BBT VITAS: Thưa Tiến sỹ, tiến sỹ có thể cho biết Luật tra soát trong chuỗi cung ứng là gì không?
Ts. Đỗ Quỳnh Chi: Thuật ngữ tiếng Anh của việc tra soát trong chuỗi cung ứng đó là ‘human rights due diligence’. Tuy nhiên thuật ngữ này có điểm khác so với từ “due diligence” mà chúng ta dùng trong kinh doanh thuần túy. Trong bối cảnh này, due diligence có nghĩa là các DN có trách nhiệm và nghĩa vụ phải rà soát các rủi ro và tác động nếu có của DN mình hoặc chuỗi cung ứng của mình đối với con người và môi trường ở tất cả những nơi mà DN đó hoạt động.
Thưa tiến sỹ, phong trào CSR có gì khác với việc tra soát chuỗi cung ứng?
Sự khác nhau đó là đối với CSR thì các DN sẽ tra soát một cách tự nguyện có nghĩa là họ có thể thực hiện ở các mức độ khác nhau, thậm chí là không thực hiện nếu như họ cảm thấy chưa sẵn sàng hoặc có áp lực để thực hiện việc này, Tuy nhiên, từ năm 2012, bắt đầu với Luật về minh bạch hóa chuỗi cung ứng của bang California (Hoa Kỳ) cho đến nay thì đây đã trở thành một xu hướng ở các nước phát triển như châu Âu, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ, trong đó tra soát chuỗi cung ứng không còn là do DN tự nguyện thực hiện nữa, mà các chính phủ coi đó là nghĩa vụ mà các DN phải thực hiện. Bản đồ dưới đây thể hiện sự lan tỏa của Luật này trên toàn châu Âu, Úc, Hà Lan, Áo, Thụy Sỹ , Pháp, Đức và sắp tới là EU
Luật tra soát lao động trẻ em của Hà Lan (Child Labour Due Diligence Law) có điểm gì đáng lưu ý?
Luật này thông qua năm 2019, áp dụng tới mọi DN bán hàng hóa và dịch vụ cho Hà Lan, yêu cầu DN tra soát xem trong chuỗi cung ứng có sử dụng lao động trẻ em không, và nếu có thì DN phải lập kế hoạch hành động chấm dứt tình trạng trên và công khai kết quả tra soát và kế hoạch hành động. DN vi phạm có thể bị phạt tiền, thậm chí CEO có thể bị phạt tù tới 5 năm
Luật chuỗi cung ứng của Pháp (Duty of Digilance Law) có điểm gì đáng lưu ý?
Luật này được thông qua năm 2017, áp dụng với DN có đăng ký hoạt động tại Pháp với từ 5,000 nhân viên (tại Pháp) và 10,000 nhân viên trên toàn thế giới, Luật yêu cầu quy trình tra soát quyền con người và tiêu chuẩn môi trường toàn diện, và cho phép bên bị ảnh hưởng ủy quyền cho các NGO và công đoàn Pháp khởi kiện DN vi phạm tại Tòa án Pháp. DN vi phạm có thể bị phạt tới 30 triệu Euro. Gần đây nhất, tập đoàn Total của Pháp đã bị cáo buộc vi phạm quyền của thổ dân và gây ảnh hưởng môi trường ở Bolivia; cáo buộc cướp đất của hàng nghìn người tại Uganda (2019)
Luật chuỗi cung ứng của Đức (Supply Chain Act) có khác gì với Pháp?
Phía Đức ban hành chậm hơn Pháp. Tại Đức luật chuỗi cung ứng mới được thông qua ngày 11/6/2021, có hiệu lực từ 2023, áp dụng với các DN có từ 3,000 nhân viên trở lên (từ 2024 là DN có từ 1,000 nhân viên) có trụ sở hoặc chi nhánh đăng ký tại Đức. Luật bắt buộc các DN thuộc phạm vi điều chỉnh thực hiện nghĩa vụ tra soát quyền con người và tiêu chuẩn môi trường trong chuỗi cung ứng (bao gồm DN và các nhà cung ứng trực tiếp). Bên bị ảnh hưởng (có thể ở nước ngoài) có thể ủy quyền cho các NGO hoặc công đoàn Đức kiện DN tại tòa án Đức hoặc kiến nghị với Bộ Kinh tế Đức tiến hành điều tra. DN vi phạm bị phạt tới 175.000 Euro và có thể mất quyền tham gia các hợp đồng mua sắm công của Chính phủ Đức.
Tiến sỹ có thể cho biết thêm về dự luật Chuỗi cung ứng của EU
Dự luật này hiện đang được thảo luận tại Nghị viện EU; dự kiến thông qua trong năm 2021. Chúng tôi đã có dịp chia sẻ kết quả nghiên cứu của nhóm hợp tác công tư trong hội thảo với Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện EU, như một nguồn thông tin để các Nghị sĩ tham khảo về khía cạnh thương mại công bằng. Các tập đoàn lớn thì đang ủng hộ dự luật này, tuy nhiên nhiều DN SMEs đang phản đối vì sợ bị tăng chi phí. Các vấn đề mà Nghị viện châu Âu đang cân nhắc đó là (i) Áp dụng luật này cho DN của EU hay cả các DN hoạt động và bán hàng cho EU? (ii) Áp dụng cho nhà cung ứng trực tiếp hay cả cung ứng gián tiếp? (iii) Quy trách nhiệm cho CEO hay cả các thành viên HĐQT? (iv) Các quyền con người và tiêu chuẩn môi trường áp dụng? (v) có cho phép bên bị ảnh hưởng ủy quyền cho các tổ chức xã hội của EU trong quá trình khởi kiện? (vi) Mức độ chế tài với các vi phạm
Xin cám ơn Tiến sỹ