty CP Quốc tế Phong Phú đã chia sẻ với các đại biểu về quy trình và những kinh nghiệm tiến hành phương thức sản xuất ODM trong công ty. Đây là phương thức sản xuất đáp ứng nhu cầu khách hàng, tạo giá trị cao nhất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo bà Liên, để thực hiện tốt phương thức sản xuất ODM cần phát triển đồng bộ ba khâu, đó là phát triển sản phẩm, marketing và liên kết chuỗi, trong đó trọng tâm nhất là khâu marketing định hướng sản phẩm cho thị trường.

 

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó TGĐ Công ty CP Quốc tế Phong Phú phát biểu tại hội thảo

 Nhiều đại biểu từ DN cũng đề nghị nhà trường cần đổi mới chương trình giảng dạy, trong đó tăng thời gian thực hành, giảm giờ học lý thuyết, cập nhật những thiết bị công nghệ hiện đại trong giảng dạy để phù hợp với hiện trạng của đơn vị, tổ chức những khóa đào tạo, bồi dưỡng ngay tại DN. Phía DN sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của trường về thực tập, đảm bảo cho sinh viên vừa học vừa làm và có thêm thu nhập. Các đại biểu từ DN cũng như từ cơ sở đào tạo đều thống nhất rằng, trong điều kiện hiện nay cần phải tăng cường liên kết giữa nhà trường, DN và Tập đoàn, Hiệp hội thì công tác đào tạo mới đem lại hiệu quả cao nhất.

Các bài tham luận cũng như ý kiến trao đổi và thống nhất tại hội thảo là cơ sở quan trọng để các nhà trường và DN xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển của ngành dệt may khu vực phía Nam.

Nguyễn Bình - Vitas
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.096
Khách
: 860
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0