Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) với hệ thống cảng và dịch vụ logistics đa dạng, đã và đang là đối tác chiến lược của nhiều doanh nghiệp dệt may lớn như Texhong, Vinatex, May Sông Hồng, Thành Công Group….. Hơn 85% hàng hóa xuất khẩu của ngành dệt may thông qua hệ thống cảng của TCSG. Với hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam, trải dài khắp đất nước, bao gồm các cảng trọng điểm như Cảng Tân cảng Cát Lái, Tân cảng Hiệp Phước và cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (TCCT, TCIT, TCTT), Lạch Huyện – Hải Phòng (TC-HICT), TCSG cung cấp giải pháp toàn diện từ vận chuyển nội địa, xếp dỡ, lưu trữ, đến vận chuyển quốc tế. Hạ tầng cảng biển hiện đại, tích hợp các công nghệ khai thác cảng và quản lý chuỗi cung ứng tiên tiến giúp giảm thiểu thời gian xử lý và lưu kho hàng hóa. Từ đó giảm chi phí lưu trữ cho doanh nghiệp dệt may.
Về khai thác cảng, TCSG đã thực hiện nhiều giải pháp hiện đại, tích hợp công nghệ số để tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp dệt may. Một trong những sáng kiến nổi bật là việc triển khai áp dụng cảng điện tử Eport và kho hàng điện tử EWMS, giúp việc giao nhận hàng hóa nhanh chóng, điện tử hóa thủ tục và giảm thời gian chờ ở các công đoạn, giúp giảm thiểu 2.000 xe máy/ngày tới Cảng và khoảng 3.000 tờ giấy in lệnh/ngày, công nghệ theo dõi hàng hóa theo thời gian thực (real-time tracking) và phát triển hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh. Hàng tuần, tại các cảng thuộc hệ thống TCSG có 88 tuyến Nội Á tại TCCL, 3 tuyến Trung Quốc tại TCHP, 16 tuyến Mỹ và Châu Âu tại Cụm cảng Cái Mép và 15 tuyến dịch vụ Châu Á, Châu Âu và Mỹ tại TC-HICT giúp các doanh nghiệp chủ động trong hoạt động giao thương với các thị trường lớn cũng như duy trì nguồn cung ứng nguyên liệu từ các thị trường khác.
Về hoạt động Logistics, TCSG đã phát triển các dịch vụ logistics chuyên biệt cho ngành dệt may, cụ thể như tại các khu vực gần các khu công nghiệp dệt may lớn như Đồng Nai, Bình Dương, TCSG đều có hệ thống kho bãi tiêu chuẩn cao và hệ thống kho ngoại quan (ICD Tân Cảng Long Bình, ICD Tân Cảng Sóng Thần) với dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc lưu trữ, điều phối sản phẩm và nguyên liệu. Bên cạnh đó, dịch vụ sà lan được ưu tiên sử dụng với các cơ sở cảng sông kết nối đến cảng cửa khẩu kết hợp với hệ thống kho đa dạng dịch vụ như kho nội địa, CFS, ngoại quan phục vụ chuỗi cung ứng và sản xuất hàng dệt may, đáp ứng các nhu cầu khắt khe của khách hàng, đối tác, góp phần nâng cao tính cạnh tranh doanh nghiệp dệt may trên thị trường quốc tế. TCSG với những giải pháp và cơ sở logistics hiện hữu góp phần đáp ứng yêu cầu xanh hóa của chuỗi cung ứng sẽ góp phần nâng cao vị thế của ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu.
TCSG xác định phát triển bền vững là yếu tố cốt lõi trong các chiến lược. Vì vậy trong năm 2024, TCSG đã triển khai hàng loạt sáng kiến cảng xanh, đưa việc phát triển cảng xanh trở thành nhiệm vụ trọng điểm phải thực hiện. Từ việc chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nguồn điện bờ và các thiết bị công nghệ tiết kiệm năng lượng. TCSG đã thực hiện đầu tư tấm pin năng lượng mặt trời áp mái tại 4 kho hàng thuộc công ty CP Kho Vận Tân Cảng, tổng cộng đã lắp 100 tấm pin, bao phủ trên 368 m2 diện tích kho, cũng như đầu tư các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường như xe điện và trạm sạc đã giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2. Ngoài ra, xác định việc sử dụng sà lan vận chuyển giúp hạn chế khí thải hơn vận tải đường bộ, TCSG chủ trương phát triển đội sà lan vận chuyển trong nước. Hiện nay, TCSG có đội sà lan trung chuyển phục vụ 80% vận chuyển hàng hóa giữa cảng Cái Mép - Thị Vải, Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực lân cận, tăng 50% lượng vận tải sà lan tại khu vực phía bắc của TCSG, góp phần tiết kiệm 84% nhiên liệu tại khu vực phía Bắc, và tiết kiệm 92% nhiên liệu đối với khu vực phía Nam. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu về bền vững, mà còn giúp nâng cao uy tín thương hiệu, năng lực cạnh tranh, chất lượng hàng hóa, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên toàn cầu, đặc biệt ở các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản
Năm 2024 là một năm đặc biệt khi TCSG kỷ niệm 35 năm thành lập, đón danh hiệu AHLĐ lần 2 và Hiệp hội Vitas kỷ niệm 25 năm thành lập. Để tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu về bền vững ngày càng cao, TCSG không dừng bước trên con đường số hóa và xanh hóa toàn bộ chuỗi logistics, tiếp tục đầu tư và phát triển hệ thống cảng nước sâu vận hành bán tự động tại Lạch Huyện – Hải Phòng, triển khai sử dụng các phương tiện vận chuyển xanh, tiếp tục học hỏi, phát triển cảng xanh, logistics xanh trong thời gian tới. TCSG không ngừng đổi mới và phát triển, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi mắt xích đưa mặt hàng dệt may Việt Nam tiếp tục vươn xa trên trường quốc tế. Các giải pháp chuyên sâu về số hóa và logistics xanh sẽ là chìa khóa để duy trì sự hợp tác chiến lược này trong tương lai, góp phần nâng cao vị thế của cả hai ngành trên bản đồ kinh tế toàn cầu.