Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 19/04/2024

Đăng ký nhận tin

Quy tắc xuất xứ trong EVFTA: Hiểu đúng, hưởng lợi lớn

08/07/2020 09:38 SA

Quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng hàng đầu để giúp doanh nghiệp nhận ưu đãi từ EVFTA. Bộ Công Thương đang nỗ lực tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực (ngày 1/8/2020) và điều này sẽ góp phần quan trọng tạo cú hích lớn để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU. Theo tính toán, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Để chuẩn bị cho thời điểm EVFTA có hiệu lực vào ngày 1/8 tới, Bộ Công Thương đã nhanh chóng ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 quy định xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, đồng thời tích cực phổ biến Thông tư đến các doanh nghiệp. Theo đó, EVFTA cho phép áp dụng cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) (C/O mẫu EUR.1) và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tại Việt Nam, thời điểm áp dụng tự chứng nhận xuất xứ do nội luật quy định. Trước khi áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ thông báo tới EU và ban hành hướng dẫn trong nước.

Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Ở chiều ngược lại, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của EU mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Cơ chế xác minh xuất xứ trong Hiệp định EVFTA là cơ chế xác minh giữa cơ quan chính phủ và cơ quan chính phủ (G to G), thời gian hai bên phối hợp thực hiện xác minh xuất xứ hồ sơ giấy là 10 tháng.

Trong trường hợp nước nhập khẩu liên tục phát hiện gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc nước xuất khẩu thiếu hợp tác, không cho nước nhập khẩu kiểm tra xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất, hai bên cùng bàn biện pháp khắc phục. Sau 30 ngày không đạt được đồng thuận, vụ việc được đưa lên Ủy ban thực thi Hiệp định và sau 60 ngày không đạt được biện pháp giải quyết, bên nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm dừng ưu đãi. Thời gian áp dụng tạm dừng ưu đãi là 3 tháng và có thể gia hạn thêm 3 tháng.

Hiện nay, EU vẫn dành cho Việt Nam cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Theo nguyên tắc, khi một quốc gia ký FTA với EU và hiệp định đó có hiệu lực thì GSP sẽ kết thúc. Tuy nhiên, trong thời gian đầu EVFTA có hiệu lực, do các bước cắt giảm thuế trong biểu cam kết thuế quan của EU nên thuế quan ưu đãi của EU tại thời điểm EVFTA có hiệu lực có thể cao hơn so với mức thuế mà Việt Nam đang được hưởng trong GSP. Chính vì vậy, EU cho phép Việt Nam chuyển đổi từ GSP sang EVFTA với lộ trình 7 năm.

Cùng với việc nhanh chóng ban hành các quy định về xuất xứ cho doanh nghiệp dễ thực thi, Bộ Công Thương đang áp dụng trên toàn quốc hệ thống khai báo C/O điện tử và cấp C/O qua internet. Nhờ đó, thời gian cấp C/O tại các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Cục Xuất nhập khẩu chỉ trong vòng 2 - 4 giờ làm việc, đặc biệt có phòng giải quyết thủ tục trong khoảng 1 giờ làm việc đối với những lô hàng xuất khẩu bằng đường hàng không.

“Do quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, ví dụ như thủy sản, dệt may hay da giày, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định để có thể hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ, tự tin áp dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực”, ông Chinh khuyến cáo.

Trích đăng theo Bảo Ngọc, Báo Công thương

TAGS:  EVFTA
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.110.131
Khách
: 1.213
 
Quy tắc xuất xứ trong EVFTA: Hiểu đúng, hưởng lợi lớn Rating: 5 out of 10 91722.
Core Version: 1.8.0.0