Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Kỳ vọng lớn từ FTA Việt Nam – EU

10/01/2015 03:21 CH

Tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đang đến giai đoạn “nước rút” để kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định trong nửa đầu năm 2015. Đây sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao với mức tự do hóa sâu rộng và đem lại lợi ích cho cả hai phía.

Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn Đoàn đàm phán Chính phủ EVFTA: Với FTA Việt Nam - EU, ngoài những vấn đề đã có trong các FTA đã ký còn có những vấn đề Việt Nam chưa từng cam kết như: Đầu tư (cả trong sản xuất và dịch vụ), mua sắm công, lao động, môi trường…

Gỡ bỏ thuế quan, thúc đẩy trao đổi thương mại

Trải qua 10 vòng đàm phán với 4 chương gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và doanh nghiệp nhà nước, hai bên đã thống nhất được nhiều nội dung quan trọng. Hiện tại, hai bên đang tập trung xử lý một số vấn đề then chốt nhất để chính thức kết thúc đàm phán.

Khi EVFTA chính thức được thiết lập, hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU sẽ được lợi lớn về mặt thuế suất, góp phần làm tăng tính cạnh tranh của hàng Việt Nam tại EU. Việc gỡ bỏ các hàng rào thuế quan trong thương mại với EU đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, một phần vì EU là thị trường đa dạng và rộng lớn, mặt khác cũng bởi hàng hóa thế mạnh của mỗi bên vốn mang tính bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh một cách trực tiếp.

Theo đó, Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận dễ dàng vào thị trường EU, bởi khung khổ FTA sẽ cho phép loại bỏ thuế quan đối với hơn 90 dòng thuế. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA bao gồm dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm…

Theo đánh giá của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA được ký kết có thể sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng lên từ 10 - 15%. Ngoài ra, hiệp định sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30 - 40% và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng từ 20 - 25%..

Tăng cường đầu tư, cải tiến công nghệ

Kết quả nghiên cứu được Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) công bố trong Báo cáo Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của EVFTA cũng cho thấy, hiệp định này sẽ đem lại lợi ích bền vững cho cả hai bên, trong đó phần lợi ích của Việt Nam là trội hơn.

Ông Jean Jacques Bouflet - Tham tán Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam - nhận định, bên cạnh việc đem lại lợi ích cho Việt Nam từ việc loại bỏ thuế quan khi hiệp định có hiệu lực và tiếp cận thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, EVFTA còn tác động lên các luồng vốn đầu tư vào Việt Nam. Việc cắt giảm thuế xuất khẩu sang EU sẽ tạo động lực chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam để hướng tới xuất khẩu sản phẩm cuối cùng sang EU. Điều này sẽ có tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt đối với những người sản xuất sản phẩm trung gian và các thành phần được bao gồm trong sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và thị trường nước ngoài khác.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội, tạo bước chuyển biến sâu sắc và thực chất trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU, nhà nước cần giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc đối phó với những rào cản phi thuế quan, hoặc đàm phán lại với đối tác nhập khẩu để họ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua rào cản.

Hơn thế nữa, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về các cơ hội thị trường mà EVFTA mang lại, đặc biệt là thông tin về ưu đãi thuế liên quan đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của các hàng hóa, dịch vụ và các hàng rào kỹ thuật khác.  

(nguồn: Báo Công thương) 

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.765
Khách
: 1.091
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0