Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

Ngành may mặc, da giày chủ động khắc phục khó khăn

22/02/2021 08:49 SA

Nhờ các giải pháp thích ứng tốt trong tìm kiếm thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tình hình sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm may mặc đã có tín hiệu khả quan ngay từ những tháng đầu năm 2021. Trong đó, trong tháng 1-2021, sản xuất hàng may mặc xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tăng 28,3% so với cùng kỳ; ngành da giày cũng tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ.

Ngành may mặc, da giày chủ động khắc phục khó khăn

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Khu Công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa. Ảnh: Tùng Lâm


Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam trong các ngành may mặc, da giày và được các doanh nghiệp (DN) nhận định là một trong những thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, do chủ động nắm bắt tình hình, linh hoạt trong các giải pháp thích ứng và điều hành sản xuất nên phần lớn các DN may mặc, da giày đã chủ động được đơn hàng cho những tháng đầu năm.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tại Công ty CP May BHAD, huyện Quảng Xương, các dây chuyền vẫn đang gấp rút hoàn thành sản phẩm để kịp chuyển cho đối tác châu Âu. Đại diện đơn vị này cho biết: Theo dõi thông tin về dịch bệnh trên thế giới, cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đơn vị đã tăng cường dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất. Cùng với việc ổn định thị trường truyền thống, DN đã chủ động tìm kiếm và phát triển thêm các thị trường mới. Hiện công ty đã làm việc với đối tác và có đơn hàng ổn định trong năm 2021. Tuy nhiên, DN mong muốn dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn để người lao động yên tâm làm việc và hoạt động vận chuyển nguyên liệu cũng như thành phẩm được thông suốt.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: Kinh nghiệm “vượt bão” COVID-19 trong năm 2020 đã giúp các DN may mặc, da giày trong tỉnh có thêm nhiều bài học để đương đầu với thách thức. Lượng đơn hàng các DN tiếp cận đến thời điểm này khá nhiều. Trong đó, có những DN đã có đơn hàng sản xuất đến hết quý II và đang chuẩn bị ký tiếp quý III. Ngoài các thị trường truyền thống như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, DN đang tiếp tục tìm kiếm, ký kết thêm các đơn hàng tại thị trường mới như Nga, Nam Phi, châu Phi...

Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhờ các giải pháp thích ứng tốt trong tìm kiếm thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tình hình sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm may mặc đã có tín hiệu khả quan ngay từ những tháng đầu năm 2021. Trong đó, trong tháng 1-2021, sản xuất hàng may mặc xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tăng 28,3% so với cùng kỳ; ngành da giày cũng tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, ngoài các sản phẩm truyền thống như hàng thời trang, áo sơ mi, jacket, hầu hết các đơn vị dệt may trên địa bàn tỉnh đều tăng cường sản xuất thêm các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch trong nước và xuất khẩu, như: khẩu trang kháng khuẩn, đồ bảo hộ y tế... đáp ứng nhu cầu thị trường và thuận lợi trong hoạt động tiêu thụ.

Hiện nay, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, chỉ đạo Vụ Thị trường ngoài nước, Vụ Kế hoạch cập nhật diễn biến tại các nền kinh tế đối tác về tình hình dịch bệnh, chính sách tác động tới thương mại, chuỗi cung ứng. Từ đó, Bộ Công Thương sẽ phân tích, đánh giá kịch bản ứng phó để thông báo tới các ngành hàng xuất khẩu tiếp tục xác định khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ và xây dựng các phương án thích ứng. Đồng thời, tiếp tục đàm phán, hỗ trợ thông tin các thị trường Việt Nam ký FTAS để các DN nắm bắt, tiếp cận các ưu đãi, nhất là các DN trong lĩnh vực may mặc, da giày chiếm cơ cấu cao trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Không thể phủ nhận, khó khăn của dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực nhiều mặt, gây thiệt hại không nhỏ đối với các DN may mặc, da giày trong tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là dịp, các DN may mặc nâng cao khả năng thích ứng; xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro cao hơn; đồng thời, tích cực, chủ động trong việc tổ chức lại bộ máy quản lý, các khâu sản xuất, chuỗi cung ứng để có sức “đề kháng” tốt hơn trước những biến động của thị trường. Với những tín hiệu khả quan về đơn hàng và thị trường, các doanh nghiệp may mặc, da giày trong tỉnh có cơ sở để đẩy mạnh sản xuất ngay từ những tháng đầu năm và tiếp tục tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường, xúc tiến ký kết thêm các hợp đồng mới cho những quý tiếp theo.

Theo: Tùng Lâm, Báo Thanh Hóa

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.081
Khách
: 1.063
 
Ngành may mặc, da giày chủ động khắc phục khó khăn Rating: 5 out of 10 82705.
Core Version: 1.8.0.0