Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Đề xuất giảm giờ làm việc ảnh hưởng tức thời với doanh nghiệp dệt may

30/08/2019 09:05 SA
Đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ/tuần theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang gây những tranh luận trong dư luận xã hội.

Sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Kydo Việt Nam có vốn đầu tư Hàn Quốc (Khu công nghiệp Phố nối A, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) về đề xuất này đối với ngành dệt may.

Phóng viên: Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Bộ luật Lao động  (sửa đổi) trong kỳ họp Quốc hội tới. Trong nội dung dự thảo có đề nghị giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Trương Văn Cẩm: Đúng là xu hướng chung của thế giới khi kinh tế phát triển đạt đến trình độ nhất định, nhiều quốc gia đã giảm giờ làm việc tiêu chuẩn cho người lao động. Tuy nhiên, đối với nước ta, trình độ phát triển, năng suất lao động và thu nhập GDP bình quân đầu người còn thấp so với các nước trong khu vực.

GDP/người của Việt Nam năm 2018 là 2.551 USD đứng thứ 131, chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar nhưng thấp hơn cả Lào (129). Còn Thái Lan gấp Việt Nam 3,2 lần, Malaysia gấp 5 lần, trong khi hầu hết các các nước vẫn duy trì thời gian làm việc 48 giờ/tuần. 

Việt Nam là nước đang phát triển, nếu giảm 4 giờ làm việc trong 1 tuần có nghĩa là giảm 8,3% lượng của cải vật chất mà các đối tượng chịu tác động của Bộ Luật Lao động đóng góp vào GDP cho xã hội, tức là sẽ giảm GDP và GDP/người. Như vậy là rất khó theo kịp các nước trong khu vực.

Phóng viên: Theo ông, việc giảm giờ làm việc tiêu chuẩn xuống 44 giờ/tuần sẽ có những tác động gì đối với ngành dệt may?

Ông Trương Văn Cẩm: Việc giảm giờ làm thêm trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sẽ làm gia tăng gánh nặng. Từ đó, gây tác động xấu tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Hiện nay, ngay cả khi Việt Nam quy định về giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần thì các doanh nghiệp của nhiều ngành nghề như: dệt may, da giày đã phải bố trí làm thêm giờ hết thời gian được phép 300 giờ/năm theo quy định.

Với ngành dệt may, xét trên quy mô sản xuất hiện tại, nếu giảm mỗi tuần 4 giờ làm việc, tức là giảm 208 giờ/lao động/năm thì kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm tối thiểu trên 3 tỷ USD/năm. Hơn nữa, để duy trì cùng một khối lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ phải tuyển thêm lao động, gây phát sinh chi phí hàng nghìn tỷ đồng.

Đơn giản chúng ta đưa ra phép tính, nếu giảm 4 giờ/tuần x 52 tuần x 2,8 triệu lao động = 582.400.000 giờ. Rồi sau đó lấy 582.400.000 giờ : 2.288 giờ/lao động/năm = 254.500 lao động. Chi phí tăng thêm khi giảm thời gian làm việc của toàn ngành = 254.500 người x 8 triệu đồng/người/tháng x 12 tháng = 24.432 tỷ đồng/năm.

Điều này không khả thi trong điều kiện hiện ngành dệt may đang khan hiếm lao động, có sự cạnh tranh để tuyển lao động, nhất là lao động có tay nghề, chưa kể làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đối với các ngành đang áp dụng 200 giờ làm thêm/năm thì không những không còn giờ làm thêm mà còn âm 8 giờ so với hiện hành (200 giờ - 208 giờ = âm 8 giờ/năm). Với các ngành đặc thù hiện đang áp dụng 300 giờ/năm thì chỉ còn 92 giờ/năm (300 giờ/năm – 208 giờ = 92 giờ/năm).

Giả sử như dự thảo đưa ra là 400 giờ/năm cũng giảm 108 giờ so với hiện nay (400 giờ - 208 giờ = 192 giờ).

Trong khi từ nhiều năm nay các doanh nghiệp dệt may và một số ngành khác đã liên tục đề nghị nhà nước nới khung giờ làm thêm để tạo điều kiện cho sản xuất.

Đối với người lao động, khi sản lượng giảm, doanh nghiệp tăng chi phí đồng nghĩa giảm hiệu quả cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động và các phúc lợi khác.

Phóng viên: Trước thực trạng trên ông có những kiến nghị gì, thưa ông?

Ông Trương Văn Cẩm: Chúng tôi đề nghị không đưa nội dung giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần vào dự thảo Bộ luật Lao động. Đối với giờ làm thêm tôi đồng tình với nội dung giữ nguyên quy định giờ làm thêm theo ngày tức là không quá 50% thời gian làm việc bình thường trong một ngày.

Tuy nhiên, tôi kiến nghị quy định làm thêm giờ không quá 30 giờ/tháng hiện nay đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là đối với các ngành có tính thời trang, mùa vụ như: dệt may, da giày, thủy sản…Bởi, vào thời gian này, các doanh nghiệp phải bố trí làm thêm giờ vượt quy định để đảm bảo giao hàng đúng hạn, nếu không sẽ bị phá hợp đồng hoặc phải giao hàng theo máy bay rất tốn kém. Nhưng khi khách hàng kiểm tra thấy doanh nghiệp vi phạm luật Việt Nam sẽ cắt hợp đồng lúc đó ảnh hưởng không chỉ đến doanh nghiệp mà trực tiếp đến việc làm đời sống của người lao động.

Ngoài ra, các nước trong khu vực quy định giờ làm thêm theo tháng không quá khắt khe như Việt Nam. Cụ thể: Nhật Bản quy định 45 giờ/tháng, Thái Lan 36 giờ/tuần, Malaysia 104 giờ/tháng, Singapore 72 giờ/tháng, Indonesia 56 giờ/tháng, Lào 45 giờ/tháng, Philippines và Campuchia không khống chế. Trong khi đó, Việt Nam lại quy định quá chặt.

Chúng tôi đề xuất không quy định giờ làm thêm theo tháng hoặc nếu có quy định thì nới rộng như quy định chung của các nhãn hàng là không quá 48 giờ/tháng. Hơn nữa, hiện nay Nhà nước đang quy định không quá 200 giờ/năm đối với các ngành nghề nói chung và 300 giờ/năm đối với các ngành nghề đặc thù.

Các nước trong khu vực cũng có khung giờ làm thêm theo năm cao hơn nhiều so với Việt Nam. Do vậy, về phía Vitas đề nghị nới khung giờ làm thêm lên 150% so với hiện tại, tức là 300 giờ/năm đối với các ngành nghề bình thường và 450 giờ/năm đối với các ngành nghề đặc thù.

Chúng tôi đề xuất không đưa vào dự thảo việc trả lương lũy tiến cho giờ làm thêm. Cụ thể: tiền lương lũy tiến thông thường chỉ áp dụng đối với sản phẩm (hình thức trả lương sản phẩm lũy tiến), chứ không có lương lũy tiến theo giờ. Kể cả việc áp dụng trả lương lũy tiến cho sản phẩm làm ra ở giờ thứ 3 và giờ thứ 4 thì việc theo dõi, thống kê sản phẩm thuộc giờ nào để tính lương không hề dễ dàng, thậm chí không thể thực hiện được với doanh nghiệp có hàng chục nghìn lao động.

Do vậy Vitas đề nghị không đưa quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ vào dự thảo, vì tiền lương trả cho giờ làm thêm đã quá cao (150%, 200% và 300%) và khó áp dụng trong thực tiễn hoặc tăng chi phí quản lý cho doanh nghiệp.

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.554
Khách
: 301
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0