Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 26/07/2025

Đăng ký nhận tin

Chú trọng xuất xứ, dệt may thu hút đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu

25/07/2025 09:04 SA
Với các chính sách thuế quan mới, trong khi mặt hàng sợi tổng hợp hiện nay phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Do đó, muốn tăng doanh thu xuất khẩu, con đường duy nhất của dệt may là tăng tự động hóa và nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động với các chính sách thuế quan phức tạp, ngành xơ sợi, dệt may đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định để nâng cao sức cạnh tranh. Các yếu tố đó đòi hỏi doanh nghiệp (DN) trong ngành phải xây dựng được chiến lược phát triển bền vững và có những hành động linh hoạt để thích ứng, hướng tới việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao giá trị gia tăng và tăng sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS. Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, những năm gần đây, xu hướng sản xuất các mặt hàng sợi tổng hợp ngày càng lớn, trong đó xơ PSF là nguyên liệu quan trọng cho các mặt hàng sợi CVC, PE. Nếu như trước đây nhu cầu cho mặt hàng sợi tổng hợp chỉ khoảng hơn 100.000 tấn xơ PSF/năm, tới năm 2025 dự kiến nhu cầu xơ PSF có thể lên tới 550.000 tấn.

“Từ năm 2022 tới nay, các DN ngành sợi phải chuyển đổi công năng các nhà máy để chạy sợi CVC, PE… thay vì chạy 100% cotton như trước đây. Do đó, nhu cầu về xơ PSF là nhu cầu thực tế của DN sản xuất sợi của Vinatex. Cùng với đó, với các chính sách thuế quan mới, mặt hàng sợi tổng hợp hiện nay phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, trong khi Việt Nam do không thể sản xuất được bông, nên cần đạt được trên 50% nguồn gốc trong nước đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật từ nhà sản xuất vải. Do đó, muốn tăng doanh thu xuất khẩu, con đường duy nhất là tăng tự động hóa, tăng cường nguồn cung nguyên phụ liệu từ nội địa”, ông Trường nêu.

Nhu cầu là vậy, song quá trình triển khai vẫn gặp những thách thức khi Vinatex không thể mua giá xơ cao hơn thị trường, trong khi giá bán xơ của Trung Quốc hiện nay tương đối cạnh tranh. 70% sợi bán hiện nay của Vinatex giá phải cam kết “bao nhuộm”, đảm bảo chất lượng nguồn sợi khi tiến hành nhuộm vải. Do đó, cần sự phối hợp chặt giữa giữa nhà cung cấp xơ với nhà sản xuất sợi, để đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ về kết cấu nhuộm của sợi sau bán hàng.

Trước yêu cầu khắt khe về xuất xứ nguyên phụ liệu sản xuất dệt may, lãnh đạo Vinatex đề nghị các DN cần phân loại, làm rõ các chủng loại vải có thể tìm kiếm trong nước để giảm bớt nhập khẩu; hoàn toàn sử dụng nguồn phụ liệu trong nước để ưu tiên tỷ lệ cho nhập vải. Đồng thời, DN làm việc với khách hàng để đa dạng nguồn nhập khẩu nguyên liệu, cũng như đẩy nhanh giải pháp số để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm…

Theo PetroVietnam, sau nỗ lực rất dài để giải quyết khó khăn cho dự án xơ sợi Polyester Đình Vũ, về cơ bản các vướng mắc đã được giải quyết triệt để, hướng tới sản xuất kinh doanh bền vững. Trong những năm qua, nhu cầu tại Việt Nam về xơ Polyester (PSF) tương đối lớn, nhưng 95% sản lượng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, Vinatex không chỉ là tập đoàn sản xuất dệt may lớn nhất cả nước, ngày càng mở rộng được thị trường xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài” mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đề xuất, cần nâng cao nội lực ngành dệt may như đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ AI và robot trong thiết kế, phát triển mẫu và sản xuất, chuyển đổi kép, kinh doanh tuần hoàn…

Ông Cẩm cũng nêu lên tính cấp thiết của việc đa dạng hóa thị trường, khách hàng, mặt hàng và nguồn cung nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Ngoài thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… ngành dệt may tập trung vào các thị trường tiềm năng như Trung Quốc (đơn hàng giá trị cao), Canada, Nga, Anh, ASEAN...

Đặc biệt, ngành xơ sợi cần tăng cường thu hút đầu tư từ đầu tư FDI và DN trong nước, đặc biệt vào các khu công nghiệp đạt chuẩn về môi trường. Phát triển nguyên phụ liệu trong nước, giúp các DN chủ động nguồn cung và đáp ứng xuất xứ của FTA để hưởng lợi ích thuế quan.

“Ngành dệt may hiện đang có nhu cầu tự túc nguyên phụ liệu rất lớn để chủ động nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường và đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTAs. VITAS đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bên cạnh việc nắm bắt, cung cấp thông tin về nhu cầu, thị hiếu, tập quán, quy định về an toàn sản phẩm ở nước sở tại, cần xúc tiến kêu gọi, giới thiệu các nhà đầu tư uy tín, có thế mạnh về vốn, công nghệ để sản xuất vải và nguyên phụ liệu tại Việt Nam”, ông Cẩm nêu ý kiến.

(Nguồn: Nguyễn Quỳnh/VOV.VN)

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2025 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Giảng Võ, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
Email : info@vietnamtextile.org.vn
VPĐD phía Nam : Lầu 8, 36 Phan Đăng Lưu, Phường Gia Định, TP. HCM
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.829.239
Khách
: 214
 
Chú trọng xuất xứ, dệt may thu hút đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu Rating: 5 out of 10 85.
Core Version: 1.8.0.0