Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy dệt may, da-giày phát triển

21/10/2022 10:24 SA
Ngày 20/10, tại Hà Nội, Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội (HTU) phối hợp Câu lạc bộ khoa học dệt may, da-giày Việt Nam tổ chức Hội nghị Khoa học toàn quốc về dệt may, da-giày lần thứ 3 (NSCTEX 2022) với sự tham gia của gần 100 nhà khoa học với 54 báo cáo khoa học được phản biện thông qua hai vòng độc lập.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu phát biểu tại hội nghị.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị không chỉ đánh dấu sự tiếp nối trọng trách xây dựng diễn đàn cho nhà khoa học thông báo các kết quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dệt may, da-giày mà còn tạo cơ hội để các nhà khoa học và doanh nghiệp trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư,...

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu khẳng định, thời gian qua, ngành dệt may và da-giày Việt Nam phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ đại dịch Covid-19, bất ổn chính trị toàn cầu, khủng hoảng kinh tế, thiên tai,... Tuy nhiên, với sự chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp về quản trị, công tác thị trường,... đã giúp ngành dệt may, da-giày duy trì tăng trưởng, với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 đạt hơn 40,4 tỷ USD, tăng 14,8% và da-giày đạt 20,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2020.

Để đạt được những thành quả trên, phải kể tới việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, triển khai sáng kiến đã giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, vượt khó thành công. Trong đó, có thể kể đến những công nghệ như sử dụng máy móc thiết bị tự động, số hóa từng công đoạn sản xuất, tăng cường sử dụng các phần mềm để giao dịch với khách hàng, thiết kế sản phẩm, chuyển giao mẫu cho khách hàng theo hình thức trực tuyến,... Các báo cáo khoa học tại hội nghị với nhiều chủ đề khác nhau hoàn toàn có thể được triển khai áp dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Ông Cao Hữu Hiếu cũng đánh giá, các kết quả nghiên cứu tập trung vào các nội dung như công nghệ và thiết bị đối với toàn chuỗi sản xuất sợi-dệt-nhuộm-may, đặc biệt chú trọng sản xuất bền vững - là những vấn đề mà ngành dệt may Việt Nam đang tiếp cận và cũng là xu hướng tất yếu của ngành ở cấp độ thế giới. Điều này cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng gắn với thực tế sản xuất, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như chiến lược phát triển của toàn ngành.

Báo cáo tại hội nghị, TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho biết, tỷ lệ nội địa hóa ngành cơ khí hiện đạt từ 15-20%, điện tử từ 7-10%, dệt may hơn 48%. Có thể thấy, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may so với các ngành đã ở mức cao nhưng cũng đặt ra bài toán cho nghiên cứu khoa học để tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa này. Năng suất lao động năm 2010 với 1 lao động đạt 10.700 USD xuất khẩu, năm 2019 đã tăng lên 20.300 USD. Năng suất đã tăng 1,9 lần, trong khi lao động giảm từ 93.000 người/tỷ USD xuống còn hơn 49.000 người/tỷ USD. Điều này có sự đóng góp lớn của khoa học công nghệ.

Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy dệt may, da-giày phát triển ảnh 1

TS Hoàng Xuân Hiệp báo cáo đề tài nghiên cứu tại hội nghị.

Cũng theo TS Hoàng Xuân Hiệp, để cạnh tranh, ngành dệt may có hai công cụ chính là năng suất - chất lượng và tỷ lệ nội địa hóa cần nâng cao hơn. Thời gian tới, doanh nghiệp Việt sẽ cần thêm một công cụ nữa là xanh hóa dệt may. Các nước châu Âu đã có quy định rất rõ ràng về tỷ lệ tái chế sản phẩm,… Liệu các sản phẩm dệt may, xơ sợi của Việt Nam đã "xanh". Do vậy, đây sẽ là vấn đề cần nghiên cứu sâu để cái này để ngành dệt may Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, việc xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ của ngành dệt may chưa được triển khai đáng kể tại Việt Nam. Có thể kể đến như thiếu hoạt động xúc tiến thương mại hội chợ, triển lãm… Kết nối giữa doanh nghiệp dệt may với các trung tâm nghiên cứu khoa học như trường đại học, viện nghiên cứu về dệt may còn rất hạn chế.

Ngoài ra, chính sách nhà nước liên quan đến thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ là tài sản công còn vướng mắc, như: phải định giá tài sản công trước khi thương mại hóa; luật yêu cầu hoàn trả phần đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu. Các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay, hạ tầng kỹ thuật cho các dự án công nghệ cao hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may. Về hạ tầng thì cũng chưa có khu công nghiệp tầm cỡ nào, khoảng 500ha cho lĩnh vực dệt may.

Cùng chia sẻ vấn đề này, PGS, TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ngành dệt may đang có nhiều cơ hội để phát triển, các cơ sở đào tạo nhân lực đã và đang nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của ngành. Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp còn hạn chế và cần có sự gắn kết để tạo thành một khối thống nhất trên toàn quốc.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng bày tỏ nhu cầu, sự quan tâm đến việc nghiên cứu tập trung giải quyết những vấn đề mà các đơn vị sản xuất đang phải hàng ngày đối mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đón đầu những xu thế chung của các thị trường mà dệt may Việt Nam đang hướng đến. Do đó, thời gian tới cần phải tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học ngành dệt may, da giày phát triển.

Theo: Báo Nhân dân

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.032
Khách
: 792
 
Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy dệt may, da-giày phát triển Rating: 5 out of 10 73494.
Core Version: 1.8.0.0