Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Bóng ma chiến tranh thương mại bao trùm ngành sợi Việt Nam?

19/07/2019 01:35 CH
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra hồi tháng 7/2018 được xem như sự kiện nóng nhất đối với dệt may thế giới nói chung và thị trường dệt may Việt Nam nói riêng. Những hệ lụy tàn dư của cuộc chiến này, dù hiện tại đang trong giai đoạn “sóng yên biển lặng” vẫn gây ảnh hưởng khiến nhiều doanh nghiệp dệt may Việt lao đao, nhất là các doanh nghiệp ngành sợi. Có lẽ phải mất một thời gian nữa khi thị trường dệt may thế giới dần ấm trở lại, các doanh nghiệp sợi mới vượt qua được cơn khủng hoảng về cầu như trong thời gian vừa qua.


























Bắt đầu từ tháng 7/2018 đến trước thềm hội nghị G20 cuối tháng 6/2019 vừa qua, Mỹ đã áp tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc với tổng trị giá 250 tỷ Đô la Mỹ chia thành 3 gói: (1) Một gói áp thuế với trị giá 34 tỷ USD, thuế suất áp thêm 25% trên thuế MFN, có hiệu lực vào 06/7/2018; (2) Gói áp thuế với trị giá hàng hóa 16 tỷ USD, thuế áp thêm 25% trên thuế MFN, có hiệu lực vào 23/8/2018; (3) Gói áp thuế 200 tỷ USD, thuế áp thêm 10% trên thuế MFN, có hiệu lực 24/9/2018. Gói thứ 3 kéo dài đến ngày 10/5/2019 và từ ngày này được nâng mức áp thuế suất từ 10% lên 25%. Đối với mặt hàng dệt may, cả ba gói trên chỉ áp thêm thuế với một số nhỏ các mặt hàng sợi và vải từ Trung Quốc, chưa bao gồm mặt hàng may mặc. Tuy nhiên, sự kiện này từ khi manh nha cho đến khi Mỹ tuyên bố chính thức đã ngay lập tức ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung dệt may trên thế giới. Với dệt may Việt Nam, ngành sợi là “nạn nhân” đầu tiên và bị ảnh hưởng rõ nét nhất.

ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGÀNH SỢI VIỆT NAM

Nếu xét từ sản phẩm đầu ra sử dụng sợi là vải thì Trung Quốc và Ấn Độ chiếm đa số năng lực cung ứng vải toàn cầu. Theo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, mỗi năm Trung Quốc sản xuất khoảng 80 tỷ mét vuông vải quy đổi, Ấn Độ hơn 45 tỷ mét vải, Bangladesh 3,5 tỷ mét vải, Việt Nam khoảng 2,3 tỷ mét vải. Như vậy thị trường nhập khẩu sợi chủ yếu trên thế giới chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ. Điều này cũng thể hiện khá rõ khi sợi Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, trung bình hàng năm chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sợi của Việt Nam đi thế giới. Đối với Trung Quốc, Việt Nam cũng là đối tác cung cấp sợi chính, với thị phần tăng trưởng liên tục. Năm 2014, Việt Nam chỉ đứng thứ 3 nếu xét theo thị phần nhập khẩu sợi của Trung Quốc (sau Ấn Độ và Pakistan). Đến năm 2017 và 2018, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ nhất, chiếm tới 30% thị phần nhập khẩu sợi của Trung Quốc, hơn cả Ấn Độ và Pakistan cộng lại. Do đó, bất kỳ biến động nào đối với ngành Dệt May Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành Sợi Việt Nam, chưa kể ngành Sợi Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng domino từ thị trường bông sợi thế giới.

Về cơ bản, diễn biến tình hình xuất khẩu sợi của Việt Nam bám sát với diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sợi của Việt Nam trung bình mỗi tháng giảm khoảng 2,5%. Đơn giá xuất khẩu sợi Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã giảm từ mức trung bình 3,05 USD/kg xuống còn 2,99 USD/kg, giảm khoảng 1,97%. Ngày 17/09/2018, việc áp thuế bổ sung 10% lên gói 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có hiệu lực, thị trường sợi lập tức bị ảnh hưởng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu sợi tháng 10/2018 của Việt Nam giảm 7,19% so với tháng 9 trước đó, giảm 23,76 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu sợi sang Trung Quốc giảm từ 218,33 triệu USD xuống còn 172,98 triệu USD, giảm 45,4 triệu USD, tương đương trên 22%. Cuối tháng 12/2018, khi có thông tin Mỹ - Trung đạt được “thỏa thuận đình chiến” trong vòng 90 ngày, thị trường sợi Việt Nam có sự hồi phục về khối lượng xuất khẩu, trong khi giá sợi vẫn ở mức ngang bằng hoặc giảm nhẹ so với trước đó. Riêng đơn giá xuất khẩu bình quân sang thị trường Trung Quốc vẫn giảm từ 2,79 USD/kg trong tháng 12/2018 xuống còn 2,68USD/ kg trong tháng 1/2019. Với giá bán này và giá bông trung bình 6 tháng đầu năm khoảng 1,95 USD/kg, các doanh nghiệp sợi đang lỗ từ 15 đến 25 cent/kg và đã tồn kho với khối lượng tương đương trên 1 tháng sản xuất.

Có một số giả thiết lý giải cho sự suy giảm xuất khẩu của ngành sợi Việt Nam vào Trung Quốc trong giai đoạn trên như sau:

- Các nhà nhập khẩu sợi của Trung Quốc, đa phần là các công ty kinh doanh thương mại lập tức cắt giảm số lượng sợi nhập khẩu để nghe ngóng tình hình thị trường. Họ chỉ nhập khẩu số lượng tối thiểu, đủ để bán cho các nhà sản xuất, tuyệt đối không mua đầu cơ tích lũy như trước đây.

- Tổng lượng sợi nhập khẩu của Trung Quốc trong giai đoạn 6 tháng chiến tranh thương mại leo thang (từ quý IV/2018 đến quý I/2019) chỉ giảm 10% so với cùng giai đoạn năm trước, tương đương 124,4 nghìn tấn. Con số này chỉ bằng nửa tháng nhập khẩu sợi của Trung Quốc. Điều này chứng tỏ nhu cầu về sợi của Trung Quốc giảm không đáng kể, lượng sợi tồn kho vẫn chưa tung hết ra thị trường. Có thể Trung Quốc đang nhân cơ hội chiến tranh thương mại Trung - Mỹ để gây sức ép lên các nước xuất khẩu sợi nhằm giảm giá xuống mức thấp. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu sợi của Việt Nam sang Trung Quốc không chỉ bị giảm giá bán, họ còn chịu thêm thiệt hại vì đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá trong giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Hiện tại, các doanh nghiệp sợi đang gặp nhiều khó khăn do:

- Không có đơn hàng mới từ thị trường Trung Quốc hoặc khách trả giá rất thấp;

- Các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Đài Loan tuy vẫn có đơn hàng nhưng số lượng rất nhỏ; - Sự cạnh tranh gay gắt về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi FDI trong nước, các doanh nghiệp từ các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan;

- Giá bán vẫn theo xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Nguyên nhân do sự cạnh tranh về giá từ các đối thủ, có dấu hiệu phá giá để tránh tồn kho, đồng thời Trung Quốc tung ra thị trường lượng bông dự trữ với số lượng lớn khiến giá bông giảm mạnh.

NGÀNH SỢI CÓ NÊN MỪNG SỚM?

Tại Hội nghị G20 diễn ra tại Osaka, Nhật Bản ngày 28-29/6/2019, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất nối lại đàm phán thương mại, Mỹ chưa áp thuế bổ sung gói 300 tỷ USD (vẫn duy trì các gói áp thuế trước đây). Liệu đây có phải là tin mừng đối với ngành Sợi Việt Nam hay chỉ là động thái tạm thời hòa hoãn rồi lại tái khởi động, coi như là một nước cờ trong bài toán chiến lược chính trị - kinh tế Mỹ - Trung? Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, nhiều khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa dừng lại như hiện tại do hai bên còn quá nhiều bất đồng chưa thể giải quyết. Nếu như vậy các doanh nghiệp sợi cần có các phương án chiến lược sản xuất phù hợp theo sát tình hình thị trường, xác định rõ điểm đáy theo kịch bản xấu nhất để chuẩn bị thật tốt cho các diễn biến tiếp theo của thị trường.

Nguồn: Tạp chí Dệt may và Thời trang Việt Nam – Số tháng 7/2019

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.183
Khách
: 949
 
Bóng ma chiến tranh thương mại bao trùm ngành sợi Việt Nam? Rating: 5 out of 10 51159.
Core Version: 1.8.0.0